[Review Phim] Bảy võ sĩ đạo (1954)

 Bộ phim đen trắng này giúp tôi thấm thía hơn câu nói “Không quan trọng anh là ai, mà quan trọng anh làm được gì”. Bởi trước khi xem phim tôi thường nghĩ các samurai là những chiến binh trên chiến trường, khao khát lập nên công trạng hiển hách và không tiếc mạng sống của mình. Nhưng hóa ra dù có tên gọi ra sao, tầng lớp thế nào thì chỉ hành động của một con người mới có thể định nghĩa bản chất của họ.



"Bảy võ sĩ đạo" lấy bối cảnh một ngôi làng nghèo đói, tuyệt vọng vì bị băng cướp nhắm tới. Chúng dự định sẽ đến sau mùa gặt và cướp sạch thóc gạo. Dân làng đã tranh cãi với nhau xem chịu cống nộp hay là tìm các chống lại. Sau một hồi thì phái phản kháng đã chiến thắng, họ tìm đến già làng để xin lời khuyên. Già làng đã bày mưu cho họ tìm thuê các samurai thiếu ăn về để chiến đấu.

Nhóm nông dân của anh chàng Rikichi lên đường tìm các samurai. Họ bị từ chối nhiều lần, phải ăn kê để dành gạo thuê Samurai và bị chê cười, coi thường (chế độ đẳng cấp nghiêm ngặt khiến cho tình huống nông dân dám cả gan đi thuê Samurai thật vô lý, bởi Samurai có địa vị cao quý hơn).

Nhưng may mắn và sự chí thành đã ủng hộ nhóm nông dân bé nhỏ này. Họ thành công trong việc thuyết phục vị samurai đầu tiên. Từ đó, nhờ uy tín của vị samurai này mà một nhóm bảy người đã hình thành để quay trở lại bảo vệ làng, chiến đấu với giặc cướp. Diễn biến bộ phim ra sao thì mời các bạn trực tiếp thưởng thức. Tuy phim đen trắng và có thời lượng khá dài (hơn 3 giờ) nhưng kịch bản và diễn xuất của các nhân vật rất xuất sắc.

Tiếp theo, tôi sẽ chia sẻ cảm nghĩ của mình về những nông dân và samurai.

Những người nông dân sống vì điều gì?

Cuộc sống của những người nông dân rất cơ cực. Họ lao động vất vả, bị cả giặc cướp lẫn quan lại chèn ép, cướp bóc. Nhưng ở họ vẫn có nghị lực sống. Đây là điều tôi khá thắc mắc bởi trong thời hiện đại với đầy đủ tiện nghi thì vẫn có những cá nhân không thiết sống. Vậy tại sao những người nông dân nghèo khổ, bé nhỏ, nhận thức hạn hẹp lại có khao khát sống mãnh liệt như thế?

Theo dõi phim, tôi nhận ra ở họ có sự bền bỉ của thiên nhiên. Chính nắng, gió, đất, nước, cây cỏ đã hun đúc cho họ một sức sống mạnh mẽ mà đôi khi chính họ cũng không hề nhận ra. Dù bị đánh đập, bị cướp bóc, bị sỉ nhục thì họ vẫn bền bỉ bám lấy mục đích. Ở họ không có nét đẹp thượng võ của các chiến binh nhưng lại có sức sống mãnh liệt của con người nguyên sơ, mộc mạc.

Chính vì cuộc đời quá khó khăn nên người nông dân lại càng thêm trân trọng những điều mình nhận được. Họ yêu cuộc sống vất vả của mình. Tuy vẫn có chút toan tính, tư lợi khi làm việc với những samurai nhưng họ không chối bỏ khi bị vạch trần hay có ác ý trả đũa. Điều đó cho thấy người nông dân tuy ít học nhưng vẫn sẵn sàng học nếu có ai đó dạy họ, giúp họ mở mang hiểu biết rằng không phải ai trên đời cũng đem tính mạng, nhân phẩm ra đặt cược vì thiếu ăn.

Tôi ngưỡng mộ bản năng sinh tồn của những người nông dân và tạo hóa thật tài tình khi ban năng lực nuôi dưỡng cuộc đời cho những cá thể có sức sống.



Những samurai chiến đấu vì điều gì?

Nhưng nếu tất cả đều ham sống sợ chết như những người nông dân thì lấy ai đánh đuổi giặc cướp? lấy ai dám đấu tranh chống lại những vấn nạn tồi tệ?

Có một tầng lớp cao quý đã xuất hiện và tôi nghĩ một phần họ được xem là cao quý bởi họ không sợ cái chết. Đó chính là các samurai. Điểm chung của họ là không sợ chết, miễn là cái chết đó có ý nghĩa. Trong nhóm bảy võ sĩ đạo, tôi nhận thấy ý nghĩa trong cái chết của từng người lại không giống nhau:

Kanbe Shimada là một samurai từng trải. Theo như lời kể thì ông là một samurai không may mắn khi tham gia 7 trận đánh thì cả 7 trận đội quân của ông đều thất bại. Có lẽ ông không may mắn nhưng tài năng của ông là điều rất rõ ràng. Bởi tôi nghĩ một người thất bại tận bảy lần mà không chết, không suy sụp, điềm nhiên thừa nhận giới hạn bản thân thì chắc chắn đó là một người rất mạnh. Sức mạnh tinh thần của một người thủ lĩnh sẽ cuốn hút những binh sĩ theo họ vô điều kiện: Shichiroji là một ví dụ. Ngay khi gặp lại chủ tướng Kanbe Shimada, anh tình nguyện theo ông dù đó là vào chỗ chết. Shichiroji nghĩ bổn phận lớn lao hơn cái chết còn Kanbe Shimada trân trọng sự sống nên ông biết đôi lúc phải đối mặt với cái chết để giành lấy sự sống.

Chàng samurai trẻ Katsushiro thì chưa có vốn sống như vậy. Anh nhìn thấy tài năng của Kanbe Shimada nên muốn theo ông học hỏi. Ban đầu Kanbe Shimada từ chối bởi ông nghĩ chàng trai này còn chưa hiểu bản thân muốn gì, cũng như sự khác biệt giữa sống và chết, kèm theo đó là nôn nóng lập công danh có thể khiến cậu uổng phí mạng sống vô ích. Bởi cậu không thể tiến bộ khi đã chết, nên ông muốn cậu chờ đợi thêm. Nhưng lòng tốt và nhiệt tình tuổi trẻ của Katsushiro đã giúp cậu được chấp nhận vào nhóm bảy võ sĩ.

Gorobe Kotayama với nụ cười thường trực cũng khiến tôi ấn tượng. Tuy chưa biết nhiều về quá khứ của vị samurai này nhưng cách ông vượt qua bài thử thách cho thấy tư chất của ông. Việc né được cú tập kích bất ngờ của Katsushiro cho thấy kỹ năng, nhưng biết trước có tập kích để tránh được hoàn toàn mà không hề nổi giận thì kỹ năng ấy lại ở một đẳng cấp khác hẳn.

Kyuzo là một kiếm sĩ chân chính. Anh đam mê kiếm thuật nên lang bạt tìm các trận chiến giúp mình mài giũa. Biết trận chiến giữa 6 võ sĩ cùng một nhóm nông dân chống lại đám cướp hơn 40 tên có trang bị đầy đủ vốn không hề cân sức, anh đã quyết định tham gia. Ở nhân vật này toát lên tinh thần chính trực, tính tự lực, can đảm của một cường giả. Nhưng điểm tôi thích nhất ở anh không phải nằm ở sức mạnh mà nằm ở một đầu óc đủ minh mẫn để sử dụng sức mạnh ấy đúng chỗ: khi dùng cây tre đấu với một samurai khác, Kyuzo đã cảnh báo rằng dùng kiếm thật có thể sẽ khiến gã này chết. Nhưng tên kia vẫn muốn rút kiếm thật ra so tài để rồi hắn chết ngay sau đó dưới lưỡi kiếm của Kyuzo. Sự sống đáng quý nhưng đúng là chỉ quý với những ai đủ sáng suốt.

Kikuchiyo đối lập hoàn toàn với những người đồng đội của mình. Anh không phải là samurai nên nếp nghĩ, cách hành xử của anh hoàn toàn khác biệt. Ban đầu mọi người chế giễu, trêu chọc anh nhưng dần dần họ bắt đầu nhận thấy những phẩm chất tốt đẹp bị vùi sâu trong anh. Kikuchiyo hóa ra lại là giao điểm hợp nhất của nông dân và samurai: vừa cao thượng vừa thực dụng, vừa chín chắn lại vừa hồn nhiên. Tôi nghĩ Kikuchiyo đã có một quãng đường đời chẳng hề dễ dàng nên anh hiểu được nỗi đau khổ của những người nông dân và sự tàn nhẫn của những samurai.

Ban đầu tôi chưa hiểu tại sao Kikuchiyo lại quanh quẩn bên Kanbe Shimada. Về sau tôi mới dần dần nhận thấy hóa ra anh rất muốn theo ông như Katsushiro. Nhưng Kikuchiyo mặc cảm thân phận của mình và chưa từng có ai dạy anh cách bày tỏ nguyện vọng sao cho chân thành, bộc lộ cảm xúc sao cho chừng mực nên anh bị mâu thuẫn bởi nỗi xấu hổ của một đứa trẻ chưa trưởng thành níu lại. Anh cố gắng thu hút sự chú ý của Kanbe Shimada bằng cách gây sự với ông hoặc nhảy nhót xung quanh ông. Kikuchiyo có hai cuộc đời nên anh mang theo trải nghiệm trọn vẹn nhất trước khi ra đi.

Mặc dù samurai Heihachi tử vong hơi sớm vì một tai nạn nhưng tôi thấy bài học của anh khá sâu sắc: đừng bao giờ coi thường người khác và “đao kiếm không có mắt”. Gươm trong tay mình giết địch thì gươm sang tay địch cũng có thể giết mình. Thanh gươm trong tay người nông dân đang tức giận có thể trở nên rất nguy hiểm. Dù không được đào tạo bài bản như samurai nhưng sức khỏe và sự giận dữ của họ hoàn toàn có thể khiến họ đủ khả năng chém giết. Đây cũng là bài học cho những võ sĩ, kiếm sĩ không chủ quan trước những người “tay ngang” (không tập tành trong trường lớp). Họ không hành động theo tư thế hay bài tập nên phán đoán và không chế những người này không phải lúc nào cũng đơn giản, dễ dàng.

Bảy samurai đến làng nhưng không phải tất cả đều có thể rời đi. Sự khốc liệt của chiến trận là như vậy. Máu xương của họ về với đất để vụ mùa tiếp theo sinh trưởng trên cánh đồng. Và chỉ những trái tim quả cảm mới dám bước vào trận chiến ấy. Bảy samurai này có lẽ chưa phải là những chiến binh thiện chiến nhất, đến từ dòng dõi danh giá nhất. Họ vùi thây ở một ngôi làng hẻo lánh, chỉ có nấm mộ đơn sơ kèm với hành động hiệp nghĩa của họ tồn tại trong lời kể của dân làng chứng minh họ là những samurai chân chính mang tinh thần võ sĩ đạo.



Thay cho lời kết

Tôi nghĩ người nông dân và samurai như là một vòng tròn của sự sống và cái chết. Những con người dám sống bên cạnh những con người dám chết là một khúc ca bi tráng về con người. Khi tìm hiểu về bộ phim “Bảy võ sĩ đạo” tôi có đọc được nhận xét đây là bộ phim làm nền tảng gợi cảm hứng cho các bộ phim siêu anh hùng hiện đại.

Nhưng tôi tin bộ phim này còn làm được nhiều hơn thế: đó là nhắc cho người xem nhớ thế nào là anh hùng. Có thể anh hùng không nhất thiết phải cứu thế giới hay mang siêu năng lực. Anh hùng chỉ đơn giản là chọn hành động đẩy lùi những điều bất nhân và trọng nghĩa khí hơn danh lợi. Anh hùng rất gần, nhưng cũng rất xa chúng ta. Bởi phẩm chất anh hùng luôn có sẵn trong mỗi con người. Tuy nhiên đứng trước cám dỗ, nghịch cảnh hiếm khi chúng ta đủ can đảm để hành động theo tiếng nói của người anh hùng ấy.

Như Kanbe Shimada nhận định lúc cuối phim: “chiến thắng thực sự thuộc về những người nông dân”.- họ không chiến đấu vì những điều tầm thường vô nghĩa, họ chiến đấu vì những điều đời thường nhưng rất ý nghĩa.

Tôi nhìn thấy người anh hùng trong mỗi đứa trẻ tôi gặp. Người anh hùng tí hon ấy thường cần được động viên và hướng dẫn trên hành trình trưởng thành.

 * Hình ảnh được trích từ bộ phim "Bảy võ sĩ đạo" (Seven Samurai - 1954) của đạo diễn Kurosawa Akira

 

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

[Review Sách] Khả năng cải thiện nghịch cảnh

[Sách Nhã Nam] Tọa đàm Thuật trị nước: Từ “Quản Tử” đến “Quân Vương”