[Chia sẻ] Chuyện tôi học võ

 Phần 1

Sau những chia sẻ về chuyện tôi đọc sách, tôi tự sự tiếp về việc học võ. Tự sự này không có ý ngộ nhận tôi là người “văn võ song toàn”. Điều tôi hướng tới là “văn ôn, võ luyện” cũng như khuyến khích các bạn trẻ rèn luyện thể dục thể thao, tôn trọng pháp luật và võ đạo. Dù không có năng khiếu, hạn chế về thể lực hay bắt đầu muộn như tôi thì chỉ cần các bạn quyết tâm, chắc chắn rồi một ngày sẽ có kết quả. Như thầy tôi từng nói: “Công phu bất phụ hữu chí nhân”.

Là một người bình thường vẫn đang trên hành trình cố gắng hoàn thiện bản thân, tôi tin văn, võ đều quan trọng: “Văn không võ, văn nhu nhược. Võ không văn, võ bạo tàn”.


Bố tôi là người tập võ, nhưng rất ít dạy võ cho tôi. Bố khuyên tôi nên ứng xử điềm đạm, khiêm tốn. Bố kể chuyện ngày xưa bố hay đánh nhau, nhưng đánh nhau thời ấy “tay bo quân tử”: thắng là thắng, thua là thua mà không ôm sự uất hận rồi cay cú chửi bới, trả thù nhau bằng hung khí. Cũng có những người từng đánh nhau sau đó thì trở thành bạn của bố. Ngày ấy, võ nghệ của bố do một bác lính đặc công là con nuôi của ông nội tôi truyền dạy.

Noi gương bố hoặc vì mang dòng máu của bố, tôi cũng ham thích võ thuật từ nhỏ nhưng lại không được đi học võ. Có lẽ, bố không khuyến khích tôi tập võ. Bởi bố nhận thấy ngày nay con người ta dễ có xu hướng bạo lực, thừa hung hăng nhưng thiếu thượng võ và giải quyết sự việc bằng nắm đấm không phải lúc nào cũng là cách tốt nhất mà người minh mẫn lựa chọn.

Tôi vẫn thích võ, đặc biệt là đầu năm lớp 10 khi xem bộ phim “Huyền thoại lý Tiểu Long”. Nhưng sau đó, phần do mải chơi, phần vì bận học hành, chứng cận thị bắt đầu tìm đến nên tôi cũng chưa có dịp theo lớp học võ tử tế. Thời gian cứ vậy trôi đi.

Từ khoảng năm 2013, khi đang học năm hai đại học tôi được bạn Nguyên rủ đi tập ở một câu lạc bộ hoàn toàn miễn phí. Là sinh viên, nghe đến việc tập võ lại còn không mất tiền thì tôi rất phấn khởi đi cùng bạn. Lớp tập Pencak Silat và Tán thủ ở nhóm Ngũ Đài Sơn. Nhóm này có các thầy Minh, thầy Dũng dạy võ không thu tiền nhưng vẫn rất nhiệt tình. Các anh lớn và bạn tập cũng tử tế, thân thiện. Nhưng được khoảng một năm thì lớp nghỉ do các thành viên chủ chốt bận rộn hoặc xuất ngoại.

Những năm tiếp theo, tôi đến tập với người bạn thân tên Vương. Biết tôi mê võ, Vương đã rất nhiệt tình hướng dẫn và cũng không nhận của tôi đồng học phí nào.



Bạn tôi bằng tuổi tôi, tập võ từ khi học lớp 5. Vương từng tập Karate, Muay Thái và sau cùng là đánh lối MMA (võ tổng hợp). Tôi coi cậu ấy như “sensei” (thầy của mình). Vì Vương là người đặt cho tôi nền tảng nhận thức về võ thuật: Võ thuật là kỹ năng mang tính thực tế, tập đòn thế cần thiết nhưng tập tư duy để áp dụng đòn thế là điều quan trọng hơn, học võ là để tự tạo ra võ của riêng mình- có như thế mới hữu dụng.

Trong sân khu tập thể Vĩnh Hồ, ngày nóng cũng như ngày lạnh, cứ hễ có thời gian là Vương lại hướng dẫn tôi và một vài bạn khác. Từ những bài tập đơn giản như khởi động cho đến những bài tập thể lực nặng, đứng tấn và đối luyện, Vương đều chia sẻ không hề giấu giếm. Tập với Vương thì rất ít đồ đạc, dụng cụ (chỉ có 2 đôi găng tay) bởi Vương tin rằng các cuộc va chạm trong thực tế sẽ không có thời gian chuẩn bị, thay trang phục hay đeo đồ bảo hộ như trong các phòng tập thể thao. Chúng tôi đùa với nhau tập ở sân Vĩnh Hồ là đi gặt “hành” nên đây là phái “Vĩnh Hành”. Thỉnh thoảng, Vương còn dẫn chúng tôi đến học hỏi thêm ở phòng tập của các bạn nước ngoài ở gần trường Việt – Pháp.

Sau đó Vương nhập ngũ và ở lại quân đội trở thành một quân nhân chuyên nghiệp. Dù ít có thời gian trực tiếp tập luyện nhưng mỗi lần về thì cậu ấy và tôi đều tranh thủ thảo luận thêm về tư duy võ thuật và luyện tập kỹ thuật.


Thời gian này tôi cũng thấy chiếc côn nhị khúc của bố ở nhà. Tình cờ là một giảng viên đại học của tôi cũng tập côn nhị khúc nên thấy tôi hứng thú, lại có sẵn côn nên thầy đã dành thời gian hướng dẫn tôi những điều căn bản. Côn nhị khúc là binh khí đầu tiên tôi luyện tập (tôi từng chia sẻ trong bài viết “Chuyện tập côn nhị khúc”).

Sau đó, tôi tìm hiểu thêm về Vịnh Xuân và tự tập theo trên Youtube (nguồn cảm hứng để tập Vịnh Xuân của tôi đến sau khi xem bộ phim Diệp Vấn). Việc tự tập trên Youtube và tìm thấy cảm hứng tập luyện thông qua phim ảnh, truyện tranh có lẽ không lạ lùng gì với các bạn trẻ. Tôi thấy mỗi lần xem phim, các clip võ thuật là tinh thần lại phấn chấn hơn, có quyết tâm luyện tập hơn. Tuy nhiên mọi thứ đều có hai mặt, sau này tôi nhận ra tự tập luyện không có thầy thì không thấy được chỗ hạn chế của bản thân và dễ bị ảo tưởng về khả năng.

Tự tập một thời gian, đem đối luyện với bạn tập thấy có hiệu quả tôi lại càng hào hứng. Nguyên lý “nhu khắc cương” thật hấp dẫn với phong cách đánh đón tay uyển chuyển, tự nhiên còn đòn chân bất ngờ, tầm thấp nhưng có sức công phá cao khiến tôi cảm thấy được thả lỏng sau một thời gian tập luyện theo lối cương mãnh.

Nhưng hào hứng chưa được bao lâu thì có một trải nghiệm đã buộc tôi phải thay đổi suy nghĩ.

Tôi liên lạc được với một người bạn học cùng cấp 3 tên Tuấn. Tuấn tập Muay Thái và một số môn thể thao khác rồi trở thành Coach. Tôi đã hẹn để giao lưu với cậu trên đài. Cuộc hẹn đó khiến tôi nhận ra những khiếm khuyết về hướng luyện tập của bản thân.

Tôi nhận thấy khi đeo găng trùm kín bàn tay thì những đòn thế Vịnh Xuân tôi có không phát huy tác dụng, những cú đá thấp, đạp gối rất hữu dụng trên đường phố cũng không thân thiện trên sàn đài. Sang hiệp đấu thứ 3 thì thể lực tôi gần như cạn kiệt. Những cú đấm dứt khoát và tư thế chắc chắn, chủ động của bạn khiến tôi ngưỡng mộ trong khi tâm thế chờ đợi, thụ động của tôi khiến tôi lóng ngóng. Ở đây tôi không kết luận môn võ nào hay hoặc dở, mà tôi kiểm điểm lại mình. Vì tôi nghĩ khi thất bại thì nên xem xét bản thân đầu tiên.

Khi Tuấn trở thành huấn luyện viên ở The Lion-Kickboxing & Coaching Center, tôi đã đăng ký tập luyện. Có lẽ tôi thấm thía câu “học thầy không tày học bạn” vì sau này trên đường đời, không chỉ võ thuật mà nhiều kỹ năng hữu ích khác tôi được bạn bè có thiện ý hướng dẫn.


Tuấn không những tư vấn cho tôi về việc điều chỉnh tư thế mà còn có những bài tập thể lực giúp tôi cải thiện sức bền. Nhưng điều tôi thích nhất là được Tuấn hướng dẫn những cú đấm, đỡ, cách di chuyển căn bản của Boxing. Sự giản đơn nhưng chủ động, hiệu quả của Boxing là điều tôi tìm kiếm để bù đắp cho tính phòng ngự của Vịnh Xuân.

Sau khi nghỉ tập cùng Tuấn, tôi tiếp tục theo đuổi đam mê với công việc giáo dục nên hoạt động tập luyện cố định theo lớp của tôi bị giới hạn. Tôi chủ yếu tự tập tại nhà hoặc ra công viên tập với bạn.

Có những giai đoạn, tôi cùng Nguyên mua đích đấm, đích đá về tự tập với nhau ngoài hồ Hoàng Cầu, công viên Thống Nhất, vườn hoa Long Biên. Do thể hình, cân nặng, kỹ thuật chênh lệch (bạn tôi tốt hơn tôi) nên tôi nghĩ cậu ấy cũng gặp không ít thiệt thòi khi tập cùng tôi, còn tôi thì được nhiều ích lợi vì dần dần học được cách thích nghi với sự chênh lệch. Cậu ấy cũng là người đưa ra cho tôi những góp ý hữu ích về tính chính xác, dứt khoát trong võ thuật. Cũng có lúc gặp được các bạn chỉ cho tôi thêm cách tập Vĩnh Xuân, cũng có chú chạy bộ ngang qua công viên thấy tôi tập cũng hỏi han, hướng dẫn thêm.



Phần 2

Trước năm 30 tuổi, tôi mong muốn được theo học ở một võ phái của Việt Nam. Tôi may mắn được bác Lý Băng Sơn- Chưởng môn Võ Phái Võ Lâm Phật Gia Việt Nam tiếp nhận.

Nhân duyên giữa Bác và tôi đến từ khi tôi đọc cuốn sách “Tìm hiểu võ học – Bí mật Võ lâm chân truyền” của Bác. Cuốn sách giúp tôi hiểu thêm về Võ Đạo, Võ Công, Võ Nghệ, Võ Học, Võ Thuật. Tôi tìm thấy những điều hay lẽ phải mà các thế hệ đi trước đã đúc kết lại để gây nền võ cổ truyền tồn tại đến ngày nay.

Phút hào hứng ban đầu của tôi dần bị thay thế bằng nỗi lo lắng: khác với các môn võ ngoại lai, hiện đại tôi từng tập có động tác dễ nhớ, đơn giản thì hệ thống các động tác và tên các động tác trong bài quyền của võ cổ truyền khiến tôi hoang mang.

Trong lúc luyện tập, tôi tiếp thu chậm nên Bác đã tốn nhiều công sức hướng dẫn tôi. Huynh đệ đồng môn tập cùng cũng kiên nhẫn, giúp đỡ tôi ôn bài trong khả năng cho phép. Quá trình tập quyền chậm rãi ấy giúp tôi nhìn thấy được đối thủ lớn nhất mà người học võ khổ luyện để khuất phục: cái tôi.

Hóa ra học võ để đánh người không khó, cái khó là học võ để đánh thắng chính mình: “Văn dĩ tải đạo, võ dĩ thành nhân” là đây. Những ngày hè nắng nóng không nghỉ tập, những buổi tập một mình hay những lúc khát cháy cổ chạy bộ ngang qua quán bia hoặc những lúc tập đi tập lại một thế vẫn chưa đúng là những thử thách nghe bé nhỏ, nhưng nếu không vượt qua được những điều bé nhỏ ấy thì chưa xứng đáng là người luyện võ.

Bác đã giúp tôi ngộ ra thêm những chân lý trong võ học, cũng là đặc trưng của Võ phái: Người học võ giỏi là người không phải dùng đến võ, cao thủ thực sự là “Bất chiến tự nhiên thành” và đặc biệt là Bác lý giải cho tôi băn khoăn bấy lâu nay khi tôi tự tập Vĩnh Xuân. Vì sao người ta nói “nhu thắng cương” nhưng khi tôi áp dụng thì lại không được như vậy? Vì nhu, nhưng nhu phải có đặc tính, chứ nhu mà nhược thì không thể thắng được cương mãnh và ngược lại cương mãnh mà không có điểm dừng thì bạo phát, tự hoại.


Mỗi buổi tập, ngoài võ thuật thì Bác còn giảng giải cho huynh đệ chúng tôi về võ đạo. Tôi thường lắng nghe Bác rồi dần dần nghiền ngẫm. Có lẽ trong đó còn những điều tôi chưa thể hiểu được hết, bởi so với cuộc đời thực tế, từng trải của một võ sư như Bác thì vốn hiểu biết của tôi còn quá bé nhỏ.

Những điều như: “Luyện quyền bất luyện công, đáo lão bất trường không”, học võ nên tránh lối “biết nhiều, luyện ít”, đòn thế ít nhưng luyện kỹ, học võ phải có thực chất không có lối tắt, bí quyết mà do “thục năng sinh xảo” (chăm chỉ luyện tập mới thành thạo) hay sự tác động qua lại của ngũ hành, âm dương trong quy luật dưỡng sinh và cách ứng nhân xử thế khi làm người, chọn bạn đời, Bác đều chia sẻ cặn kẽ. Bác chỉ ra phương hướng rồi cho chúng tôi quyền được tự do lựa chọn. Trong thâm tâm tôi, Bác là người thầy, người đàn ông đúng nghĩa và đáng kính để tôi học hỏi không những về võ học mà còn là nhân cách của người làm thầy.

Song song với quá trình luyện tập quyền thuật, tôi cũng yêu thích luyện tập binh khí và mong muốn học cách dùng kiếm, đặc biệt là cách sử dụng kiếm theo phái Nhị Thiên Nhất Lưu của Thánh Kiếm Miyamoto Musashi. Tôi biết đến vị Thánh Kiếm này thông qua tác phẩm “Ngũ Luân Thư”- trước khi theo học thầy, tôi thường quan tâm đến triết lý sống của bậc thầy mà tôi học.

Tâm nguyện ấy đã một phần thành sự thực khi tôi biết đến Hàn Vi Võ Hội- nhóm chuyên về tập luyện binh khí do các bạn trẻ thành lập. Dù còn trẻ nhưng tôi cảm nhận các bạn đam mê kiếm thuật Á Đông và Châu Âu. Hàn Vi Võ Hội là sân chơi lành mạnh, tuân thủ luật pháp dành cho những bạn yêu thích võ thuật/binh khí tổng hợp (được làm từ chất liệu nhựa hoặc cao su). Tên Hàn Vi nghe cũng ngộ nghĩnh: để chỉ ra đây là nơi tập luyện của những kiếm thủ nghèo, nhưng không để cái nghèo cản trở việc luyện tập.

Ở góc độ nào đó, tôi thấy cách tiếp cận này khá thú vị. Sự thiếu thốn nhìn ở mặt tích cực chính là môi trường tốt để sàng lọc những cá nhân nghiêm túc luyện tập. Với các điều kiện ở mức tối thiểu, rất có thể sẽ có những cá nhân phát huy được tối đa tiềm năng. Tham gia Hội, tôi cảm nhận những giới hạn về mặt vật chất ban đầu tưởng như trở ngại nhưng về sau lại là tấm lưới sàng lọc những ai thực sự yêu thích luyện tập võ nghệ với động cơ tích cực: cải thiện sức khỏe, bồi dưỡng kỹ năng tự vệ, học hỏi lẫn nhau, thư giãn sau giờ học, giờ làm.

Có lẽ trong sự thiếu thốn, động lực luyện tập sẽ trở nên rõ ràng, trong sáng hơn và tinh thần vì vậy cũng phát triển hơn. Bởi dựa vào các yếu tố vật chất thì thường có giới hạn nhưng nếu phát triển tinh thần thì không như vậy.



Hội còn có sự tham gia của các thành viên cận chiến tay không mang phong cách Võ Cổ Truyền, Boxing, Muay Thái, Karate, Kudo, Vovinam, Vĩnh Xuân, Triệt Quyền Đạo và những thành viên luyện tập kiếm thuật, đao thuật, thương thuật, cung thuật, côn thuật theo phong cách Á hoặc Âu. Tôi nghĩ dù tồn tại sự khác biệt nhưng sẵn sàng cởi mở, chia sẻ kinh nghiệm luyện tập về cái hay, cái dở cùng nhau trong bầu không khí thẳng thắn, bình đẳng là đặc trưng thú vị của Hội. Đâu đó, tôi thấy nơi đây phảng phất mơ ước về một nền võ học không so bì hơn thua mà giúp nhau cùng phát triển. 

Tôi đã tiếp thu được thêm nhiều điều bản thân còn chưa biết khi tham gia luyện tập cùng các bạn trẻ. Bạn nào cũng có bản sắc và sở trường riêng. Tôi nghĩ học với những bậc thầy lớn tuổi cho tôi cái nhìn lý tính, sâu sắc về cuộc đời. Với những người bạn trẻ tuổi, các bạn giúp tôi không quên sự nhiệt huyết, tính tò mò, thích phiêu lưu khiến hành trình trong đời trở nên thú vị hơn. 

Bạn Hội trưởng, Hội phó cùng các thành viên đều yêu thích kiếm thuật, say sưa luyện tập và hào hứng chia sẻ những điều đã biết cho nhau. Không khí thân mật, bình đẳng này mang đến trạng thái thư giãn nhưng vẫn có hiệu quả nhất định. Binh khí trong nhóm chủ yếu là đồ nhựa, không sắc bén nhưng có trọng lượng và cảm giác khá chân thực. Được học hỏi cùng những người bạn trẻ tuổi hơn mình đã mang đến cho tôi niềm vui, động lực phấn đấu.

Gần đây, tôi cũng may mắn có cơ hội tham gia khóa tập huấn 04 buổi được hướng dẫn bởi Grand Master Ruel Arellano Gatbonton (Chuyên gia đã huấn luyện cho tuyển ARNIS Việt Nam qua các kỳ Seagames 23-30-32) và anh Phúc Arnis cùng các anh em khác trong CLB Võ gậy Kim Mã.

Ngoài kỹ thuật, tôi còn được lắng nghe thông điệp tuy mộc mạc nhưng chí lý của thầy: "Mỗi người tập mỗi mục đích khác nhau. Có người muốn trở thành vận động viên, có người muốn rèn luyện sức khoẻ, có người muốn thư giãn. Tất cả đều tốt nên hãy tận hưởng quá trình luyện tập".



Có duyên gặp lại anh Dương ở lớp võ Ngũ Đài Sơn năm xưa sau "10 năm có lẻ" là một niềm vui nữa với tôi khi tham gia khóa tập huấn lần này. Tôi nghĩ võ gậy có tính ứng dụng trong thực tế. Vì gậy là vật dụng dễ tìm, dễ nắm bắt các động tác cơ bản, di chuyển không cồng kềnh, nếu ra đòn chuẩn xác thì đủ để vô hiệu hoá kẻ xấu nhưng không gây thương tật trầm trọng.

Tôi nhận ra con đường học võ của mình sẽ còn tiếp tục, bởi “văn ôn, võ luyện”- biển học vô bờ. Dù tôn trọng người luyện võ, ham thích cọ sát để phát triển kỹ năng nhưng tôi nghĩ mình là một thư sinh tập võ nên xin được miễn thứ trước những lời mời tỷ thí, đấu đá, so găng. Chia sẻ này nhắm tránh mất thời gian cho đôi bên. Bởi tôi nghĩ nếu thích tỷ thí, va chạm thì cần tìm người có cùng chí hướng, cùng quan điểm thay vì tìm đến một người thích dưỡng sinh như tôi. Tôi ghi nhớ lời thầy dạy rằng nếu ẩu đả, đánh nhau thì nhẹ người nằm viện, người bồi thường. Còn nặng thì người chết, người đi tù.

Mong rằng tôi dưỡng sinh thành công để có thể chứng kiến ngày các môn phái “Đông – Tây”, “Kim – Cổ” nhận ra sự ưu việt và giá trị của nhau, ứng xử với nhau văn minh, hòa nhã, tôn trọng ngoài đời thực lẫn trên không gian mạng.

Thay cho lời kết

Trước năm 30 tuổi, có lẽ các chàng trai đi học võ đều có mục đích. Đó có thể là gia tăng sức mạnh, không ngại va chạm, thể hiện bản thân, phấn đấu để đạt được đẳng cấp, huy chương, cơ hội lập nghiệp. Ở lứa tuổi này, tôi nghĩ võ thuật là con đường phân định hơn thua. Khi mục đích này mất đi, người tập tự khắc sẽ cảm thấy không còn động lực học võ. Hình như đó là lý do vì sao dưới 30 tuổi, người tập võ nhiều nhưng đến 30 tuổi trở lên người tập võ giảm dần.

Từ 30 tuổi trở lên, võ thuật không còn là cách phân định hơn thua duy nhất trong đời nữa. Những người đàn ông bắt đầu suy nghĩ nhiều hơn thay vì hành động và có nhiều thứ để đọ sức, đọ lực với nhau hơn. Sức mạnh không còn đơn thuần là tranh đấu, mà là bền bỉ.

Nếu vẫn yêu thích võ khi đã lớn tuổi, tôi tin người ấy may mắn và chân thành với võ học. Thời điểm này, người luyện võ không phải để hơn thua nữa, cũng mất dần tính phân biệt hệ phái “kim – cổ”, đối chất “đúng - sai”. Võ đã thành đạo để dưỡng sinh, rèn luyện nhân cách và đặc biệt là chiến thắng chính mình.

Những điều tôi suy nghĩ là của một hậu sinh mang vốn sống có hạn. Nên nếu lời lẽ đôi chỗ còn thiếu chính xác, chủ quan thì mong bạn hữu lượng thứ, có lòng tốt chỉ bảo thêm.

Tôi biết ơn những người thầy đã đến và sẽ đến trong đời mình.

 

 

 

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

[Chia sẻ] Cảm nghĩ sau khóa học Áp dụng các lý thuyết căn bản vào thực hành tham vấn và trị liệu tâm lý

[Review Phim] Sự trỗi dậy của các Vệ thần

[Review Phim] Khao khát thành công (Hunger) và Thực đơn bí ẩn (The Menu)