[Review Sách] Giải Trí Đến Chết

 Tên cuốn sách này khiến tôi liên tưởng đến bộ truyện tranh tên “Địa ngục cực lạc” (Jigokuraku, tác giả Yuji Kaku). Đây là một bộ truyện kể về một hòn đảo bí ẩn, tồn tại nhóm người nghiên cứu các bí thuật trường sinh nhằm chống lại vòng lặp sinh – lão – bệnh – tử của tự nhiên.

Có lẽ họ phần nào đó đạt mục đích, nhưng sự tồn tại của họ quái đản đến mức tôi không còn nghĩ họ là con người nữa. Thường những điều con người nghĩ ra thì dần dần họ đều có thể tìm cách thực hiện được. Và bản năng tìm đến sự hoan lạc, né tránh khổ đau có thể khiến họ thoái hóa, bành trướng ước vọng vị kỷ, dù có phải hy sinh đồng loại hoặc lương tri.

Sẽ ra sao nếu những điều họ nghĩ trở nên lệch lạc hoặc trống rỗng? Sẽ ra sao nếu chỉ có một số ít những người biết nghĩ muốn làm cho phần còn lại của nhân loại không thể suy nghĩ độc lập? Đó có lẽ chính là mối quan ngại mà tác giả Neil Postman đã nêu ra trong cuốn sách “Giải trí đến chết”.

Cuốn sách 334 trang này gồm 2 phần. Theo cách hiểu tóm lược của tôi, thì phần 1 bàn về thời kỳ hưng thịnh của văn hóa đọc – viết, tỷ lệ thuận với khả năng tư duy, tập trung của con người. Phần 2 bàn về giai đoạn phát triển văn hóa nghe – nhìn, tỷ lệ nghịch với khả năng tư duy, tập trung của con người.

Cuốn sách được ra đời vào thế kỷ 20, nhưng giá trị vẫn còn nguyên vẹn đối với thế kỷ 21. Tác giả Neil Postman không chỉ đơn thuần bàn về truyền hình và vô tuyến, mà ông còn đi sâu hơn vào bản chất của hoạt động nghe – nhìn. Vậy nên từ những luận điểm mà ông đưa ra, bạn đọc có thể suy luận tầm ảnh hưởng khủng khiếp khi chiếc màn hình tivi đơn điệu khi dần được thay bằng những chiếc màn hình cảm ứng thông minh, có thể thu thập thông tin, phục vụ ý muốn của người dùng với kho dữ liệu vô hạn: mạng internet và các thiết bị công nghệ như máy tính, điện thoại.



“Tôi tư duy nên tôi tồn tại”

Phát biểu phía trên được cho rằng của nhà triết học người Pháp René Descartes. Triết học không phải là chân lý, mà là con đường đưa con người đến gần hơn với chân lý như “ngón tay chỉ trăng”. Vậy tư duy của con người được hình thành và phát triển ra sao? tôi nghĩ rằng bước ngoặt định mệnh ấy gắn liền với ngôn ngữ, chữ viết và sách vở.

Hoạt động đọc – hiểu – viết của con người rất đặc trưng. Đây là hình thức học tập sản sinh ra trong xã hội con người. Tự nhiên không cần những dạng quy ước theo kiểu ngôn từ. Nhưng giữa con người với nhau, những quy ước này rất quan trọng trong việc giúp các cá thể từng bước hoàn thiện, phát triển, kết nối để trở thành cộng đồng văn minh.

Trong quá trình đọc, phản ứng của một người hoàn toàn mang tính độc lập, người đó chỉ có thể dựa vào trí tuệ của bản thân mình. Đối mặt với sự trừu tượng lạnh lùng của các câu chữ chính là nhìn vào ngôn ngữ một cách trần trụi, tách biệt với những thứ hoa mỹ bề ngoài và sự hỗ trợ của cộng đồng. Vì vậy, đọc sách về bản chất là một công việc rất nghiêm túc. Tất nhiên, nó cũng là một hoạt động đề cao lý trí.

(trang 133)

Truyền thông trong văn hóa đọc - viết, in ấn trao cho người tiếp cận quyền được tư duy. Họ không bị kích thích bởi âm thanh, hình ảnh được dàn dựng để tạo ra cảm giác hưng phấn ngắn ngủi khiến cho não trạng luôn ở trong trạng thái đói khát, lùng sục.

Nếu từng đọc cuốn “Xã hội diễn cảnh” của tác giả Guy Debord, chúng ta sẽ thấy ảnh hưởng của những thứ được dàn dựng ở bên ngoài đối với tâm trí bên trong. Khi sống quá lâu với những khung cảnh được dàn dựng, còn người ta dần đánh mất lý tính và khả năng phân biệt, phán đoán. Họ tin những điều họ thấy là thật.

Không thích đọc – viết và không thể đọc – viết là hai điều khác nhau

Bước sang thời đại nở rộ của văn hóa nghe – nhìn, bằng sự trợ giúp đắc lực của truyền hình và màn hình vô tuyến tại gia, con người bắt đầu khám phá ra những khía cạnh mới mẻ, quyến rũ của hoạt động “ngụy tư duy”: thay vì tư duy, họ giải trí nhưng lại thích nghĩ là mình đang tư duy.

Thế giới được cắt lát như những miếng khoai tây chiên hấp dẫn, giòn tan được thấm đẫm gia vị, gói trong bịch kín. Nội dung truyền hình và quan trọng hơn là cách thức mà nội dung ấy được truyền tải, đã thắng thế. Chiếc màn hình từng bước đánh bại trang sách.

Con người bắt đầu hào hứng thu nạp đủ thứ lông gà vỏ tỏi vào đầu rồi bàn tán sôi nổi về những mẫu tin tức vô thưởng vô phạt mà họ lượm lặt được. Và theo quan sát của cá nhân tôi, điều bất bình thường này đã trở nên vô cùng bình thường trong thời đại ngày nay.

Trước đây, việc thảo luận về những đề tài sâu sắc, đòi hỏi tư duy sâu trong thời gian kéo dài là điều rất cần thiết, đặc biệt ở các giảng đường đại học. Các hoạt động trò chuyện cũng có thể hướng đến những tác phẩm văn học kinh điển, tối thiểu là các cuốn sách hữu ích hoặc những chủ đề góp phần khai mở tri thức- một cách rất tự nhiên, con người thích chia sẻ kiến thức cho nhau. Họ chia sẻ kiến thức với niềm vui, sự tự giác và trân trọng.

Không phải theo cách khô khan, giáo điều mà một số bộ phim, đoạn quảng cáo ngắn được dàn dựng, phóng đại nhằm mục đích mỉa mai, hướng nhận thức của người xem ngày càng xa khỏi những điều thực sự tốt cho bản thân họ để sa vào vũng lầy giải trí. Cụ thể, các nội dung này lập trình lại tư duy người xem, đóng khung kiến thức là “dài dòng, lý thuyết, khô khan, chán ngắt” trong khi tô vẽ thông tin là “vui nhộn, hấp dẫn, cảm hứng, tự do”.

Luồng thông tin dồi dào có rất ít thứ liên quan, hoặc không liên quan chút nào đến những người mà nó hướng đến. Nói cách khác, thông tin về cơ bản là xa rời với hoàn cảnh xã hội và kiến thức của độc giả.

(trang 159)

Với sự bùng nổ thông tin, họ trao cho nhau những tin tức chỉ để thu hút sự chú ý một cách liên tục. Sự củng cố liên tục này sẽ trở thành một dạng tín ngưỡng mới: chủ nghĩa tiêu dùng và tiêu thụ một cách vô độ những thứ bản thân chưa hiểu và chưa cần. Não bộ của người hưởng thụ dần dần bị chính sự hưởng thụ ấy làm cho úng ngập (brain rot).

Các “dư luận viên” bàn về đủ thứ linh tinh mình chưa hiểu và cố gắng chứng minh bản thân hiểu ra gì đó bằng cách chia sẻ những nội dung được cắt ngắn, chỉ thêm chút hiệu ứng khiến cho chúng trở nên sâu xa: bí quyết thành công, lẽ sống, tình hình thế giới, đời sống của các nhân vật nổi tiếng v.v…

Nếu muốn nghiên cứu kỹ hơn, bạn đọc có thể tìm sách “Trí tuệ giả tạo – Internet đã làm gì chúng ta?” của tác giả Nicholas Carr. Đây là một tác phẩm đi sâu vào cách thức mà “mạng lưới” ngọt ngào được giăng ra bởi những chú nhện sặc sỡ. Mà trong tự nhiên, thứ gì càng sặc sỡ thì độc tính càng cao.

Tri thức nhân loại được chuyển hóa theo hướng thú vị hơn, vui vẻ hơn, ngắn hơn và dĩ nhiên đính kèm nhiều quảng cáo, sự điều hướng hơn. Chỉ có giá trị là không còn vẹn nguyên như ban đầu. Nhưng đó không còn là vấn đề nữa, bởi nhu cầu giải trí đã làm tê liệt lý tính, khả năng nhận biết giá trị.



“Trăm tai nghe không bằng một mắt thấy”, liệu có còn đúng?

Nếu trước đây nền tảng nhận thức của con người được bồi đắp dựa trên hoạt động giáo dục, tự giáo dục và vốn sống của họ. Thì ngày nay, nền tảng ấy được bồi đắp dựa trên những điều họ nghe – nhìn.

Những điều nghe – nhìn ấy lại cũng không xuất phát từ đời thực, mà được trình chiếu thông qua những chiếc màn hình. Ranh giới “thực - ảo” trở nên mơ hồ và khiến con người rơi vào cạm bẫy của sự trì hoãn, phê phán, tranh luận…nhưng lại không hành động gì để cải thiện.

Tin tức khơi gợi bạn nảy ra nhiều ý kiến, nhưng bạn không thể làm gì ngoại trừ việc cung cấp những ý kiến này cho một ai đó và họ lại biến tất cả thành một tin tức khác- bạn không thể làm gì thêm.

(trang 163)

Việc thỏa thích bày tỏ quan điểm trên mạng xã hội rất thú vị. Nhưng chưa chắc nó tạo ra giá trị thực. Có nghĩa là khi bày tỏ, chia sẻ thông tin, người dùng có cảm giác phê pha như chính mình đang góp phần cải thiện thế giới theo chiều hướng tích cực hơn. Nhưng quả bóng nhiệt tình ấy sẽ nhanh chóng xẹp xuống nếu được hỏi đến những kế hoạch cụ thể.

Dòng thác thông tin lũ lượt đổ xuống tâm trí người dùng quá nhiều thứ để bàn luận. Họ không còn thời gian để hành động nữa. Nếu như trước đây, sự chuyển kênh vô tuyến gây sao lãng. Thì ngày nay, lướt web khiến con người không thể tập trung được nữa. Họ đã hoàn toàn tê liệt.

“Vì cuối cùng, ông ấy đang cố gắng nói với chúng ta rằng, điều khiến những người trong Brave New World đau khổ không phải là họ bận rộn cười nói thay vì suy nghĩ, mà là họ không biết họ đang cười về điều gì và tại sao họ lại ngừng suy nghĩ”

(trang 334)

Tôi tin rằng đây là một cuốn sách đáng đọc, đáng suy ngẫm và quan trọng hơn là đáng để chúng ta cân nhắc, điều chỉnh việc giải trí của bản thân cũng như con em chúng ta. Tôi rất thích ngắm nụ cười của trẻ thơ, đặc biệt là khi các em nhìn vào cuộc sống. Với tôi, đó là chân - thiện - mỹ. Nhưng tôi không thích ngắm nụ cười của trẻ thơ khi các em nhìn vào màn hình. Bởi đó là một nụ cười cô đơn, vô hồn bị dẫn dắt bởi tin rác chứa đầy tham - sân - si.

Giải trí là một nhu cầu tự nhiên của con người. Nhưng nếu nhu cầu tự nhiên ấy bị đầu độc, tha hóa thì nó sẽ gây hại cho sức khỏe thể chất và tinh thần của chúng ta.

Thay cho lời kết

Huxley nói thêm rằng, trong tác phẩm “1984”, mọi người bị kiểm soát bởi những nỗi đau đớn. Trong “Brave New World”, họ lại bị kiểm soát bằng những khoái cảm. Tóm lại, Orwell sợ rằng những thứ chúng ta căm ghét sẽ hủy hoại chúng ta. Huxley thì sợ rằng, những thứ chúng ta yêu thích sẽ hủy hoại chúng ta.

(trang 34).

Cuộc sống này vốn dĩ không dễ dàng. Nhưng đó sẽ không phải là lý do để chúng ta tự bào chữa cho bản thân khi chìm đắm trong những màn giải trí dễ dãi. Cuốn sách “Con đường chẳng mấy ai đi” của Tiến sĩ M. Scott Peck sẽ phân tích rõ hơn bản chất của cuộc sống để chúng ta có thái độ sống đúng đắn.

“Giải trí đến chết” (dịch giả Nhung Nguyễn) của tác giả Neil Postman là cuốn sách có giá trị. Mà khả năng có hạn của tôi chưa thể khái quát lại được đầy đủ kiến thức trong bài review này. Nên tôi mong bạn đọc hãy dành thời gian trực tiếp đọc sách.

 

 

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

[Chia sẻ] Chuyện 05 năm freelance

[Chia sẻ] 12 cuốn sách ấn tượng năm 2024

[Review Sách] Lịch Sử Loài Ong