[Review Sách] Dịch Hạch

Không có đấng linh thiêng nào xuất hiện, mà chỉ có con người cứu lấy con người trong trận chiến khốc liệt với “Dịch Hạch”. Tác phẩm tên tuổi này đã góp phần mang về giải Nobel Văn chương năm 1957 cho Albert Camus.

 


Kể từ sau khi đọc cuốn “Mãi đừng xa tôi” của Kazuo Ishiguro, tôi mới lại tìm thấy thêm một tác phẩm nhân văn và cũng đau buồn đến vậy. “Dịch hạch” của Albert Camus không chỉ bàn về cái chết của thể xác, mà còn bàn đến cái chết của tâm hồn.

Địa điểm xảy ra đợt dịch bệnh khủng khiếp này là một đô thị có tên Oran, với vẻ ngoài sôi nổi điển hình để che dấu đi đời sống tinh thần buồn tẻ như bao đô thị khác:

Ngày nay chắc không gì tự nhiên hơn là trông thấy những kẻ cắm cúi làm việc từ sáng đến chiều để rồi đành đem phung phí vào bài bạc, rượu trà, vào những chuyện gẫu, cả thời gian họ còn lại để sống (trang 10, 11)

“Dịch hạch” không phải là một thiên tiểu thuyết tố cáo sự khủng khiếp của bệnh dịch hay lòng can trường và sự hèn nhát của những tầng lớp dân cư khác nhau. Tôi cảm nhận từng dòng trong tác phẩm này thấm đẫm triết lý về con người. Thứ triết lý không xa xôi nhưng cũng đủ sâu sắc để tái hiện lại chân dung thực sự của giống người trong nghịch cảnh. Có lẽ, chúng ta sẽ khó có thể nhận biết được thể nào là một con người với đầy đủ phẩm chất người nếu chưa từng thấy họ trong cơn nguy khốn.

Tuyến nhân vật trung tâm trong tác phẩm này khiến tôi ấn tượng gồm bác sĩ Rieux, viên chức Joseph Grand, nhà báo Rambert, người khách du lịch Tarrou, cha xứ Paneloux và kẻ đầu cơ Cottard.

Bóng đêm bao trùm thành phố

Những con chuột chết là sứ giả đầu tiên mà “cái chết đen” gửi tới. Cư dân thành phố không quan tâm nhiều đến chúng như thể cái chết không bao giờ tìm đến nơi này. Họ quên rằng bản chất cái chết là thứ bất quy tắc. Và tôi đã cảm thấy ngạc nhiên trước phiên họp của ông thị trưởng với các bác sĩ, khi mà tử thần đã ập tới thì họ vẫn đang ngồi trò chuyện theo cách né tránh gọi tên vấn đề, hy vọng một lối giải quyết êm thấm như là không có vấn đề gì sẽ góp phần tạo nên tính ổn định trong xã hội:

Ông già Castel vụt nói toạc ra:

“Vấn đề là để biết xem có phải là bịnh dịch hạch hay không”.

Vài ba y sĩ rộ lên. Các vị khác ra vẻ dụ dự. Còn ông quận trưởng, ông ta giật nảy mình rồi quay ra phía cửa như cái máy tựa hồ để kiểm soát xem có hẳn là cửa đã thật sự ngăn chận không cho điều quái gở đó lan tràn ra ngoài hành lang không. (trang 62)

Thiếu tính cảnh giác và chỉ giải quyết khi vấn đề đã trở nên trầm trọng là điểm yếu chí mạng của hầu hết các giống loài được xem như có chút thông minh. Sự trù trừ ấy đã phải trả giá bằng nhiều sinh mạng. Dịch bệnh không quan tâm đến các danh từ mà con người sử dụng cũng như các loại giấy phép, quy định do con người tạo ra.

Thành phố Oran chìm vào bóng tối, số lượng người chết tăng dần, số lượng người sống nhưng muốn chết hoặc thoát khỏi thành phố cũng tăng dần. Cổng thành đóng chặt lại, lệnh cấm ra vào được áp dụng và tất cả chìm vào đêm đen dày đặc.

Trước khi chết, người ta đau khổ vì bị bệnh tật dày vò, vì những người thân chưa kịp gặp lại và những dự định dở dang. Nếu vẫn còn chưa chết, thì người ta đau khổ vì mất người thân, bị sự cầm tù đày đọa và những hồi ức đẹp đẽ tra tấn.

“Lúc ấy, cảm đảm, ý chí và kiên nhẫn của họ sụp đổ đột ngột cho đến nỗi họ cảm thấy không bao giờ vươn lên được khỏi hố sâu ấy. Vậy nên họ tự ép mình, chẳng hề khi nào nghĩ đến ngày giải thoát, chẳng hướng về tương lai nữa, và có thể nói là luôn luôn giữ cho mắt nhìn xuống” (trang 92).

Nếu tất cả mọi người đều gục ngã, thì cư dân thành phố này sẽ ra sao? Đó là lúc những con người quay về nương tựa nơi đồng loại của mình. Nếu bạn đang chờ đợi một nhóm siêu anh hùng hay ít nhất cũng là một nhân vật chính đậm chủ nghĩa anh hùng thì có lẽ bạn sẽ thất vọng.

Bác sĩ Rieux, viên chức Grand, nhà báo Rambert và người khách du lịch Tarrou không phải là anh hùng, dù họ là những người đã can đảm chiến đấu với cơn dịch bệnh để cứu càng nhiều người càng tốt. Giống những cây nến, ánh sáng của họ đến từ sợi bấc là tâm hồn của họ. Từng ngày họ cam chịu sự thiêu đốt đớn đau ấy, bất chấp lớp sáp thể xác tan chảy từng chút một trong một trận chiến tàn khốc. Song hành cùng họ là sự đối lập kì lạ giữa cha xứ Paneloux muốn cứu rỗi linh hồn của tất cả thị dân và kẻ đầu cơ Cottard chẳng muốn cứu ai ngoài trừ bản thân mình.

Những ngọn nến leo lét

Ở tuyến đầu trực tiếp chống dịch là người đến đầu tiên và cũng là người ở lại sau cùng, bác sĩ Rieux là hình ảnh mẫu mực về người lương y. Ông đối mặt với cái chết, sự đau đớn, phút lâm chung những tiếng than khóc và cả những lời oán trách mình (khi thực hiện thủ tục cách ly bệnh nhân, báo tử cho người nhà bệnh nhân) bằng thái độ bình tĩnh, dứt khoát.

Chính vì ông quá kiên cường nên những người xung quanh- thậm chí là cả bạn bè ông cũng không hiểu ông. Bác sĩ Rieux khiến tôi liên tưởng đến nhân vật Batman- cô độc, hành động theo lý trí với mục đích truy đuổi các ác đến cùng. Nhưng cũng giống như nhân vật này, “hòa vào bóng tối quá lâu khiến anh trở thành bóng tối”, bác sĩ Rieux cảm nhận rõ rệt cùng lúc cả sự suy sụp bên trong lẫn vị trí đòi hỏi sự vững vàng không thể lay chuyển của mình. Chứng kiến mỗi người bệnh chết đi, những con người vô tội, còn có gia đình và tương lai phía trước, ngày qua ngày khiến ông cũng chết dần. Người vợ ốm nặng đang điều trị ở một thành phố khác càng khiến gánh nặng trong trái tim ông trở nên quá sức. Nhưng vì luôn giữ lại mọi cảm xúc cho riêng mình để hoàn thành nhiệm vụ, bác sĩ Rieux dường như vô tình trong mắt nhà báo Rambert.

Nhà báo Rambert tình cờ bị kẹt lại thành phố. Ông khao khát được quay về với Paris hoa lệ, nơi có người tình của mình đang chờ đợi. Sự hờ hững của Rieux khiến ông ném vào bác sĩ những lời nói mang nặng tính phán xét, cho rằng bác sĩ sống mà không biết trân trọng giá trị của tình yêu, cố gắng tô vẽ bản thân theo mô hình của chủ nghĩa không tưởng, xa rời hiện thực.

“Đó thấy chưa. Vậy mà ông có thể chết vì một ý tưởng, điều này mắt phàm ai cũng thấy. Thế nên tôi đây, tôi chán những người chết về một ý tưởng. Tôi không tin ở khí phách anh hùng, tôi biết rằng điều ấy dễ làm và tôi nghiệm rằng nó giết người. Cái điều làm tôi thích thú là con người phải sống và phải chết cho cái gì mình yêu thương.”

Rieux chăm chú nghe Rambert nói. Nhìn nhà báo không ngớt, ông nói dịu dàng:

“Con người không phải là một ý tưởng, ông Rambert à”. (trang 203)

Ái tình tạo nên sự sôi nổi trong Rambert nhưng cũng khiến ông chỉ biết đến ái tình giữa trùng vây khốn khổ của đồng loại. Đến với thành phố này, dường như ai cũng mang theo mầm bệnh tinh thần nào đó trước khi dịch hạch thực sự bùng phát. Vị khách du lịch Tarrou cũng vậy. Là người sống giữa cõi người nhưng lại muốn giữ khoảng cách với con người, tôi cảm nhận anh phảng phất có nét giống Dazai Osamu- nhưng là phiên bản sống có trách nhiệm hơn.

“Rốt cuộc, Tarrou nói cách ngây ngô, điều gây thích thú cho tôi là biết coi làm cách nào để trở thành thánh nhân mà.

-         Nhưng ông không tin nơi Trời mà.

-         Đúng vậy, người ta có thể thành thánh nhân mà chẳng cần đến Trời hay không, đó là vấn đề cụ thể duy nhất mà chừng như tôi biết được hiện nay.” (trang 317)

Tarrou đã lựa chọn kề cận với bác sĩ Rieux trên chiến tuyến chống dịch. Dù băn khoăn về con người, cuối cùng anh vẫn lựa chọn yêu thương họ. Và thánh nhân của Tarrou, như tôi chủ quan suy xét, là kiểu “thánh nhân đãi kẻ khù khờ”- tình thương và tấm lòng bênh vực kẻ yếu lớn hơn tất cả. Dù cá nhân anh thất bại trong cuộc chiến chống lại căn bệnh hiểm nghèo, nhưng anh đã chiến thắng khi tìm ra điểm đến cuộc đời. Thành phố Oran cùng dịch bệnh chết chóc của nó kỳ lạ thay đã tịnh hóa cuộc đời Tarrou và đưa anh đến với sự an lạc vĩnh cửu mà cả đời anh tìm kiếm.

Viên chức cần mẫn Grand thì loay hoay với căn bệnh mãn tính đến từ cuộc hôn nhân đổ vỡ của mình. Nỗi nhớ người vợ cũ kèm theo hồi ức tươi đẹp về nàng khiến ông chẳng thể sống cuộc đời riêng của mình nữa. Ngoài giờ làm, ông say mê sáng tác, sắp xếp câu chữ rồi chơi đi chơi lại với những con chữ ấy cho đến khi hài lòng. Tiếp theo ngay sau sự hài lòng đó là nỗi thất vọng khôn tả về hiện thực: những con chữ vô hồn chẳng thể vá lành cho trái tim ông. Tối hôm sau, ông lại ngồi sắp xếp câu chữ.

Cha xứ Paneloux muốn cứu rỗi linh hồn của tất cả thị dân và kẻ đầu cơ Cottard chẳng muốn cứu ai ngoài trừ bản thân mình có đời sống đơn giản hơn. Họ tìm thấy trong dịch bệnh trách nhiệm và quyền lợi. Trách nhiệm và quyền lợi định hướng cho hành vi của họ.

Với cha xứ Paneloux, trách nhiệm của ông là giải phóng giáo dân của mình khỏi nỗi thống khổ về tinh thần bằng cách sám hối và cầu nguyện. Ông cố chữa chạy phần hồn trong khi bác sĩ Rieux cứu lấy phần xác. Đức tin mãnh liệt của ông với tôn giáo không chữa trị khỏi được bệnh tật, nhưng nó thêm sức sống để người dân thành phố cầm cự được với bệnh tật- “Hy vọng là liều thuốc không chữa khỏi được đau khổ, nhưng nó khiến người ta chịu đựng được đau khổ”. Tôi nghĩ ông tử vì đạo theo xu hướng tích cực, vì trên tất cả đạo, ông là người theo chủ nghĩa nhân đạo.

Với Cottard, bệnh dịch thỏa mãn sự ích kỷ của hắn. Trong tình trạng rối ren sẽ luôn xuất hiện những kẻ cơ hội, sống bám vào nỗi đau của người khác. Cottard là kẻ như vậy. Hắn lảng vảng xung quanh, yên chí rằng luật pháp đang tạm thời không chú ý đến những kẻ như mình để mà thỏa sức tư lợi, cào cấu mỗi nơi một chút lợi lộc. Có lẽ hắn là kẻ duy nhất trong thành phố mong rằng dịch bệnh đừng kết thúc hoặc sẽ xuất hiện thêm các dịch bệnh khác để kéo dài chuỗi ngày vụng trộm của mình. Thứ dịch Cottard mắc phải không do vi khuẩn hay virus, mà là thứ bệnh hoạn của sự mục ruỗng đạo đức từ bên trong.



Bình minh trở lại

Sau khi reo rắc đủ sự tang tóc, dịch hạch rời đi. Thành phố dần dần quay trở lại nhịp sống thường ngày. Những con người nơi đây đã không còn là con người trước kia nữa. Dịch hạch lấy đi của thị dân nhiều thứ nhưng cũng trao lại cho họ những luồng tư tưởng mới. Người còn sống sẽ cần tiếp tục sống.

“Họ vui chơi là phải; có đủ chuyện mới tạo thành cuộc đời chớ. Còn đồng nghiệp của bác sĩ, thưa bác sĩ, ổng trở thành ổng gì rồi?”

Nhiều tiếng nổ dội đến tai hai người, những hòa hưỡn (hòa hoãn): trẻ con đốt pháo.

“Ông ấy chết rồi, bác sĩ vừa nói vừa nghe ngực kêu ù ù của lão già.

-         À! Lão nói, hơi sững sờ.

-         Chết vì bịnh dịch hạch, Rieux nói thêm.

-         Phải, lão nhìn nhận một chặp sau, mấy người tốt nhất ra đi. Đời là vậy. Nhưng đó là một người biết rõ cái gì mình muốn.

-         Vì sao ông nói như vậy? Ông thầy thuốc hỏi và xếp ống nghe của mình lại.

-         Không vì sao hết. Ông ấy không nói sự gì hoàn toàn không ý nghĩa. Rốt cuộc, tôi, tôi thích ổng. Nhưng mà như vậy đó. Mấy người khác nói: “Đó là bịnh dịch hạch, người ta đã mắc bịnh dịch hạch.” Vì một chút công, có lẽ họ đòi gắn huy chương. Nhưng bịnh dịch hạch nghĩa là gì? Nghĩa là đời sống, chỉ có thế thôi. (trang 380, 381)

Đời sống là thế và cũng không hẳn là như thế. Những lúc một mình, bác sĩ Rieux đã biết chấp nhận, điềm tĩnh rút ra quy luật mà con người thường lên án là bất công nhưng tạo hóa thì dường như thấy hết sức bình thường:

“Tất cả những gì mà người ta lợi được trong cái trò dịch hạch và trò đời, đó là sự biết qua và sự nhớ lại.” (trang 361)

Thay cho lời kết

Dù trong quá trình dịch thuật, dịch giả sử dụng nhiều từ ngữ nay ít dùng nhưng “Dịch hạch” vẫn vô cùng lôi cuốn bởi cách thức tạo dựng nhân vật và nghệ thuật xây dựng tình huống truyện.

Chìm vào thế giới của tác phẩm, tôi như quay về quá khứ ở thời điểm cả thế giới đang lao đao với dịch bệnh COVID-19: Cũng phòng dịch, cũng cách ly, cũng hoang mang, cũng đau khổ, mất mát và cũng có những lúc niềm tin vào tương lai trở nên vô định- nhưng thời hiện đại thì dịch bệnh trở nên đáng sợ hơn bởi sức mạnh của sự lan truyền thông tin trên các thiết bị số. Người ta vồ vập lấy thông tin và tự đầu độc mình bằng những ý nghĩ lệch lạc với những thông tin chưa được kiểm chứng.

Nhưng có vẻ như nhân loại đã sống sót. Dù không có quyền năng hay đấng siêu nhiên nào xuất hiện. Bằng lòng nhân ái và sự nỗ lực không mệt mỏi đi tìm kiếm giải pháp, con người đã cứu vớt lẫn nhau. Sự thật ấy đã kiểm chứng thông điệp mà tác giả Viktor Frankl chia sẻ thông qua câu nói của Nietzsche trong tác phẩm “Đi tìm lẽ sống”: “Người nào có lý do để sống thì có thể tồn tại trong mọi nghịch cảnh”

 

 

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

[Review Sách] Tiến trình thành nhân

[Review Phim] Thiên tài bất hảo (Bad Genius)