[Review Sách] Thiên Táng

 Với tôi, câu chuyện đời của nữ nhân vật Thư Văn trong tác phẩm “Thiên Táng” của nhà văn Hân Nhiên là thông điệp về tình yêu, chiến tranh và đức tin.

 


Sau khi đọc “hảo nữ Trung Hoa”, tôi có mong muốn đọc tiếp cuốn sách “Thiên Táng”. Với các tác phẩm của Hân Nhiên, bạn đọc có cơ hội thấu hiểu những góc cạnh trong thế giới nội tâm của người phụ nữ. Tôi nghĩ phụ nữ là một điều bí mật và tâm sự của họ là bí mật trong những điều bí mật.

Hân Nhiên đã may mắn khi được lắng nghe Thư Văn bộc bạch về cuộc đời lạ lùng của bà. Bạn đọc có thể thấy cuộc đời ấy rất bi tráng, thậm chí có phần đáng ngưỡng mộ. Nhưng là con người, tôi nghĩ không ai muốn chấp nhận sự đau khổ và đơn độc để được vài lời khen. Thông thường, con người thà rằng thực dụng một chút, ích kỷ một chút để hưởng chút hoan lạc ngắn ngủi còn hơn nhận được sự kính phục đến từ xung quanh.

May mắn làm sao, cuộc đời chưa đến nỗi quá buồn tẻ khi vẫn có những con người chọn cách sống khác. Hành trình của họ đã khơi lại những cảm xúc vị tha mà phần đông nhân loại vị kỷ hầu như đã quên lãng. Sự đau khổ của họ không hề vô nghĩa mà là lời nhắc nhở cho chúng ta về những phẩm chất tốt đẹp của con người.

Ngoài gây ra chiến tranh, đầu độc môi trường, vơ vét cho thỏa lòng tham, cao ngạo và u mê, hóa ra cũng vẫn còn những con người trong số chúng ta biết yêu và sẵn lòng chung thủy với tình yêu cao thượng ấy bằng một đức tin mãnh liệt.

Tình yêu

Mối tình đẹp của Khả Quân và Thư Văn nảy nở ở trường y. Mối tình ấy đơm hoa với một đám cưới giản dị. Sau ba tuần hạnh phúc đầu tiên và cũng là cuối cùng trong đời sống vợ chồng, họ phải chia xa mãi mãi khi Khả Quân bị điều đi Tây Tạng- nơi đang có chiến sự ác liệt. Tình yêu đơm hoa của họ không còn cơ hội kết trái khi Thư Văn nhận được giấy chứng tử của Khả Quân. Nhưng tình yêu mãnh liệt cô dành cho người chồng của mình đã bác bỏ mọi thông tin mà mảnh giấy oan nghiệt đưa tới. Thư Văn quyết tâm lên đường đi Tây Tạng, mặc cho rất nhiều người căn ngăn.

Thời điểm Thư Văn ra vào khoảng những năm 1958, tuyến đường từ Trung Quốc đến Tây Tạng còn hết sức hiểm trở. Ở đó, người Trung Quốc và quân đội tự nhận đi giải phóng của họ vẫn đang phải gánh chịu sự phản kháng dữ dội từ người dân Tây Tạng. Nhưng vì chồng, cô chấp nhận đi vào chỗ mà người khác chỉ muốn rời đi.

Tấm chân tình ấy cho Thư Văn sức mạnh, nhưng cũng khiến cô tạm quên đi sự thực khốc liệt của chiến tranh mà qua những lời nhắn nhủ ngắn gọn từ người đồng chí Vương Lượng, dần dần trở thành sự thực:

“Chiến tranh không cho cô thời gian nghiên cứu và cũng chẳng cho cô cơ hội thích nghi đâu”, Vương Lượng nhận xét dứt khoát, khi anh đứng lên đi vòng quanh bàn đến chỗ Văn. “Nó vạch ra các lằn ranh rõ ràng của tình yêu và lòng thù hận giữa con người. Tôi chưa bao giờ hiểu các bác sĩ sẽ xử lý thế nào khi phải lựa chọn giữa trách nhiệm nghề nghiệp và mệnh lệnh quân đội. Bất kể chuyện gì xảy ra chăng nữa, hãy nhớ một điều: chỉ sống được thôi cũng là chiến thắng rồi.” (trang 35)

Trong đời mình, Thư Văn không còn gặp lại Vương Lượng để nói lời cảm ơn. Nhưng tôi tin hơn 30 năm ở lại Tây Tạng trong cuộc hành trình ròng rã của mình, những lời khuyên này đã giúp cô cầm cự được cho đến khi thấy điều mình cần thấy- dù không hề muốn thấy.



Chiến tranh và đức tin

Cuộc kiếm tìm của Thư Văn sau đó đã chất chứa khắc nghiệt của tất cả những bi ai trong đời: chiến tranh, thời gian, nỗi cô đơn, cuộc sống khổ cực, thời tiết khắc nghiệt và hy vọng song hành cùng thất vọng.

Dường như thử thách luôn dồi dào ở mảnh đất Tây Tạng. Tôi chợt nghĩ liệu người dân Tây Tạng sùng tín như vậy có phải bởi vì đó là con đường sống duy nhất của họ hay không? Không có đức tin, dân tộc này sẽ không thể đủ nghị lực tồn tại.

Thư Văn may mắn gặp được những người bạn tốt Tây Tạng. Nhưng cô không thể tìm thấy thông tin của Khả Quân ngay lập tức và cũng chưa thể trở về khi chưa xác minh được cái chết của anh.

Từ một người quan sát, Thư Văn dần trở thành người tham dự vào đời sống của người Tây Tạng. Rất tự nhiên, câu thần chú “Án ma ni bát mê hồng” dần dần xuất hiện trên môi cô vào những khoảnh khắc trọng đại.

Cuộc đời Thư Văn ở mảnh đất xa lạ, kề bên những con người xa lạ với không gian và thời gian dường như bất tận đã khiến cô không còn nhận biết được sự biến đổi của năm tháng. Thư Văn là người tìm kiếm nhưng cô lại mất phương hướng trong chính cuộc tìm kiếm của mình. Sự mơ hồ thì khủng khiếp hơn rất nhiều so với một thông tin tuy đau lòng nhưng chính xác.

Những bánh xe mani tiếp tục quay, ngọn gió tiếp tục thổi, cảnh sắc tiếp tục luân phiên qua các mùa. Cô vẫn không ngừng tìm kiếm, băng qua hơn 30 năm cuộc đời và cả 13 ngọn núi thiêng của mảnh đất Tây Tạng.

Cuối cùng thì Thư Văn cũng tìm ra lời giải, mảnh ghép cuối cùng còn thiếu trong sự mất tích bí ẩn của Khả Quân chính là tục “Thiên táng” trong tín ngưỡng của người Tây Tạng:

“Các lạt ma của tu viện trong vùng đến để tiễn vong linh người chết đi, và trong khi các lạt ma tụng kinh để cho hồn siêu thoát, vị chủ lễ thiên táng thổi kèn sừng, đốt lửa dâu tằm để dụ kền kền tới rồi xẻ cái xác ra, đập vỡ xương theo trình tự quy định từ trước theo nghi lễ. Xác được xẻ theo nhiều cách khác nhau tùy theo nguyên nhân chết, nhưng dù chọn cách nào đi nữa, các đường dao không được phạm một lỗi nào, nếu không thì ngạ quỷ sẽ tới đánh cắp linh hồn.” (trang 162)

Khả Quân đã không thể trở về bên Thư Văn. Nhưng lòng chung thủy, tình yêu mãnh liệt của đã giúp cô tìm ra nơi an nghỉ cho mối nhân duyên ngắn ngủi giữa hai người. Thư Văn không oán trách Khả Quân hay trời đất, cô tặng cho mảnh đất khô cằn này những giọt nước mắt của mình. Những năm tháng ở Tây Tạng đã chuẩn bị cho cô đủ điềm tĩnh để đối mặt với kết cục này bằng đức tin trong lời cầu nguyện: “Án ma ni bát mê hồng”.  

Chiến tranh, thời gian, nỗi cô đơn, cuộc sống khổ cực, thời tiết khắc nghiệt và hy vọng song hành cùng thất vọng đã chấm dứt. Bánh xe mani của cuộc đời Thư Văn vẫn quay, trong khi Khả Quân đã trở thành tảng đá mani âm thầm bất động.

Điều đã xảy ra, tôi xin dành tặng bạn đọc tự khám phá. Trước khi tạm kết bài, tôi chỉ còn chút cảm nghĩ về mảnh đất Tây Tạng.

Tôi từng khá tò mò về mảnh đất này khi đọc các cuốn sách của tác giả Nguyên Phong (như “Hành trình về phương Đông”, “Đường mây qua xứ tuyết v.v.). Những vị lạt ma thần thông với truyền thống tôn giáo đặc biệt kèm theo phong tục huyền bí của họ có sức hấp dẫn rất lớn.

Với “Thiên táng”, tôi nhận ra sức mạnh to lớn nhất của xứ Tây Tạng không phải nằm ở những truyền thuyết, mà nằm ở đức tin. Trong thế giới có nhiều biến động như hiện nay, đức tin mãnh liệt của họ đúng là phép màu.

Thay cho lời kết

“Thiên táng” không đơn thuần là cuốn tiểu thuyết đọc để giải trí. Cuốn sách là chứa đựng những trầm tư của cuộc đời, về câu hỏi luôn bỏ ngỏ vì có quá nhiều câu trả lời về bản chất con người.

Một trong những câu trả lời đó được xem là hợp lý- nhưng cũng vẫn có thể bị coi là điều vô lý nếu thay đổi cách nhìn nhận. “Thiên táng” có thể nằm giữa ranh giới ấy, giữa một nửa hợp lý và một nửa phi lý. Nhưng với tôi điều thú vị là chỉ trong mỗi thứ một nửa ấy, con người mới có thể tồn tại khi còn giữ trong mình chữ “tình”.

“Nhưng tại sao bà lại tới đó?” Tôi hỏi. “Vì cái gì?”

“Vì tình yêu”, bà trả lời giản dị, rồi lại nhìn xa xăm qua tôi lên bầu trời quang đãng bên ngoài. (trang 13)

Cách để Thư Văn sinh tồn qua bấy nhiêu đau thương chính là sống. Cách sống khôn ngoan nhất hóa ra lại đơn giản nhất: sống từng ngày. 

 

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

[Review Sách] Tiến trình thành nhân

[Review Phim] Thiên tài bất hảo (Bad Genius)

[Review Sách] Dịch Hạch