[Chia sẻ] Chuyện 05 năm freelance
Tôi trở thành freelancer năm 2020. Đến thời điểm tôi viết bài này vào năm 2025 là tròn 05 năm tôi gắn bó với hình thức làm việc freelance. Tôi nghĩ bản thân mình chưa tạo ra được những con số thu nhập ấn tượng hoặc trở nên nổi tiếng, dễ tìm kiếm trên mạng Internet.
Nhưng sau quãng thời gian ban đầu tương đối khó khăn, như đã từng hứa, tôi muốn chia sẻ lại chút trải nghiệm thực về hình thức làm việc này. Trước hết là cho chính mình và sau là để các bạn trẻ đang có ý định trở thành freelancer tham khảo. Còn về công việc chính của tôi là gia sư kiêm cố vấn cho thanh thiếu niên thì tôi đã chia sẻ trong bài đăng “Chuyện gia sư”.
Tôi nghĩ mình là một người bình thường như bao người, năng lực và xuất phát điểm trung bình. Nên trải nghiệm của tôi sẽ khó tua qua được những thử thách nhanh chóng như trên phim ảnh.
Những điều tôi nhận được đều được đánh đổi bằng nỗ lực tự thân cộng thêm sự tin tưởng, giúp đỡ của gia đình và những người bạn, người thầy, người cô, người anh người chị, các bậc phụ huynh, các bạn học sinh quan tâm đến tôi. Cũng như những điều tôi để mất, cũng là do tôi bất cẩn.
Những điều tôi viết đến từ ký ức, nên có thể sẽ không được mạch lạc như một cuốn cẩm nang. Thông qua việc chia ra các phần, tương ứng với những thử thách và hướng giải quyết, tôi mong phần nào đó hữu ích để bạn đọc tham khảo, tự đúc rút giá trị và loại bỏ đi những ý bạn cảm thấy chưa phù hợp.
Phần mở đầu: “Phờ-ri-lan-cơ là làm cái gì?”
Điều đầu tiên cần chú ý, bạn có hiểu lựa chọn này có nghĩa ra sao với đời mình không? Vì đây không đơn thuần chỉ là chọn phong cách làm việc, mà còn là chọn cách sống. Cuốn “Freelance to Freedom: Làm việc tự do – Sống đời tự tại” của tác giả Vincent Pugliese đã giúp tôi hiểu rõ hơn quyết định này.
Giống như bạn bè đồng trang lứa, sau khi ra trường tôi mong muốn sẽ tìm được nơi chốn cung cấp cho mình một nơi làm việc ổn định, có thu nhập để chăm lo cho gia đình và cơ hội phát triển.
Nhưng sau khi đi làm, tôi nhận ra mình chưa hiểu rõ lắm về điều mình muốn.
Trước hết, “ổn định” là điều ai cũng mong muốn nhưng không phải ai cũng có thể kiểm soát. Tôi nhận ra không ai trong chúng ta biết trước tương lai. Chỉ có vài người dựa vào niềm tin và tầm nhìn của mình, cộng thêm tài năng, sự diễn thuyết hùng hồn để dẫn dắt mọi người tạo ra tương lai theo như họ hình dung.
Tôi tin họ hiểu rõ bản thân cần gì, nhưng không phải ai trong số họ cũng quan tâm những người đi theo họ ước mơ gì. Do đó, tôi tôn trọng họ nhưng tôi nghĩ mình cũng hiểu rõ bản thân mình như họ- đi theo ai đó là điều khiến tôi cảm thấy không thực sự cần thiết. Chưa kể đến không phải người nào mang chức danh cũng là nhà thông thái và thêm chức danh đôi khi lại khiến sự thông thái, lòng nhân ái, tinh thần nhiệt tâm của họ bị suy giảm. Nhân sinh là khi cần, cách đối đãi khác và khi không cần, cách ứng xử của con người cũng sẽ khác.
Tôi có trải nghiệm thực, nên bạn yên tâm đây không phải là câu nói tôi trích trên phim hay trong sách giáo khoa. Bạn nào mới sắp đi làm hoặc mới đi làm có thể xem 2 bộ phim: Up in the Air (2019) và Upstream (2024) để chuẩn bị tâm lý cho sự thực phũ phàng của làn sóng sa thải nhân sự. Nhân sự nào cũng có thể bị sa thải khi chủ lao động không còn cần hoặc tìm ra giải pháp thay thế tốt hơn họ. Thậm chí với những chủ lao động kém chuyên nghiệp hơn hay các mô hình công ty gia đình, chỉ đơn giản là không thích thấy bạn trong tổ chức, bạn bị cho nghỉ.
Thu nhập và cơ hội phát triển là điều tôi quan tâm. Nhưng sau một thời gian tôi nhận ra thu nhập là cục bộ, trong khi đó chi tiêu, tiết kiệm và đầu tư mới là bức tranh toàn cảnh. Tôi thấy có những bạn bè thu nhập cao hơn mình, nhưng tháng nào cũng vẫn phải đi vay tiền từ người quen, mở thẻ tín dụng hoặc chưa bằng lòng thu nhập đó là đủ. Tôi nghe những bạn học sinh, sinh viên than thở nếu ra trường đi làm lương tháng 10 triệu thì sao đủ sống được? Vậy đủ sống ở đây được hiểu ra sao nhỉ? Và liệu ngay lập tức đề ra một mức thu nhập lý tưởng nhưng không quan tâm đến năng lực của bản thân liệu có hơi vội vàng? Kiếm được bao nhiêu liệu có quan trọng hơn giữ lại được bao nhiêu?
Đây là lối tư duy chạy theo thu nhập nhưng ít để ý đến chi tiêu, tiết kiệm và đầu tư. Thậm chí, nói đến chi tiêu người ta ít quan tâm đến cho đi, nói đến tiết kiệm người ta ít quan tâm đến mức độ nào là hợp lý để sống không quá nặng nề và nói đến đầu tư, thì sức khỏe hiếm khi được coi trọng như vàng- dù có câu “sức khỏe là vàng”. Cuốn sách “Tài chính cá nhân dành cho người Việt Nam” của tác giả Lâm Minh Chánh cùng những buổi trò chuyện cùng một người anh có hứng thú với chủ đề này đã soi sáng cho tôi khá nhiều bài học bổ ích.
Còn về cơ hội phát triển, tôi nghĩ đi làm cho một đơn vị cũng giúp chúng ta học được nhiều điều trong thời gian đầu. Nhưng sau đó thì tôi không chắc. Bởi lộ trình công danh bắt đầu với giai đoạn thực tập, làm việc – cống hiến, thăng chức, nâng lương v.v…thường vẫn còn sau đó nữa hoặc sẽ không còn có sau đó nào. Mức độ phát triển của cá nhân cần lệ thuộc vào quy mô của tổ chức và tầm của người lãnh đạo.
Sẽ luôn có định hướng và giới hạn cho sự phát triển, thứ mỗi cá nhân cần là khai phóng con người. Nhưng thứ tổ chức cảm thấy có ích là phát triển chuyên môn, nâng cao hiệu suất và tinh thần kỷ luật. Đi với nhau một đoạn sẽ rất vui vẻ và hiệu quả, nhưng bên nhau trọn đời thì thỉnh thoảng có suy nghĩ “chán đời” tôi thấy cũng không có gì là vô lý.
Thế rồi thời của “trong nguy có cơ” (đại dịch Covid) đến. Tôi nhớ những ngày tháng ấy thỉnh thoảng lại nghe thấy câu nói này. Đó có thể là một lời động viên, một sự khích lệ nhưng thực tế tôi tin thời nào cũng có cơ (hội) nến chúng ta chủ động suy nghĩ, tìm tòi và quan trọng nhất là hành động.
Xin bạn đọc đừng vội mừng cho tôi là “người thành công có lối đi riêng”- vì đoạn sau là tôi sẽ còn lận đận lắm. Và đó cũng là lý do tôi viết bài này, để các bạn hiểu rõ hơn việc là chính mình đòi hỏi phải đánh đổi những gì: một chút táo bạo, liều lĩnh và có thể thêm chút “mất trí”.
Tôi bắt đầu tìm cách tự xây dựng mọi thứ và tập làm những việc mà nếu ở trong tập thể sẽ có người khác hỗ trợ. Từ công việc, thời gian biểu, tài chính (thu nhập, tiết kiệm, đầu tư, chi tiêu), bảo hiểm, mối quan hệ xã hội, phát triển bản thân, tôi đều phải tự học, thử nghiệm kiêm thử - sai, thử lại rồi rút kinh nghiệm. Đoạn này tôi sẽ cố gắng tránh quá chi tiết. Vì lan man kể khổ một mặt khiến người nghe ngán ngẩm, một mặt cũng chẳng mang lại nhiều ích lợi cho tinh thần của mình.
“Vạn sự khởi đầu nan”. Cha mẹ thì tôn trọng lựa chọn của tôi nhưng họ hàng thì không phải ai cũng vậy. Có người thắc mắc với giọng kéo dài “thế cứ ở nhà thế này à?” có người còn vu vơ đăng hẳn bài báo “Tỷ lệ thạc sĩ ra trường thất nghiệp tăng cao” lên trang cá nhân. Mặc dù trước đó, họ không bao giờ quan tâm đến thị trường lao động. Tôi nửa buồn, nửa thấy thích thú.
Tiếp theo, bạn bè thì lịch sự hơn. Vì suy cho cùng đã là bạn bè thì chỉ cần mình không ảnh hưởng đến họ thì họ sẽ luôn ủng hộ. Nhưng với những người bạn thân thiết hơn, họ quan tâm hỏi han tôi cụ thể về dự định, mặc dù họ chưa hiểu lắm “Phờ-ri-lan-cơ là làm cái gì?”. Cũng có vài người bạn ngỏ ý nếu muốn làm gì đó hoặc thiếu tiền thì nhắn họ, họ sẽ giúp. Tôi đã thấy thích thú hơn là buồn.
Còn thu nhập, dĩ nhiên phải cân đối để tròn trách nhiệm với gia đình. Vì mình chọn mình chịu, không nên khiến người thân trong gia đình phải chịu cùng mình. Hơn nữa, tôi không muốn cha mẹ mình nửa đời vất vả nuôi mình để rồi nửa đời sau vẫn như vậy khi tuổi tác đã lớn.
Freelancer theo phong cách của tôi là “thân nhàn, mà tâm không nhàn”. Đó là lựa chọn của tôi và tôi dùng thực lực của mình để nắm lấy số phận. Nên tôi cảm giác mình đang được sống (kèm theo trách nhiệm) mà không phải là đang tồn tại.
Giải thích hình thức làm việc freelance cho mọi người dễ hiểu cũng chưa dễ dàng lắm ở thời điểm này. Cũng không ít người đã đúng một nửa khi hình dung về freelancer là những người lao động tự do, “thợ đụng” (đụng đâu làm đó). Nhưng tôi tin dần dần mọi việc sẽ chuyển biến tốt hơn như kịch bản đã từng xảy ra với những điều mới mẻ trước đây. Khi tương lai đôi lúc chỉ là sự lặp lại của quá khứ.
Ở phần này xin bạn đọc trẻ đừng quên: đôi khi chúng ta không hiểu rõ điều bản thân muốn. Nên đừng vội vàng chạy theo những ý muốn hay sở thích nhất thời. Nên dành thời gian đọc sách, lắng nghe, tham khảo kinh nghiệm từ người khác và quan sát trước khi hành động. Mỗi hành động của bạn chính là ông thần may mắn hoặc quỷ sứ xui xẻo góp phần tạo nên số phận của bạn.
Phần thử thách: “Thế có rảnh không?”
Điều thứ hai nếu muốn trở thành freelancer các bạn cần chú ý đó chính là thời gian.
Nguồn tài nguyên này giúp bạn tạo ra năng lực chuyên môn, uy tín và tiền bạc. Nếu bạn tiêu xài thời gian của bản thân phung phí, làm việc không có kế hoạch hay lịch trình, tùy tiện ngẫu hứng, bạn sẽ sớm phải lên trang tuyển dụng để tìm việc, rải CV.
Tôi nghĩ người mới làm freelance khá giống với một người mới trúng xổ số. Bỗng dưng có một lượng thời gian cực lớn, họ sẽ sa đà vào phung phí nó. Mà internet bây giờ có quá nhiều thứ để xem, nội dung nào cũng thú vị, series phim nào cũng hấp dẫn như trên Netflix đã dài lại còn hay, liên tục ra phim mới, rồi thì vô vàn thứ “đỉa hút thời gian” khác được thả ra trên không gian mạng.
Nếu tự nhận bản thân khó khăn trong việc quản lý chính mình, cần có người đốc thúc để tạo ra sản phẩm thì freelance không hẳn là lựa chọn tốt với bạn. Sau khi nướng hết thời gian vui vẻ, bạn sẽ nhận ra mình ở trong hoàn cảnh số dư tài khoản cạn kiệt, chuyên môn tụt hậu, tương lai mịt mờ, bạn bè thiếu vắng, người thân hoài nghi. Đây là lúc bạn nên tìm cho mình một công việc cố định.
Chúc bạn may mắn lần sau.
Nếu vượt qua được, khi bạn là freelancer, sẽ có những lầm tưởng theo kiểu bạn luôn rảnh để hỗ trợ mọi người và sự hỗ trợ đó thì miễn phí. Đây là cách tư duy theo tôi là không win – win (đôi bên cùng có lợi) mà bạn nên học cách tránh để tự bảo vệ bản thân mình.
Đúng là bạn cần khách hàng, nhưng đừng quên bạn đang trao đi giá trị. Việc tự hạ thấp bản thân mình để miễn cưỡng làm điều gì đó miễn phí không phải là chiến lược tốt của một freelancer. Người trưởng thành, có trách nhiệm sẽ không mào đầu câu chuyện lấp lửng kiểu: “Có rảnh không?” Họ sẽ nói rõ “Bạn có thời gian để giúp đỡ tôi việc A không? tôi có thể hỗ trợ bạn việc B hoặc mức chi phí C”. Thái độ chuyên nghiệp này sẽ giúp chúng ta hiểu là cần đáp lại họ bằng tinh thần chuyên nghiệp.
Nếu người cần hỗ trợ khiến bạn cảm thấy xứng đáng đầu tư thời gian, sức lực và trí tuệ thì hãy hào phóng. Nhưng nếu họ gợn lên cho bạn cảm giác là đang tận dụng, thì nên dứt điểm từ chối, đừng dây dưa. Một vài khách hàng tử tế bao giờ cũng tốt hơn một nhóm khách hàng tồi tệ. Bạn đừng quên nhé.
Phần thử thách tiếp theo: “Một mình có cô đơn không?”
Làm việc độc lập lâu dài, chúng ta có thể quen với việc suy nghĩ, ra quyết định một mình. Thói quen này có mặt tích cực nhưng cũng có điểm hạn chế. Điểm tích cực là bạn sẽ ra quyết định kịp thời hơn, tiết kiệm thời gian giải thích/thuyết phục người khác về lựa chọn ấy, hiểu rõ lựa chọn nào phù hợp với bản thân hơn. Tâm lý bạn vì thế cũng vững vàng, không mắc phải tật xấu đổ lỗi, trốn trách nhiệm. Khi bạn chỉ có một mình thì bạn sẽ thấy rất rõ từng hệ quả sau mỗi lựa chọn.
Nhưng bạn sẽ thiếu đi những ý kiến phản biện (đôi lúc rất sáng suốt từ đồng nghiệp) lời khuyên về phương hướng (có chiều sâu từ cấp trên), cảm giác an toàn khi có đồng đội hỗ trợ và một cộng đồng để chia sẻ kinh nghiệm, kiến thức cũng như những khoảnh khắc vui vẻ cùng tập thể. Đặc biệt cũng không có tập thể nào hiện diện trong những sự kiện trọng đại như tang ma, cưới hỏi của gia đình bạn.
Nếu bạn ra mắt nhà trai, nhà gái rồi được hỏi “Cháu đang làm ở đâu?” thì câu trả lời “freelance” của bạn sẽ khó gây thiện cảm với những bậc phụ huynh trải đời, không thích sự bấp bênh. Còn trong các sự kiện tiệc tùng, chè chén thì giới thiệu chức vụ, đơn vị công tác cụ thể thường sẽ nhận được sự quan tâm, kính trọng hơn là bạn giới thiệu bản thân đang làm freelancer- trong tình huống này, sẽ có người “nổ” thu nhập hàng chục “củ”, thậm chí hàng trăm “quả” để tạo ấn tượng. Nhưng tôi thì không chọn như vậy. Vì tôi không làm nông nghiệp nên kiến thức về các loại củ, quả của tôi khá hạn chế.
Vì thế, đoạn này nghe hơi giống đạo lý, nhưng tôi thành thật mong bạn chú ý đến cách sống khi là freelancer. Cuốn “Con đường đi đến thành công bằng sự tử tế” của tác giả Inamori Kazuo sẽ giảng giải cặn kẽ hơn tôi. Bạn cần chọn cho mình một lối sống tử tế khi trở thành freelancer.
Bởi tất cả những đối tác bạn từng làm việc đều có cơ hội trở thành đồng minh của bạn, nếu họ cảm thấy bạn tử tế. Tức là thay vì có một tập thể, bạn có thể phát triển cho mình một mạng lưới gồm nhiều tập thể ở các lĩnh vực ngành nghề khác nhau. Đôi khi họ giúp bạn, đôi khi bạn giúp họ theo lối win – win để đôi bên cùng hài lòng.
Cách sống của freelancer khiến tôi nhớ lại lời của thầy dạy võ. Thầy kể với tôi về con đường phiêu bạt giang hồ, mà con đường ấy chẳng có tập thể, chứng nhận hay chức danh nào mà chỉ cần tên tuổi để bảo chứng. Một lời nói, một cái tên là sự việc chắc như đinh đóng cột.
Theo ngôn ngữ hiện đại, tôi nghĩ có thể đó là thương hiệu cá nhân/nhân hiệu. Cách sống của bạn sẽ tạo nên uy tín cá nhân. Theo tôi nhận thấy trong một số trường hợp thì uy tín còn quan trọng hơn cả trình độ chuyên môn, kỹ năng mềm, ích lợi.
Bạn cũng có thể tham gia các câu lạc bộ, các diễn đàn theo sở thích cá nhân để có người giao lưu, chuyện trò. Không ai ép bạn phải trở thành một người tẻ nhạt, “ngủ ngày cày đêm”, ngại giao tiếp khi là freelancer. Quỹ thời gian dư dả cho phép bạn tận hưởng cuộc sống, làm điều bản thân thấy hứng thú, tâm huyết.
Bạn nên trân trọng những điều này khi còn trẻ. Nhất là khi răng còn đủ khỏe để gặm bánh mì, tâm hồn còn đủ tinh tế để thấy cái đẹp trong sự phù du và sức khỏe còn tráng kiện để dấn thân vào những công việc ý nghĩa (hoặc chỉ đơn giản là có thời gian ngồi đối ẩm với tri kỷ, thong thả đọc sách, đi dạo). Tuổi già kéo đến âm thầm nhưng dứt khoát lắm, bạn ạ. Đổi lại cho những phút mạo hiểm là món quà được sống trong hiện tại, không phải “đợi về hưu” hay ngán ngẩm tự dối lòng “sau này hẵng…”.
Những lúc tôi cảm thấy chán nản, giảm động lực thì sách, những bộ phim hay và những kênh youtube như: Cấy Nền Radio, Tranh đá quý Tân Phú Khánh (mục Nhân sinh cảm ngộ), Hieu.TV, Web5ngay, Vinkungfu, Nguyễn Hữu Trí, TEDx Talks thường bầu bạn, khích lệ tôi.
Đương nhiên, phần lớn thời gian trên con đường này bạn sẽ một mình- và cũng có thể là kiếp người ai cũng một mình. Cuốn “Con đường chẳng mấy ai đi” của tác giả M. Scott Peck đã giúp tôi hiểu là nên vậy. Con đường của ai, người ấy bước đi trên đôi chân của mình cũng là một dạng diễm phúc. “Xin chào” và “tạm biệt” là những thanh âm thật dịu dàng của cuộc sống mà chúng ta đừng ngần ngại trao nhau khi đến thời điểm.
Phần thử thách mở rộng: “Thế bao giờ ổn định?”
Tôi tin vào cảm giác ổn định nhưng không tin vào sự ổn định. Trong cuốn sách “Thiên nga đen” và “Trò đùa của sự ngẫu nhiên”, tác giả Taleb đã giúp tôi nhớ lại chân lý: “Điều duy nhất tôi biết là tôi không biết gì cả”.
Thế giới vẫn đang vận động và vì vậy vẫn có nhiều biến động. Người thành công hôm nay chưa chắc sẽ bảo toàn thành công đó ngày mai, thứ được khen bỗng chốc bị chê là điều bình thường. Có lẽ tư duy về sự ổn định của chúng ta không giống nhau. Mà đã khác nhau về điểm nhìn thì khuyên nhau không hẳn là điều tốt.
Tôi tin một người công chức mẫn cán, làm việc ở một đơn vị lâu năm là ổn định- ở thời điểm hiện tại.
Tôi tin một chuyên gia, địa vị và thu nhập tốt là ổn định- ở thời điểm hiện tại.
Tôi cũng tin một doanh nhân sở hữu tài sản khổng lồ là ổn định- ở thời điểm hiện tại.
Nhưng cũng chỉ có vậy. Ở thời điểm hiện tại đó là những gì họ có.
Có lẽ cảm giác rằng mọi thứ không phải lúc nào cũng diễn ra theo cách chúng ta muốn/dự định khá khó chịu. Nhưng với freelancer, họ phải chịu đựng nó thường ngày. Không ai biết lúc nào công việc đến và đi, chỉ có “tận nhân lực, tri thiên mệnh” trên con đường này.
Cũng bởi quen với sự bất ổn, nên họ ít khi bị khủng hoảng tinh thần trước những làn sóng sa thải. Thế giới biến đổi thì họ biến đổi, thị trường khó khăn thì họ ứng biến, thu nhập sụt giảm thì họ thích nghi. Freelancer như những chú thằn lằn bé nhỏ quan sát những đàn anh khủng long to lớn dần héo hon sau khi xảy ra thảm họa, tình trạng thức ăn khan hiếm khiến kích thước từng là lợi thế nay trở nên gánh nặng.
Do đó, tôi không tìm kiếm sự ổn định đến từ bên ngoài, mà từ bên trong. Nếu bạn chưa tìm thấy sự ổn định bên trong, thì hãy tránh xa con đường freelance. Tìm một công việc phù hợp, cống hiến và thăng tiến. Thêm vào đó, nếu là nam giới đã lập gia đình thì bạn cần chọn lối sống có trách nhiệm cao hơn. Freelance hay không freelance thì cũng cố gắng đừng nên để người thân và chính mình đói khổ, túng quẫn.
Thông điệp ở phần này là đừng bắt chước, có những điều nhìn vậy mà không phải vậy. Cũng đừng cố để ổn định, vì khi tạm ổn định rồi thì con người thường hay thích làm điều gì đó bùng nổ, mạo hiểm như: dồn toàn bộ tiền tiết kiệm để đầu tư tiền ảo hay một dự án vu vơ nào đó hứa hẹn lãi suất trên thiên đường rồi đẩy người ta xuống địa ngục hoặc đi mua trả góp một căn nhà hoành tráng, “tiêu những đồng tiền bản thân không có vào những thứ mình không cần để chứng tỏ với người mình không thích” (tôi nhớ không nhầm đoạn thoại này trong bộ phim “Fight Club”).
Một mặt con người thèm khát ổn định, một mặt họ e sợ sự ổn định đó. Hãy tỉnh táo nhé bạn. Như nhận định ngắn gọn mà thông thái của Đức Đạt Lai Lạt Ma: “Đôi khi trong đời, không có được điều mình muốn lại là một sự may mắn”.
Vẫn còn thử thách nhưng có cách để vượt qua
Có vẻ những điều tôi chia sẻ, ngoại trừ hạn chế là dài ra, thì nghe cũng bùi tai. Nhưng tôi đã làm được gì để đảm bảo đôi dòng tôi viết sẽ hữu ích với bạn nhỉ?
Tôi nghĩ giá trị hay không thì không phải hoàn toàn do tôi, mà tùy vào cách bạn hiểu và vận dụng trên hành trình của riêng bạn. Cùng một lời nói, nhưng dựa vào vốn sống của người nghe mà cách hiểu và cách thực hành sẽ ra kết quả khác nhau. Đó là món quà của tư duy. Mỗi người mỗi khác, không ai tặng cho ai được mà chỉ có tự thân nỗ lực vun đắp từng ngày- viết đến đây tôi lại nhớ đến giảng viên ở trường đại học năm xưa từng giải nghĩa cho chúng tôi khái niệm “văn hóa” (culture) có liên quan đến “cultus animi” (gieo trồng tinh thần).
Tản mạn đã nhiều, giờ tôi sẽ tóm gọn lại 12 quy tắc mà cá nhân tôi cảm thấy là nên lưu tâm khi làm freelancer. Tôi để phần này ở gần cuối để dành tặng những bạn đã kiên nhẫn đọc đến đây:
- Biết tự chủ
- Quản lý thời gian và quản lý chi tiêu
- Cần có sức khỏe
- Kiên nhẫn và năng động song hành
- Độc lập nhưng có mạng lưới quan hệ
- Tự giác trau dồi chuyên môn, tự học
- Nên có nhiều sở thích, đời sống cá nhân phong phú
- Không nên tin tuyệt đối vào những lời hứa
- Giữ uy tín
- Không quên: “Đúng người, đúng lúc, đúng việc” (kinh nghiệm quý báu này đến từ Giáo sư Phan Văn Trường)
- Linh hoạt, sẵn sàng thay đổi, có nghề dự phòng (nên là lao động tay chân)
- Tự tin, can đảm, chấp nhận rủi ro hợp lý
Phần thưởng: “Điều quý giá nhất là không gì cả”
Năm tôi 29 tuổi, tôi nhận được món quà sinh nhật này từ một người bạn. Cô ấy nói với tôi rằng “không gì cả” là thứ quý nhất, nên muốn tặng cho tôi. Món quà nghe chừng ngộ nghĩnh này hóa ra lại là thứ khiến tôi cảm thấy hài lòng nhất.
Một vài dòng thì khó nói hết, mà lời nói càng nhiều thì lại càng xa khỏi sự thực.
Do đó, dù bạn có trở thành freelancer hay không, thì tôi vẫn chúc bạn thành công và gặp nhiều may mắn trên hành trình bạn chọn- tốt nhất là bạn chọn, đừng đi theo những con đường mòn được vạch sẵn. Con đường ấy nhàn nhã, dư dả song hầu hết những người đi trên lối mòn đều đang tồn tại và chỉ bận tâm đến sự tồn tại. Sự tồn tại ấy dần dần sẽ khiến tâm hồn họ héo mòn, quên đi cách nuôi dưỡng đứa trẻ bên trong để rồi gặp khó khăn khi nuôi dạy đứa trẻ bên ngoài do họ sinh ra.
Bậc thầy kiếm đạo Miyamoto Musashi từng chia sẻ trong cuốn “Ngũ Luân Thư” (bản dịch của GS Bùi Thế Cần) sự thực: “Ôm to quá thì siết không chặt”.
Trên đời có nhiều kiểu thành công, có người thành công bên ngoài, có người thành công bên trong. Tôi thấy trong “Những người khốn khổ” của tác giả Victor Hugo, những phút cuối đời, Giăng Van-giăng (Jean Valjean) không trăn trối là: “hãy thành công” mà là “hãy yêu nhau”. Điều gì khiến ông rút ra kết luận như vậy nhỉ?
Thay cho lời kết
Mới 5 năm, tôi nghĩ vẫn còn nhiều điều phía trước để tôi học hỏi, khám phá. Tôi coi freelancer không chỉ đơn thuần là hình thức làm việc, mà là cách sống phù hợp với con người thực của tôi. Có lẽ, tôi xin hẹn gặp lại bạn trong những chia sẻ của dấu mốc 10 năm.
Chỉ là “có lẽ” thôi, vì biết đâu đến lúc đó tôi không còn hoặc còn nhưng không phải là một freelancer nữa? Ý nghĩ này hoàn toàn không phải đến từ tâm thế bi quan, mà là sự lạc quan của tôi khi chấp nhận tính vô thường và sự tương đối của chính mình cũng như cuộc đời.
“Một mai một cuốc một cần câu,
Thơ thẩn dầu ai vui thú nào.
Ta dại, ta tìm nơi vắng vẻ,
Người khôn, người đến chốn lao xao.
Thu ăn măng trúc, đông ăn giá,
Xuân tắm hồ sen, hạ tắm ao.
Rượu đến bóng cây ta hãy uống,
Nhìn xem phú quý tựa chiêm bao.”
Xưa đi học, tôi đọc bài thơ “Cảnh nhàn” của tác giả Nguyễn Bỉnh Khiêm thấy không hiểu lắm. Nhưng cậu học sinh năm ấy cũng phải cố ghi chép, ba hoa phân tích về điều mình chưa thực sự hiểu để được lên lớp.
Nay tôi đọc lại bài thơ chẳng để làm gì, để được gì, thì tôi hiểu. Có thể hạnh phúc khi làm người của tôi thể nằm ở chỗ này: được thấy, được biết, được hiểu (hoặc chưa hiểu) bằng con người thực của mình.
Nhận xét
Đăng nhận xét