[Review Phim] Thiên tài bất hảo (Bad Genius)

 Tôi đánh giá Thiên tài bất hảo (Bad Genius) là một bộ phim đáng xem. Bởi phim không ca ngợi cái tốt một cách sáo mòn mà lý giải tại sao con người luôn biết thế nào là tốt, nhưng thường họ không lựa chọn cái tốt để hành động theo.

 

Nội dung chính của phim kể về cô bé Lynn với tài năng đặc biệt nhưng sinh ra trong hoàn cảnh khó khăn nên luôn mong muốn có cuộc sống tốt hơn. Sau khi kết bạn cùng Grace rồi biết đến Pat, cô quyết định “thương mại hóa” tài năng của bản thân bằng cách cung cấp dịch vụ hỗ trợ các học sinh trong trường gian lận thi cử. Bank, một học sinh tài năng ngang với Lynn nhưng trung thực hơn Lynn đã tố giác hành động gian lận đó mà không ngờ rằng số phận của bản thân vì vậy mà vĩnh viễn thay đổi.

 

Người dạy cách làm người

Nếu xem phim, bạn sẽ nhận thấy vấn đề bắt đầu từ khi Lynn biết đến việc cha cô phải đóng tiền trong khi hiệu trưởng từng hứa sẽ cấp cho cô học bổng và thầy giáo dạy toán cho riêng học sinh ở lớp học thêm biết trước nội dung đề thi.

Người lớn thì có thể tặc lưỡi cho rằng đó là “vì cuộc sống”, nhưng đối với các bạn trẻ đó là sự lừa dối để tư lợi cá nhân. Vậy là từ một thiên tài trong sáng, điều đầu tiên Lynn học được ở ngôi trường danh tiếng ấy là cách để kiếm tiền- điều này hoàn toàn ngược lại so với kì vọng nơi ông bố chất phác, vốn cũng làm giáo viên, của cô.

Cá nhân tôi luôn cho rằng, điều tồi tệ nhất là khiến trẻ em quan tâm đến tiền và tìm cách kiếm tiền từ khi các em đang ngồi trên ghế nhà trường. Thế nhưng đáng tiếc thay, dù không phải trực tiếp kiếm tiền song các em vẫn thường xuyên cảm nhận được áp lực của đồng tiền nơi trường học: từ câu chuyện đóng góp hằng năm, học thêm học nếm, cho đến các buổi họp phụ huynh mà cha mẹ luôn phải chuẩn bị sẵn tinh thần để đóng góp cho sự học vốn vất vả giờ lại còn thêm tốn kém.

Đành rằng nghề nào cũng là nghề và đã là người làm nghề thì cần phải có thu nhập đủ để đảm bảo cuộc sống, vậy nhưng kiếm tiền từ giáo dục là hành động để lại hậu quả vô cùng to lớn. Lúc đó, không thể nói việc các thầy, các cô cải thiện thu nhập là “vì cuộc sống” mà thực ra là vì bản thân và đẩy vào cuộc sống nhiều nhân cách khiếm khuyết, tiêu cực hơn.

Dù thông minh, Lynn vẫn là một cô bé. Hành động thu vén trắng trợn của những thầy cô em tôn trọng (mà không ít thành phần trong nhóm tri thức này thường tự cho rằng bản thân đủ từng trải để che đậy sự ích kỷ) đã khiến em trở thành một thiên tài bất hảo: Hành động sai trái để rồi phải ngồi nghe người có hành động sai trái (viên hiệu trưởng) nói chuyện hạnh kiểm và lòng trung thực.

Lynn trở thành một giáo viên tí hon, nhưng ước mơ “Cô giáo Lynn” đi dạy học đã bị bóp méo thành “Cô giáo Lynn” chỉ dạy các mánh khỏe gian lận để kiếm tiền. Tiết học về lòng trung thực và tính tự trọng nằm lại trên lý thuyết và chính hành động của các giáo viên xung quanh là hình ảnh cho Lynn noi theo rồi vận dụng vào cuộc sống.

Người thầy không chỉ đơn thuần là truyền thụ kiến thức, mà còn là người dạy cách làm người.


Dù sao, đâu đó vẫn còn người giáo viên kiệm lời, giản dị như bố của Lynn: người cha, người thầy không dạy bảo mà lấy chính bản thân làm tấm gương. Nhờ có ông, Lynn đã kịp thời nhận ra sai lầm của tuổi trẻ để đem tài năng của mình phụng sự cho hoạt động giáo dục chính đáng hơn.

Đúng, sai và sự thấu hiểu

Các thiên tài trẻ tuổi như Lynn, như Bank sẽ càng ngày càng nhiều hơn. Bởi họ sinh ra trong bối cảnh của nền kinh tế tri thức và may mắn sở hữu tố chất sáng dạ. Ngược lại, nhưng nhân tố sinh ra trong các gia đình siêu giàu như Pat cũng sẽ tăng theo, bởi nền kinh tế số sẽ gia tăng tài sản cho người giàu theo cấp số nhân thay vì cấp số cộng.

Thế nhưng, chỉ số IQ cao hay gia thế “khủng” chưa hoàn toàn đủ để làm nên một con người hoàn thiện, hay ít nhất là đủ khả năng giúp họ đi đúng hướng đến sự hoàn thiện.

Bên cạnh trí tuệ, vật chất thì yếu tố tinh thần và đạo đức mới thực sự làm nên con người đúng nghĩa- quan trọng nhất là giúp mỗi người biết được đâu là hướng bản thân nên đi.

Pat có tiền bạc nhưng lười biếng và không có tư duy: Khởi đầu thuận lợi nhưng càng đi xa càng khó, điểm dừng lý tưởng nhất của Pat là được bao bọc trong vòng tay cha mẹ với những món đồ chơi đắt tiền.

Grace xinh đẹp, hồn nhiên, không có tư duy giống Pat: Điểm dừng lý tưởng nhất là ở bên Pat.

Cả hai bạn này có điểm chung là dù vui vẻ song lại mong muốn những thứ trên tầm thực lực và chưa biết nghĩ đến những người xung quanh.

Lynn có trí tuệ, có trải nghiệm lầm lạc rồi nhờ có bố nên kịp thời quay lại đúng hướng: Sẽ có bước tiến trong tương lai, nhưng vì trót mắc sai lầm trong quá khứ nên Lynn dễ mang theo mặc cảm. Đó sẽ là gánh nặng trên con đường sự nghiệp sau này của cô.

Bank với trí nhớ tốt, tư duy cao nhưng kĩ năng tương tác xã hội thấp nên dễ bị hoàn cảnh tác động và thay đổi theo chiều hướng tiêu cực.

Hai bạn trẻ này có điểm chung là sinh ra trong khốn khó, có khát vọng chính đáng nhưng thiếu bản lĩnh nên dễ bị mua chuộc, lạm dụng.

Trong thế giới của những bạn trẻ, chỉ có đúng hoặc sai hoặc không ai đúng. Thấu hiểu đặc tính ấy là điều kiện quan trọng giúp cha mẹ và những nhà giáo dục kịp thời nâng đỡ cho tuổi trẻ. Bởi không nhân vật nào là xấu hoàn toàn trong Thiên tài bất hảo, chỉ có điều họ cần được giúp đỡ đúng lúc. Và tiếc thay, chỉ Lynn có được may mắn ấy.

 


Thay cho lời kết

Vốn quan tâm đến giáo dục, nên xem phim Thiên tài bất hảo tôi cảm thấy rất lôi cuốn. Đây là một bộ phim cho chúng ta thấy bức tranh chân thực giữa điều người ta nói, điều người ta làm, điều người ta được dạy, được học và thực hành khác nhau nhiều ra sao.

“Người ta” đôi lúc cũng có thể là chính bản thân chúng ta, vì chúng ta thường khoan dung với bản thân và nghiêm minh với người khác. Giá mà tồn tại một nền giáo dục không phân biệt người – ta, không toan tính lợi ích người – ta thì tốt đẹp biết mấy.

Suy cho cùng, điều đáng giá nhất chúng ta có thể để lại được cho thế hệ sau chỉ có thể là sự hiểu biết. Mà muốn có hiểu biết, thì cần phải được giáo dục và biết cách tự giáo dục. Được giáo dục để biết thế nào là tốt và tự giáo dục để làm theo cái tốt.

Duy có một chi tiết làm tôi hơi tức cười ở đoạn gần cuối phim (có thể yếu tố điện ảnh đòi hỏi sự kịch tính ấy nên nhà làm phim buộc phải thêm vào): Cảnh ông giám thị của kì thi STIC đuổi Lynn trong tàu điện ngầm làm tôi liên tưởng đến nam chính trong các bộ phim hành động. Ông ấy có tác phong nhanh nhẹn, dứt khoát, ánh mắt lạnh lùng, mặc vest và rất giỏi lần theo dấu vết (may mắn là không mang theo vũ khí) khi rượt theo Lynn. Có lẽ một thông điệp ở đây là “Nếu bạn đi thi STIC thì quên ý định gian lận đi, chúng tôi có sẵn loạt giám thị là bạn đồng môn với 007 và Hitman thường xuyên túc trực”.

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

[Review Phim] Warrior (Giang hồ phố Hoa) 

[Review Sách] Khả năng cải thiện nghịch cảnh

[Review Phim] Bảy võ sĩ đạo (1954)