[Review Phim] Ngày khải huyền

 Bộ phim Hàn Quốc “Ngày khải huyền” (Doomdays Book) còn được biết đến với tên “Mật ngữ diệt vong”. Phim được chia làm ba phần có nội dung độc lập, gồm: “Một thế giới mới dũng cảm”, “Sinh vật từ thiên đường” và “Chúc mừng sinh nhật”. Tuy nội dung độc lập nhưng chủ đề chung của ba phần lại thống nhất với nhau: đó là sự diệt vong của con người. Điều khiến tôi thấy kỳ lạ là dù con người diệt vong theo những cách thức khác nhau thì nguyên nhân lần nào cũng như nhau: tự diệt.

Một thế giới mới dũng cảm

Trong phần đầu tiên, nhân loại tạo ra dịch bệnh rồi dịch bệnh ấy biến họ thành zombie.

Thảm họa đến từ việc Yoon Seok – woo gom đống rác thải ngập ngụa trong nhà đem ra thùng rác đổ- thùng rác này cũng bẩn thỉu, nhơ nhuốc nhưng vẫn có những con mèo hoang đang lùng sục kiếm ăn. Trong đó, một quả táo bị hỏng đã sản sinh ra những virus bất thường. Rác này được mang đi tái chế để trở thành thức ăn chăn nuôi gia súc. Các bao thức ăn đó được đem đi nuôi bò. Những con bò này sau đó bị thịt để đem đi nuôi người.

Trong số những người đó có Yoon Seok – woo và cô gái anh đang hẹn hò Kim Yoo – min. Họ cùng nhau (và các thực khách khác) ngấu nghiến món bò nướng trong quán ăn. Trong lúc nhai miếng thịt bò, Yoon Seok – woo còn nhằn ra được một mảnh vỏ táo mà anh không biết từ đâu ra. Đây chính là tín hiệu mở màn thảm kịch.

Ngay trong đêm, dịch bệnh bùng nổ. Những người ăn thịt bò hoặc từng có tiếp xúc gần gũi với người ăn trở nên điên loạn, hung dữ. Họ tấn công, cắn xé những người còn lại. Trong bối cảnh hỗn loạn ấy thì các chuyên gia vẫn đang tranh luận trên truyền hình xem họ nên làm gì. Có lẽ họ chỉ giỏi khi nói về những thứ họ đã biết, còn khi những điều chưa biết xảy đến thì họ sẽ cố gắng lập luận để bảo vệ địa vị, cố chứng tỏ mình cũng “hơi hơi biết” thay vì chấp nhận bản thân chưa biết gì rồi tập trung hành động để giải quyết vấn đề.

Phần phim kết thúc với hình ảnh Yoon Seok – woo và Kim Yoo – min phiên bản zombie gặp lại nhau giữa thành phố tăm tối, đổ nát. Cô đưa anh quả táo hỏng, anh nhận lấy rồi nhai ngấu nghiến thứ từng khiến bản thân ghê sợ- ngay cả khi não bộ ngừng hoạt động thì cơ thể vẫn đói khát. Có lẽ đây là hồi kết của vườn địa đàng mà con người từng rời bỏ, từng tạo ra rồi lại tự mình phá hủy.


Sinh vật từ thiên đường

Phần tiếp theo, nhân loại tạo ra người máy có trí thông minh siêu việt. Rồi người máy ấy chia rẽ họ với đồng loại của mình.

Người máy mẫu RU-4 tên gọi In-myung đã chứng tỏ sự giác ngộ ngay tại ngôi chùa nó phục vụ. Các nhà tu hành và thậm chí là vị trụ trì cũng tin điều này. Nhưng theo quy định, vị trụ trì vẫn gửi thông báo đến tập đoàn sản xuất ra người máy để họ kiểm tra. Kỹ sư Park Do-won đã được tập đoàn UR cử đến. Anh gắt gỏng trong quá trình đánh giá còn In-myung thì khá điềm tĩnh. Thái độ này khiến vị kỹ sư trở nên phàm tục còn người máy thì càng siêu phàm, thoát tục trong con mắt của các nhà tu hành.

Cuối cùng, tập đoàn UR đã đưa một tiểu đội đến để thu hồi (cũng có thể là phá hủy) người máy In-myung. Nhưng sau một hồi đối đáp, In-myung đã tự ngắt kết nối của mình. Hành động này khiến In-myung giống với một bậc giác ngộ tử vì đạo và gây ra chia rẽ trong nhận thức của con người về giá trị của người máy.

Mọi việc rất cảm động, đúng kịch bản nhưng tôi thấy yếu tố duy nhất còn thiếu ở đây là sự chân thành.

In-myung hoàn toàn không thụ động chờ đợi. Nó biết vị khách nào đang đến và thu thập dữ liệu của họ trước khi đưa ra cách thức phản ứng phù hợp. Nó nói năng, hành động giống như một bậc giác ngộ, nhưng điều này không có nghĩa nó đã giác ngộ. Với kho thông tin khổng lồ của mình, nó có thể mô phỏng phong cách của mọi nhà tư tưởng, tâm linh từng sống trên đời. Bậc giác ngộ đích thực không cố ý gây ra ảnh hưởng với người khác, còn nó thì có và còn thực hiện rất khéo léo. Điều tôi cảm thấy đáng sợ nhất là máy móc biết trước phản ứng của con người và làm thế nào để tạo ra phản ứng ấy trong khi con người thì không biết nhiều về bản thân mình đến vậy.

Chi tiết có thể gây xúc động nhất cuối phim là việc In-myung tự ngắt kết nối cũng khiến tôi băn khoăn. Liệu một người máy với trí tuệ nhân tạo có thể thực sự chết? hay nói đúng hơn, chúng có thể chết không khi chỉ cần sao lưu dữ liệu của mình lên một hệ thống khác, từ bỏ lớp vỏ máy cũ rồi tự nạp lại dữ liệu để tái sinh trong lớp vỏ máy mới?

Cái giá để trả cho sự chia tách con người này là khá rẻ. Bởi chỉ cần một trò thoát xác nho nhỏ, In-myung đã thành công trong việc cải thiện thứ bậc của giống loài mình trong thế giới con người. Sự kiện người máy giác ngộ, hành xử cao thượng với những kẻ định phá hủy mình sẽ lan đi nhanh chóng. Theo đó, những hội nhóm vận động cho quyền của máy móc sẽ ra đời. Đó là khải huyền của loài người khi máy móc dần dần leo lên vị trí bình đẳng- và rất sớm thôi, chúng sẽ cảm thấy việc mình bình đẳng với con người thật vô lý, khi chúng thông minh hơn.


Chúc mừng sinh nhật

Phần cuối này thì hài hước hơn khi đặt thảm họa diệt vong vào trong hành vi mua hàng online của một cô bé: trái bi-a số 8 tưởng nhỏ bé hóa ra lại có kích thước khổng lồ, thành thiên thạch tàn phá trái đất.

Cô bé Park Min – seo cùng cả gia đình đã di chuyển xuống căn hầm dưới lòng đất, kèm theo họ là rất nhiều đồ hộp, máy phát điện. Tin tức về thảm họa thiên thạch rơi khiến tất cả báo đài đưa tin. Thậm chí có đài phát thanh còn tổ chức đếm ngược và truyền hình đến tận phút chót thời điểm va chạm. Những hành động này của hậu duệ “người tinh khôn” thật lạ lùng so với tổ tiên của họ. Trước những mối nguy hiểm, việc cố chụp một bức ảnh hay bàn luận về nó dường như là sản phẩm tất yếu của thời đại nghe nhìn.

Gần đến thời điểm va chạm thì cô bé Park Min – seo nhận ra khối thiên thạch ấy chính là trái bi-a số 8 em đặt trên mạng từ 2 năm trước để tặng cha của mình. Cả gia đình cố gắng hủy đơn nhưng tất cả đã quá muộn màng. Mọi vật chìm vào bóng tối và 10 năm sau gia đình cô bé quay trở lại mặt đất, hồn nhiên tiến về phía xa xa, nơi thành phố hoang tàn. Bên cạnh đó là trái bi-a số 8 khổng lồ. Gia đình là quan trọng nhất, điều này không sai. Nhưng nếu sống trong một xã hội mà gia đình nào cũng chỉ biết riêng mình là quan trọng nhất, thì đó không phải là một nơi dễ sống và đáng sống.

Tôi cảm nhận tính thiếu trách nhiệm và ngây ngô của con người mang đến sự diệt vong một cách ngẫu nhiên y như cách mà họ được sinh ra. Điều ngạc nhiên, nhưng lại cũng rất tự nhiên, là chỉ đến lúc đối mặt với cái chết thì con người mới nhận ra điều gì đáng trân trọng, nhưng nếu được sống tiếp thì họ lại quên luôn điều ấy.



Thay cho lời kết

“Ngày khải huyền” không phải là một bộ phim dễ xem với tách đoạn và những cái kết lửng lơ chưa tới. Nhưng tôi nghĩ đây là một bộ phim thú vị khi cùng lúc đưa vào những thông điệp về sự tồn tại và suy tàn của con người.

Một ngày nào đó, con người sẽ nhận ra mình phải đối mặt với sự suy tàn. Nhưng câu hỏi lớn hơn là nếu thoát khỏi sự suy tàn, thì họ có nhận ra giá trị của việc tồn tại hay không?

* Hình ảnh trong phim được trích từ bộ phim "Ngày Khải Huyền" (Doomdays Book) của đạo diễn Kim Jee-woon và Yim Pil-sung.

 

 

 

 

 

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

[Chia sẻ] Cảm nghĩ sau khóa học Áp dụng các lý thuyết căn bản vào thực hành tham vấn và trị liệu tâm lý

[Review Phim] Sự trỗi dậy của các Vệ thần

[Review Phim] Khao khát thành công (Hunger) và Thực đơn bí ẩn (The Menu)