[Sách Nhã Nam] Tọa đàm Thuật trị nước: Từ “Quản Tử” đến “Quân Vương”

Ngày 16/06/2024 tại The Wise Lands Coffee (Hạ Hồi, Hoàn Kiếm, Hà Nội) đã diễn ra buổi Tọa đàm nhân dịp ra mắt cuốn sách Quản Tử. Các diễn giả gồm - GS. TS. Trần Ngọc Vương - Ủy viên hội đồng Giáo sư ngành Văn học (thuộc Hội đồng giáo sư Nhà nước); Tiến sĩ sử học Vũ Đức Liêm: giảng viên Khoa Lịch sử, trường Đại học Sư phạm Hà Nội; Tiến sĩ văn học Mai Anh Tuấn: giảng viên Trường Đại học Văn hóa Hà Nội.



Quản Trọng (tác giả của “Quản tử”) và Niccolò Machiavelli (tác giả của “Quân vương”) được biết đến như là hai nhân vật quan trọng đã đề xuất mô hình pháp trị, quân chủ, nhưng tư tưởng của họ, ngoài những điểm tương đồng, cũng có nét dị biệt, bởi những khác biệt về thời đại.

Mở đầu buổi tọa đàm, Tiến sĩ sử học Vũ Đức Liêm đã giới thiệu về nguồn gốc ra đời của “Quản Tử” và “Quân Vương” để giúp khán giả hình dung rõ hơn những nét tương đồng và khác biệt của hai tác phẩm thuộc về hai bối cảnh, hai thời đại và hai nền văn minh Đông – Tây. Anh cho biết nghiên cứu lịch sử không phải là nghiên cứu về quá khứ mà là nghiên cứu về sự chuyển tiếp- đặc biệt là quá trình chuyển tiếp của các hình thái kinh tế xã hội và hệ tư tưởng.

Ngày nay, công chúng nhắc đến Machiavelli là nhắc đến những thủ đoạn chính trị (tên của ông từ một danh từ bị biến đổi sang tính từ: lưu manh, thủ đoạn). Nhưng theo Tiến sĩ sử học Vũ Đức Liêm thì Machiavelli không nên bị phê phán. Bởi những điều Machiavelli đúc kết được trong tác phẩm “Quân Vương” là bài học giúp cho người tốt sống sót trong thời đại loạn lạc, lãnh thổ bị cát cứ. Đặc biệt nếu có trong tay binh quyền, vương quyền thì họ cũng biết cách để sử dụng quyền lực ấy mà vẫn làm người tốt.

GS. TS. Trần Ngọc Vương có nhận định khác về quan điểm này. Ông cho rằng “Quân Vương” của Machiavelli cần phải được chú ý, xem xét kỹ lưỡng trước khi áp dụng. Trong khi đó “Quản tử - Thuật cai trị đất nước của bậc đế vương” là tác phẩm được đúc kết từ kinh nghiệm thực tế của một nhà chính trị có thực hành chính trị thời Chiến Quốc, đồng thời kế thừa được nền tảng học thuyết tư tưởng trong thời kỳ “Bách gia tranh minh”. Quản Trọng đã tránh được khuynh hướng xem nhẹ đạo đức nhân tâm của Pháp gia lại vừa bổ sung được kinh nghiệm thực tiễn chính trị cho Nho gia.

Sau quá trình lắng nghe phân tích từ hai diễn giả, Tiến sĩ văn học Mai Anh Tuấn khái quát lại về sự linh hoạt trong chuẩn mực đạo đức của người cai trị, như trong “Quân Vương” từng miêu tả lúc là sư tử, khi là cáo. Đối với “Quản tử”, anh mong tương lai sẽ có thêm những tác phẩm đến từ các nhà tư tưởng, mưu sĩ mang khuynh hướng Pháp gia trong cùng thời kỳ được ra mắt bạn đọc. Điều này sẽ giúp bạn đọc dễ dàng so sánh, đối chiếu hơn, ví dụ như các tác phẩm của Thương Ưởng.

Chương trình khép lại với phần giao lưu, hỏi đáp giữa các khán giả và diễn giả. Các độc giả trẻ tuổi mong muốn được tìm hiểu sâu hơn về chủ đề thuật trị nước cũng như cách thức để khai thác thêm giá trị của cuốn sách. Đáp lại băn khoăn này, một vị khách tham dự chương trình là GS. Chu Hảo đã chia sẻ: giữa thời đại nhiều biến động như hiện nay thì chúng ta nên tĩnh tâm trước sóng gió và tìm ra được sự nghiệp có ích cho bản thân, cho đất nước để tập trung tâm sức. Mặc dù nói ra điều này rất dễ nhưng để thực hiện thì không hề dễ dàng. Mỗi cá nhân cần phân biệt việc gì là chính, có gắn bó mật thiết với cuộc đời mình để cống hiến.



Về tác giả và tác phẩm

Quản Trọng (725 tr.CN - 645 tr. CN) sống trước thời Khổng Tử khoảng 100 năm, xuất thân từ vùng Dĩnh Thượng, nước Tề, tên là Di Ngô, hiệu là Trọng Phụng, là chính trị gia, nhà tư tưởng nổi tiếng thời Xuân Thu của Trung Quốc. Quản Trọng gánh vác chính sự ở Tề, Tề Hoàn công nên nghiệp bá, chín lần hội họp chư hầu, chấn chỉnh thiên hạ đều là nhờ mưu lược của Quản Trọng.

“Quản tử - Thuật cai trị đất nước của bậc đế vương” là tác phẩm kinh điển của Quản Trọng - chính trị gia, nhà tư tưởng nổi tiếng thời Xuân Thu của Trung Quốc. Đây là nguồn tư liệu rất quan trọng để nghiên cứu về chính trị xã hội, kinh tế, quân sự, luật pháp, văn hóa và các khía cạnh khác của Trung Quốc, đặc biệt là thời Xuân Thu.



Niccolò Machiavelli (1469-1527) sống trong thời kỳ nước Ý bị chia nhỏ thành nhiều công quốc, nhưng ông chủ yếu gắn bó và dần trở thành quan chức cấp cao của Cộng hòa Florence quê hương. Phụ trách ngoại giao và quân sự, Niccolò Machiavelli có điều kiện hiểu sâu và đồng thời hiện thực hóa các quan điểm chính trị của mình trong hai lĩnh vực này. Các quan điểm này, dù chịu nhiều chỉ trích và phê phán, song được người đời sau hết sức coi trọng, xem như nền móng của tư tưởng chính trị hiện đại.

“Quân vương” là trước tác nổi tiếng nhất của nhà triết học, sử học, nhà ngoại giao Niccolò Machiavelli. Đã gần năm thế kỷ kể từ lần đầu “Quân vương” được phát hành, tác phẩm kinh điển này vẫn được đọc rộng rãi và thu hút sự tranh luận từ các nhà nghiên cứu. 

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

[Review Phim] Bảy võ sĩ đạo (1954)

[Review Sách] Khả năng cải thiện nghịch cảnh