[Review Sách] Trò chuyện với vĩ nhân

Trong cuốn sách “Trò chuyện với vĩ nhân”, bạn và tôi sẽ gián tiếp được lắng nghe về đời sống tư tưởng của họ thông qua một người kể chuyện duyên dáng nhưng không hề dịu dàng: Osho.

 


Vì sao họ được coi là Vĩ nhân?

“Họ trông như là những niềm mơ ước. Họ giống như những gì mà con người mong muốn trở thành. Nhưng họ là những con người bằng xương bằng thịt. Họ thật đến mức không để lại một dấu vết nào” (trang 11)

Trong tác phẩm này, vĩ nhân gồm:

  1. Bồ Đề Đạt Ma
  2. Phật Thích Ca Mâu Ni
  3. Chiyono
  4. Trang Tử
  5. Dionysius
  6. Kahlil Gibran
  7. George Gurdjieff
  8. Heraclitus
  9. Jesus Christ
  10. Kabir
  11. Krishna
  12. Krishnamurti
  13. Lão Tử
  14. Meera
  15. Friedrich Nietzsche
  16. Pythagoras
  17. Rabiya Al-Adabiya
  18. Jalaluddin Rumi
  19. Hakim Sanai
  20. Socrates

Osho đã lần lượt đưa ra bình luận về cuộc đời của họ để làm sáng tỏ: dù thời đại và công chúng khoác lên cho họ tấm áo của nhà huyền bí, nhà thơ, triết gia, giáo chủ hay nhà tư tưởng thì họ vẫn là chính họ. Những con người có tầm vóc cao cả hóa ra lại giản đơn chỉ là những con người sống trung thực với bản chất của mình trên hành trình hướng thiện.

Trong số các vĩ nhân kể trên, tôi khá ấn tượng với phần Osho nghị luận về J.Krishnamurti. Bởi đó là người có tư tưởng khác biệt với Osho nhưng lại sống cùng thời đại với Osho. Qua cách Osho bàn về J.Krishnamurti, tôi nhận thấy điểm mà Osho thấy ở vĩ nhân và điểm ông còn chưa thấy/hoặc chưa muốn thừa nhận ở họ. Ông chỉ thấy trong vĩ nhân những điều ông có, còn những điều ông không có thì ông không hề thấy. Có lẽ, với tôi đây là điểm trừ chí mạng nhất của cuốn sách này.

Tôi đồng thuận với cảm nghĩ:

“Thật ra tôi đang cố giúp ông ấy ít nghiêm trọng hơn. Một chút khiếu hài hước sẽ không làm hại ai. Chỉ có một điểm tôi không đồng ý với ông ấy - ông ấy quá nghiêm túc” (trang 241)

Nhưng không tán đồng ý tưởng:

“Ông ấy qua đời, thậm chí không được ai nhắc đến, ở bất kỳ nơi nào trên trái đất này. Một người đã sống chín mươi năm và đã cống hiến cho nhân loại từ năm hai mươi lăm tuổi mà cứ như ông ấy đã chết hàng bao thế kỷ” (trang 254)

Nếu từng đọc những cuốn sách như: “Giáo dục & Ý nghĩa cuộc sống”, “Tự do vượt trên sự hiểu biết”, “J.Krishnamurti nói về tình yêu”, “J.Krishnamurti nói về tự do” và “J.Krishnamurti - Thực tại hiện tiền”, bạn sẽ nhận thấy sự cống hiến của ông đủ mạnh mẽ để giúp tư tưởng của ông có sức sống trường tồn.

J.Krishnamurti đã lựa chọn con đường khác với Osho, nên chưa chắc Osho hoàn toàn đủ hiểu biết để nhận định về J.Krishnamurti. Tôi nghĩ sự khác biệt tạo nên bản sắc, không phải là yếu tố để phân định cao, thấp. Dường như các bậc thầy rất cẩn trọng với điều này nên ít khi luận bàn về đường hướng của nhau.

Bằng sự im lặng sâu sắc nơi “cái tôi”, họ đã cất vang lên những giai điệu đặc trưng chung của nhân loại. Dù khác nhau ở nơi sinh ra, ở địa vị và khác nhau ở cách thức lan tỏa thông điệp, những vĩ nhân này vẫn thống nhất với nhau ở điểm là họ không quên đi bản chất “người” trong mình. Vì thế, họ không có sự phân biệt giữa yêu thương bản thân và yêu thương những người xung quanh.

Nhưng nhân loại xung quanh họ, ở thời đại cùng với họ hoặc sau họ thì đều cảm thấy điều này thật vô lý. Nhận thức về sự vô lý ấy bắt nguồn từ tính hợp lý trong “cái tôi” của nhân loại.

“Cái tôi” của người tầm thường sự luôn khao khát làm những điều khó khăn để chứng tỏ bản thân, sở hữu những thứ quý giá để chứng tỏ bản thân và đánh bại mọi địch thủ cũng chỉ để chứng tỏ bản thân. Mọi hành động, ý nghĩ của họ thiên lệch về sự tranh giành. Ham muốn khởi phát từ lòng tham này đi ngược lại với quy luật tự nhiên- “còn trời đất nhưng chẳng còn tôi mãi” (“Vội vàng”, Xuân Diệu).

Giữa một bầy đoàn sục sôi như thế, lại có những con người chẳng màng gì đến việc được - mất của “cái tôi”. Và “cái tôi” của vĩ nhân chính là “cái tôi” của người bình thường: họ sống thuận theo tự nhiên nên rốt cuộc không có “cái tôi” nào.

Nhân loại hồ hởi chụp lấy những con người tự nhiên ấy, đưa lên cao, choàng lên cổ họ tấm huy hiệu vĩ nhân, lễ bái tôn sùng rồi sáng tác kinh sách về cuộc đời họ. Để rồi đám đông sôi sục ấy lại tiếp tục bắt trước vĩ nhân làm những điều khó khăn, sở hữu những thứ quý giá thuộc về vĩ nhân, hăm hở đánh bại những tư tưởng đi ngược lại tín ngưỡng về vĩ nhân.

Trò chơi này cuối cùng vẫn chỉ quay về để củng cố “cái tôi”. Một trò chơi ngàn năm mà con người chơi hoài vẫn không chán. Người theo bóng vĩ nhân thì dĩ nhiên sẽ trở thành một bản sao lỗi của vĩ nhân, không thể là vĩ nhân được. Do đó, tôn sùng vĩ nhân đôi khi là sự ngụy trang của việc tôn sùng “cái tôi” cá nhân. Một tiểu xảo cơ trí theo lối “cáo mượn oai hùm”. Nhưng có một điểm hài hước là họ muốn được những thứ vĩ nhân được (danh lợi, sự sùng bái, quyền uy, sức ảnh hưởng) nhưng lại sợ mất những thứ vĩ nhân chấp nhận mất (“cái tôi”).

Vĩ nhân ít khi coi bản thân là Vĩ nhân

Một người hiểu biết thực sự biết rằng mình không biết gì cả. Sự không biết của người đó vô cùng sâu sắc. Và từ sự không biết này sẽ xuất hiện sự trong sáng. Khi biết, bạn trở nên khôn vặt. Khi biết, bạn trở nên láu lỉnh. Khi biết, bạn đánh mất sự trong sáng của tuổi thơ (trang 201)

Theo bạn, nếu các vĩ nhân như Đức Phật Thích Ca Mâu Ni, Đức Chúa Jesus Christ, Kabir hay Krishna sinh ra trong thời đại ngày nay thì họ sẽ làm gì?

Họ có cần phải trở thành các KOL (Key Opinion Leader – Người có sức ảnh hưởng), phát triển đa kênh, đa nền tảng hay sáng tạo nội dung để câu view, tăng traffic hay livestream rao giảng tín điều? công khai khẩu chiến, công kích tư tưởng của nhau?

Tôi nghĩ nếu họ thực sự làm như vậy, họ không còn là họ và chúng ta cũng không còn xem họ là vĩ nhân nữa. Đối với con người, vĩ nhân siêu thực và được đóng khung trang trọng trong lồng kính của những thiên kiến cá nhân.

Đối với vĩ nhân, họ cảm thấy không có sự khác biệt nào giữa việc “trở thành” và “đang là”. Họ trân trọng sự sống nhưng cũng nhận biết tính vô thường khiến vạn vật chỉ là ảo cảnh của tâm trí nhất thời. Họ không tham vọng song cũng không lười biếng, họ biết giá trị của tài vật những không quên giá trị của một giấc ngủ ngon. Một bữa tiệc linh đình, tràn ngập của ngon vật lạ cũng không khác mấy so với hương vị của một bữa ăn đạm bạc nơi thôn dã.

Vĩ nhân đã sống đời sống của mình một cách thoải mái, tự nhiên. Còn nhân loại đi ngược tự nhiên vì dục vọng của bản thân, giờ đây quay trở lại tôn sùng những sứ giả tự nhiên ấy, quỳ rạp trước họ hô to “vĩ nhân”. Điều này khiến tôi liên tưởng đến sự điên cuồng bê - tông hóa, “xây cho nhà cao, cao mãi” chốn thành thị. Sau đó các thị dân lại kéo nhau lên rừng, xuống biển để du lịch xanh, tìm chút an lành, xa lánh chốn bụi bặm, ồn ào.

Ngấu nghiến những lời nói của vĩ nhân và “sáng tạo” hơn nữa là tìm cách buôn (thương mại hóa) vĩ nhân và những gì liên quan đến vĩ nhân. “Vĩ nhân” có thể trở thành một thương hiệu thời thượng, để rồi một vài cá nhân ích kỷ, tham lam và ngu dốt nào đó mượn lời vĩ nhân thì sẽ được may mắn đối xử như vĩ nhân.

Tôi từng giật mình khi biết rằng ở một ngôi chùa nổi tiếng trên thế giới có tồn tại chức vụ Trụ trì kiêm CEO. Vị này biến đổi một ngôi chùa có truyền thống lâu đời trở thành “đế chế kinh doanh triệu đô” và dự định niêm yết cổ phiếu của chùa lên sàn giao dịch chứng khoán.

Hình như người dẫn đường của chúng ta trong tác phẩm này cũng có tài năng tương tự, nhưng có lẽ đó là một câu chuyện khác chưa tiện bàn ở đây.

Khác với cách nghĩ là chỉ làm việc khó, việc to mới là hào kiệt, các vĩ nhân chọn cuộc sống dễ dàng vui với việc nhỏ, việc dễ (ví dụ như Kabir vẫn kiên trì dệt vải rồi mang ra chợ bán như một người bình thường, trong khi học trò của ông rất đông và muốn chu cấp hoàn toàn cho ông). Câu chuyện của họ nằm trong cuốn sách này, đợi bạn đọc tự khám phá.



Bạn mong đợi điều gì ở các Vĩ nhân?

“Nhưng những người như Phật, Christ, gần như đi qua sự hiện hữu mà như thể họ chưa từng hiện hữu. Đó là ý nghĩa mà tôi muốn nói về việc vượt ra ngoài giới hạn của lịch sử. Đừng sống trong các sự kiện, hãy sống trong tỉnh thức”. (trang 390)

Tôi nghĩ rằng các vĩ nhân luôn có những điểm hay đáng để chúng ta suy ngẫm và sàng lọc trước khi học hỏi. Nhưng đừng mong đợi quá nhiều ở sự tận thiện, tận mỹ nơi họ. Bởi họ là con người, thay vì những ý tưởng cao siêu trong tâm trí chúng ta.

“Trò chuyện với vĩ nhân” cũng không phải là một cuốn sách cung cấp thông tin khách quan về các vĩ nhân, bởi phần nào đó họ được tái hiện lại thông qua lăng kính của người dẫn đường Osho.

Cá nhân tôi rất hứng thú với ông, nhưng cũng chân thành chia sẻ cùng bạn đọc là “Đọc Osho mà tin cả vào Osho thì đừng đọc Osho còn hơn.” Bởi năng lực biện luận và nắm bắt bản chất vấn đề, kể cả vấn đề phức tạp nhất trên thế gian là “con người”, của Osho sắc sảo một cách kì dị. Osho cũng không ngại thừa nhận ông biết con người muốn nghe gì và sẵn sàng nói điều họ muốn nghe để hàng phục họ.

Do đó, hoàn toàn tin vào Osho (và bất cứ ai có tài ăn nói) sẽ dễ khiến bạn trở thành vị nữ hoàng khốn khổ trong câu chuyện cổ tích “Nàng Bạch Tuyết và bảy chú lùn”, có một chiếc gương thần (quái) để tự luyến với câu hỏi “thế gian ai đẹp được dường như ta?”

Để biết tôi nhận xét như vậy có lý hay không, bạn có thể đọc cuốn “Tự truyện Osho” để tự tìm ra câu trả lời.

Nếu Osho cũng được coi là vĩ nhân, thì chúng ta có thể mở rộng thêm câu nói ở trên thành: “Đọc vĩ nhân mà tin cả vào vĩ nhân, thì đừng đọc vĩ nhân còn hơn.”

Đừng quên vĩ nhân cũng là con người, chúng ta cũng là con người. Tôi nghĩ khác biệt duy nhất là họ chấp nhận sự thực ấy và vui vẻ sống hướng tới cái thiện, sự hài hòa với vạn vật. Mong rằng sau câu chuyện về vị Trụ trì – CEO, trong tương lai tôi sẽ không bị giật mình thêm lần nữa nếu trên thị trường có xuất hiện các tựa sách có tên “bí mật vĩ nhân”, “công thức trở thành vĩ nhân”, “vĩ nhân tinh gọn” v.v.

Thay cho lời kết

Sau khi đọc xong “Trò chuyện với vĩ nhân”, cá nhân tôi rút ra được hai điều:

  1. Vĩ nhân không tự nhận mình là vĩ nhân
  2. Vĩ nhân là con người bình thường, nhưng không tầm thường

Tôi tin rằng hai điều bé nhỏ và ngắn gọn này có đủ sức mạnh làm rung chuyển những niềm tin to lớn, bén rễ bấy lâu nay về vĩ nhân. Bạn đọc có thể tự kiểm chứng. Nhưng đừng quên đến với Osho là đến với một thế giới của sự mạo hiểm, bất quy tắc của một con người sinh ra và lớn lên cũng như chọn cuộc sống hoàn toàn khác so với phần đông nhân loại. Do đó, sẽ hơi nguy hiểm nếu bạn chưa có sự chuẩn bị.

Sự chuẩn bị tốt nhất là hãy trực tiếp tìm hiểu về các vĩ nhân thông qua hệ thống kinh sách căn bản về họ, trước khi thông qua Osho. Nếu đã có sự chuẩn bị sẵn sàng, thì bạn có thể khởi hành. Nhưng tôi không thể hứa hẹn bạn sẽ được gì hay mất gì. Vì trong lúc đọc sách những điều bạn “mất”, đôi khi lại là “được” và đôi khi những điều bạn “được” sẽ lại là “mất”.

Là một thường nhân, tôi vẫn quan tâm đến “được - mất”. Nhưng tôi cũng quan tâm đến việc đảm bảo an toàn cho các bạn khi tìm đọc cuốn sách “Trò chuyện với vĩ nhân”.

 

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

[Review Sách] Tiến trình thành nhân

[Review Phim] Thiên tài bất hảo (Bad Genius)

[Review Sách] Dịch Hạch