[Chia sẻ] Chuyện nhận học sinh

 Thời gian vừa qua, tôi nhận được thêm những lời gửi gắm con từ các bậc phụ huynh. Dù cảm thấy bản thân mình may mắn và trân trọng những lời nhờ cậy đó, tôi vẫn chưa có đủ quỹ thời gian để nhận tất cả các bạn học sinh mới. Tôi khá áy náy vì các anh, chị phụ huynh ngỏ lời đều lớn tuổi hơn tôi, quan tâm đến giáo dục và chân thành. Nên tôi quyết định sẽ viết đôi dòng để chia sẻ tâm sự. Bài viết này cũng là lời xin lượng thứ từ tôi khi chưa thể đáp lại được mong muốn tìm kiếm người đồng hành, hỗ trợ của các bậc phụ huynh trong hành trình nuôi dạy con.

Đầu tiên, tôi muốn chia sẻ vì sao tôi lại chưa thể nhận nhiều học sinh một lúc. Với vai trò gia sư kiêm cố vấn cho các bạn thanh thiếu niên, tôi cần trợ giúp cho các bạn học sinh về học tập và đời sống.

Ở lĩnh vực học tập (cụ thể là môn Văn) chúng tôi cần cùng nhau giải quyết các bài tập, kỳ thi trên trường lớp nhưng cũng cần phải tìm cách bồi dưỡng những kỹ năng hữu ích trường lớp chưa có thời gian hướng dẫn (ví dụ như kỹ năng tự học và đọc sách). Ở lĩnh vực cố vấn, tôi cần dành thời gian lắng nghe vấn đề của các bạn: khó khăn trong kết nối với cha mẹ, thầy cô, bạn bè, người yêu, mất động lực học tập, không biết chọn nghề gì, sinh hoạt ngẫu hứng, chứng lạm dụng trò chơi trực tuyến, mạng xã hội, chứng trầm cảm, rối loạn lo âu, hành vi tự hại, ý định tự sát và hành vi tự sát, sức khỏe yếu) để giúp gia đình các bạn học sinh nhận thức nguyên nhân thực sự. Có thông tin rồi thì tôi còn cần phối hợp với cha mẹ, thầy cô hoặc các chuyên gia tham vấn để cùng nhau giải quyết. Mặc dù định hướng của tôi là giáo dục cá nhân hóa nhưng tôi không có ý định làm giáo dục một mình- vì đó là lựa chọn thiếu sáng suốt, không thực tế, mà luôn tìm kiếm sự hợp tác

Quá trình phối hợp này không phải lúc nào cũng suôn sẻ. Vì có những bạn học sinh rơi vào bối cảnh đã mất cha hoặc mẹ, cha mẹ trong giai đoạn ly hôn hoặc bất đồng về định hướng giáo dục con cái, cha mẹ cảm thấy kiệt sức và bất lực trong việc giáo dục con. Thầy cô giáo thì thường cũng không đủ quỹ thời gian để bao quát thêm các vấn đề ngoài việc thi cử. Còn kết nối với các nhà tham vấn thường không đơn giản- mặc dù tôi có duy trì kết nối với một số nhà tham vấn/tổ chức tham vấn nhiệt tình, đầy đủ bằng cấp chuyên môn, yêu thích làm việc với trẻ: vì không phải bạn học sinh nào cũng muốn đi tham vấn tâm lý, tin tưởng để cởi mở chia sẻ với nhà tham vấn và đến tham vấn đều đặn theo lịch hẹn. Trong khi phụ huynh thì cũng ngần ngại vì nhiều nguyên nhân (trong đó nổi bật là rào cản về chi phí và lo lắng danh dự gia đình bị ảnh hưởng khi có con cần đi “khám” tâm lý).

Với chừng ấy vai trò, nhiệm vụ, việc dạy học của tôi không thể tiến hành một cách nhanh gọn mà luôn cần có quỹ thời gian cho xây dựng, củng cố kết nối và lắng nghe học sinh để tư vấn, hỗ trợ đúng hướng. Với kinh nghiệm hiện có, tôi tin rằng nếu không lắng nghe, quan sát bằng sự kiên nhẫn mà lại sử dụng các cách giải quyết nóng vội, chủ quan thì không thể tạo ra hiệu quả (dù ban đầu các biện pháp mạnh có vẻ mang lại tác dụng ngay) mà thường chỉ gây ra thêm hậu quả. Thanh thiếu niên ngày nay không suy nghĩ đơn thuần, đúng lứa tuổi như trước đây nên làm cố vấn cho các bạn cũng không phải việc có thể làm qua quýt cho xong, vì các bạn còn ít tuổi nên dễ dàng (đó là “thành quả” của văn minh và công nghệ hay không thì một mình tôi cũng chưa đủ thẩm quyền khẳng định).

Dù làm việc với một học sinh, thì thời gian trong buổi học của tôi không hẳn sẽ thư nhàn hơn so với việc quản lý lớp học có khoảng 05 – 10 bạn học sinh. Bởi càng đông thì càng cần nội quy và nhiệm vụ để ổn định trật tự. Nhiều nội quy, nhiệm vụ thì con người ta lại càng không cần thiết phải hiểu nhau sâu sắc. Lúc này việc “thưởng - phạt” và “đóng khuôn” sẽ là công cụ tối ưu. Tôi tin rằng giáo dục con người thì không phải cứ thưởng là “nên người” (như vậy thì con cái của các gia đình có điều kiện kinh tế tốt, thưởng nhiều sẽ mặc định là học giỏi và chăm ngoan) và “không nên người” thì bị phạt (“thương cho roi cho vọt” là đây). Chúng ta cần hàm lượng khoa học và nghệ thuật tương đương nhau khi bàn đến giáo dục.

Tôi nhận thức rõ mình chỉ có thể cố hết khả năng, mà không thể cố gắng trên khả năng của bản thân. Nên tôi không thể nhận nhiều học sinh cùng lúc.



Tiếp theo, tôi cũng đã nhận được gợi ý trong việc giới thiệu các bạn học sinh của tôi đến những gia sư, giáo viên khác hoặc tổ chức các lớp học nhóm từ 5 – 7 bạn học sinh.

Việc giới thiệu đến các gia sư, thầy cô khác: Tôi vẫn thường gợi ý cho các bậc phụ huynh điều này. Vì tôi tin mình sẽ không thể biết hết mọi thứ và sẽ luôn có những gia sư, thầy cô, cố vấn, nhà khai vấn, nhà tham vấn giỏi chuyên môn, giàu kinh nghiệm, tận tâm, biết cách làm việc với thanh thiếu niên hơn tôi. Tôi chưa bao giờ có ý định giữ học sinh cho riêng mình, vì tôi hiểu rõ giới hạn của bản thân và bản thân tôi cũng là người thích học ở nhiều nơi, từ nhiều người thầy khác nhau. Nhưng các bậc phụ huynh muốn trực tiếp tôi kèm con em họ, nên thường thì những đề xuất, giới thiệu của tôi với anh/chị chỉ dừng lại được ở mức tham khảo

Với các bạn gia sư, giáo viên muốn tìm lớp đi dạy để kiếm thêm thu nhập thì tôi không thể lấy uy tín cá nhân ra giới thiệu, đảm bảo được. Vì con đường tôi chọn có lẽ không phải là con đường phù hợp với các bạn chỉ quan tâm đến việc nhận lớp để gia tăng lợi ích kinh tế. Tôi không bàn đến tốt xấu, đúng sai ở đây vì ai cũng cần mưu sinh và đôi khi con người ta khao khát kiếm tiền bởi họ đang trong giai đoạn cần tiền hoặc cảm thấy thích việc kiếm tiền. Có lẽ các bạn thuộc nhóm này sẽ phù hợp với những hình thức đào tạo đại trà hơn và tôi tin nhu cầu này vẫn luôn tồn tại trong xã hội nếu các bạn biết tìm đến đúng chỗ, đúng người.

Đối với việc kèm một nhóm 5 – 7 bạn, tôi nghĩ đó là một ý tưởng tích cực đối với việc dạy học, đào tạo và cũng có những cá nhân, tổ chức đang hoạt động theo mô hình này khá hiệu quả. Việc tạo nhóm có thể giúp tôi nhận được nhiều học sinh hơn và theo đó, học phí tôi nhận được cũng sẽ nhiều hơn. Tôi nghĩ cách tư duy này thiên về hiệu suất và đôi bên có thể cùng có lợi.

Tuy nhiên với tôi, “chi phí” không phải là động lực chính khi tôi chọn gắn bó với giáo dục. Tôi tin rằng những ai lựa chọn làm việc trong lĩnh vực y tế, giáo dục, quốc phòng thì lợi ích không nên là động lực chính của họ. Bởi nếu chúng ta muốn kiếm nhiều tiền thì có thể phấn đấu trở thành doanh nhân. Một doanh nhân giỏi, làm ăn chân chính cũng tạo phúc cho muôn nhà.

Trong khi đó, người thầy thuốc mà vì tiền thì sẽ không coi bệnh nhân là người, người binh sĩ mà vì tiền, thì ai cũng có thể mua sức mạnh và tính mạng của họ, còn người làm giáo dục mà vì tiền thì sẽ tạo ra một thế hệ không có tư duy nhưng lại đầy bằng cấp. Phẩm giá y sĩ, binh sĩ, nhà giáo không nằm ở khối tài sản họ sở hữu vì chức phận của họ là nghiệp, không hoàn toàn là nghề. Do đó, tôi nghĩ nếu họ có nhiều tài sản thì cũng tốt, nhưng nếu họ có ít tài sản thì có lẽ cũng không đáng chê trách nếu họ hoàn thành trọn vẹn chức nghiệp mà xã hội phân công/do bản thân tự chọn.

Tôi không ghét tiền và tôi khuyến học chứ không “khuyến nghèo” hay ngăn chặn mộng ước làm giàu chính đáng (tôi thường nhắc học sinh của mình chú ý đến tài chính). Tôi vẫn nhận học phí tùy tâm theo mức gia đình học sinh gửi nhưng tôi cảm thấy không cần thiết phải nỗ lực kiếm nhiều hơn mức bản thân và gia đình mình cần.

Một nhóm học sinh có thể tạo ra khác biệt về số lượng, nhưng về chất lượng thì tôi không dám chắc mình có thể kèm được 5 bạn như 1 bạn. Về phía học sinh của tôi, một nhóm học đông vui có thể là nơi rất tốt để các bạn vui chơi, giao tiếp, có động lực học hành, cạnh tranh nhưng chưa chắc đã là nơi các bạn cảm thấy an toàn để bộc lộ con người thực và những tâm sự đang cất giấu trong lòng.

Có bạn đã từng bộc bạch với tôi “Ở trường em là một con người, về nhà em lại là con người khác”. Tôi thấy bạn nói đúng. Trên sân khấu cá nhân được phân vai/tự chọn vai, nhưng sau sân khấu, phần còn lại của cá nhân đó thường bị chối bỏ. Ở giữa đám đông, không phải ai cũng có thể can đảm sống thật với bản chất của mình.

Trong một buổi trò chuyện về giáo dục, có chị nhà văn đã nhận xét kiểu dạy học của tôi giống với việc thu nhận các đệ tử. Tôi thấy lối so sánh này khá thú vị, hóm hỉnh mà hình như lại còn mang thêm màu sắc tâm linh nữa. Tôi không theo đạo nào, vì tôi nghĩ nhân đạo là đủ. Mặc dù vậy, tôi không có ý tự nhận mình là “sư phụ” của ai và hiện tại tôi cũng chưa muốn khởi xướng một trường phái gì đó riêng biệt, quy mô. Vì nhân loại đã có quá nhiều cái riêng rồi nên điều tôi hướng đến là quay về cái chung.

Hơn nữa, không theo học tôi đôi khi lại là điều hay cho các bạn trẻ. Bởi nếu không theo học tôi, các bạn học sinh có thể sẽ có tư duy nhanh nhạy, hiện đại hơn, mang tính cạnh tranh, cập nhật các tiến bộ công nghệ gắn với hơi thở của cuộc sống hơn. Tôi thường hình dung mình là một phiên bản lỗi thời, thích học những thứ xưa cũ, hay đọc sách cũ, nếp sống giản dị và trân trọng một đời sống bình lặng hơn là làm nên những công trạng lớn lao.

Với tiềm năng và khát vọng tuổi trẻ, các bạn theo học tôi thì có thể sẽ hơi lạc điệu và không được như cha mẹ kỳ vọng. Tôi tin các bạn học sinh thế hệ mới có rất nhiều cơ hội phát triển nếu tìm đến những người hướng dẫn nhạy bén hơn tôi.

Tôi còn có một hạn chế nữa là hiếm khi nặng lời, đưa ra những mệnh lệnh rõ ràng và không ép các bạn học sinh làm điều các bạn chưa muốn. Cách tiếp cận này có thể nhân văn, nhưng chưa chắc sẽ hoàn toàn tốt cho các bạn thanh thiếu niên. Bởi sự trân trọng này có thể không phù hợp với những bạn thiếu động lực, đã có một thời gian dài được nuông chiều, đang đặt ra và muốn chinh phục những mục tiêu cụ thể trong cuộc sống hoặc các bậc phụ huynh thích định hướng, đề cao cách làm việc thẳng thắn kèm theo những hiệu quả rõ rệt có thể đo lường được trong ngắn hạn.



Để kết lại bài viết, tôi xin dẫn lại đôi điều mình từng chia sẻ trước đây:

“Tôi quan tâm đến nền tảng đạo đức và thực lực của học sinh. Có lẽ điều này bắt nguồn từ nhận thức chủ quan của tôi: đánh giá con người dựa trên đạo đức và thực lực. Vậy nên cách tiếp cận của tôi sẽ chưa chắc phù hợp với những cuộc đua thành tích hay những ý tưởng tìm đến lối đi tắt để nhanh chóng đạt được mục đích.

Do đó, tôi không phải là một gia sư chuyên luyện thi và cũng không hứa hẹn bất kì điều gì với gia đình và học sinh. Họ cần tự xác định được bản thân cần gì và đôi khi học cách chấp nhận rằng tiềm năng, thực lực và khát vọng không phải lúc nào cũng trùng khớp. Tôi cũng không có ý định giúp cha mẹ cai quản con cái tốt hơn hay con cái dựa dẫm vào cha mẹ nhiều hơn. Tôi tin rằng có lẽ sẽ tốt hơn khi đôi bên tự khai phóng và khai phóng cho nhau.

Không đua nên đương nhiên sẽ không có thành tích, không có thành tích thì khó khoe khoang- vì thực lực là sự thành công ở bên trong, không phải bên ngoài. Không đi tắt đương nhiên sẽ lâu, lâu thì dễ sinh ra chán nản, sốt ruột- vì đạo đức là sẵn sàng lựa chọn nhân phẩm thay vì ích lợi không chính đáng.

Tôi biết ơn các bậc phụ huynh và các bạn học sinh đã tin tưởng, chấp nhận đồng hành cùng tôi trên hành trình này. Thành quả giáo dục là điều tất yếu sẽ đến và người biết chờ đợi là người có thể nhận được quả ngọt.”

Bài viết có thể khá dài, vì đây là vấn đề tôi băn khoăn trong lòng tương đối lâu. Trước khi quyết định làm hoặc không làm việc gì, tôi thường hay nghĩ ngợi như vậy. Vì tôi biết dù tôi có được gọi là “thầy” đi chăng nữa, thì tôi vẫn có thể sai, vẫn có thể lầm lẫn và vẫn còn nhiều điều cần phải học.

Tôi biết ơn các bậc phụ huynh, các em học sinh đã tin tưởng và mong rằng cuộc sống cho tôi nhân duyên với những gia đình phù hợp.

 

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

[Review Phim] Thiên tài bất hảo (Bad Genius)

[Review Sách] Dịch Hạch

[Chia sẻ] Cảm nghĩ sau khóa học Áp dụng các lý thuyết căn bản vào thực hành tham vấn và trị liệu tâm lý