[Review Sách] Tâm lý dân tộc An Nam

 “Tâm lý dân tộc An Nam” của Paul Giran là tác phẩm ghi chép về những đặc điểm tâm lý dân tộc An Nam ở giai đoạn đầu thế kỷ XX. Tôi nghĩ đây là một cuốn sách tham khảo thú vị, mang đến cùng lúc cả cơ hội suy ngẫm và phản biện cho người đọc.



“Tâm lý dân tộc An Nam” ra đời nhằm mục đích phục vụ cho tầng lớp cai trị. Thời điểm (đầu thế kỷ XX, cụ thể là năm 1904) và bối cảnh (nhân danh “khai hóa văn minh”, thực dân Pháp xâm lược Việt Nam) của cuốn sách này gắn với quá trình khai thác thuộc địa của thực dân Pháp.

Là một quan chức cai trị thuộc địa Pháp, Paul Giran đã thẳng thắn thừa nhận mục đích của nghiên cứu này:

“Ngày nay, rõ ràng để cai trị tốt một dân tộc, trước tiên phải học hỏi tìm hiểu, phải biết rõ, phải thấu đáo tâm hồn, thần minh của họ” (trang 28). 

Với vai trò phụng sự nhà cai trị, cộng thêm tinh thần nương theo lý thuyết khuếch tán văn hóa, phân ra sự cao thấp trong văn hóa và đồng nhất “khai hóa văn minh” và “cai trị tốt”, cuốn sách này thấm đẫm nhận thức đến từ các động cơ chủ quan, vị lợi, mang tính ngộ nhận “bề trên”. Nhưng vẫn không quên chất lãng mạn theo kiểu Pháp với lời đề tặng đầu tập sách của tác giả: “Dành tặng vợ yêu, cộng tác viên tận tâm của anh”. 

Tuy nhiên, cá nhân tôi nghĩ vẫn có những nội dung giá trị, đáng để chúng ta lưu tâm. Bởi các nhà dân tộc học người Pháp có một ưu điểm là thường dành thời gian điền dã, khảo sát thực địa thay vì lựa chọn lối “nghiên cứu ghế bành” (ngồi một chỗ đọc sách rồi viết các công trình). “Tâm lý dân tộc An Nam” có những sự thực mà đến nay vẫn đang thực sự tồn tại trong đặc điểm tâm lý của chúng ta, mà ở phần sau của bài review này, chúng ta sẽ cùng nhau đối diện.

Để nhận được giá trị tích cực từ sách, bạn đọc nên có những kiến thức căn bản về văn hóa - con người Việt Nam. Cá nhân tôi nghĩ đối tượng độc giả phù hợp tối thiểu cũng là các sinh viên thuộc khối ngành học xã hội nhân văn. Thêm vào đó, bạn đọc cũng cần duy trì tư duy phản biện, thay vì thâu nạp thông tin một cách ồ ạt, thiếu chủ kiến.

Cuốn sách khoảng gần 200 trang, được chia làm hai phần chính: “Đặc điểm quốc gia” và “Tiến hóa của dân tộc An Nam”. Bản sách tôi đọc được phát hành bởi thương hiệu Omega Plus, nằm trong “Tủ sách hiểu Việt Nam qua tư liệu Pháp ngữ”.

Những thông tin cần suy xét

Điểm đầu tiên, Paul Giran khẳng định về bản chất của người An Nam vốn dửng dưng và thơ ơ (trang 61) là điều đầu tiên mà chúng ta cần xem xét. Bởi sự dửng dưng và thơ ơ của người An Nam với thực dân Pháp là điều hoàn toàn bình thường. Nếu họ nồng nhiệt chào đón những con người xa lạ đến đánh chiếm đất nước mình với điệu bộ trịch thượng, thì mới bất thường.

Lịch sử của người An Nam gắn liền với công cuộc giữ nước gian truân, phải liên tục vật lộn giữa chiến tranh, đô hộ, mưu toan đồng hóa, tự chủ rồi lại chiến tranh. Nên tâm thế tất yếu của họ sẽ thiên về sự cảnh giác trước những kẻ ngoại tộc. Những đối tượng sẵn sàng mang vũ khí đàn áp, tàu to súng lớn đến để thay đổi cuộc sống tự nhiên của họ dĩ nhiên sẽ không dễ dàng nhận được thiện cảm. Tự thân người An Nam thường cũng không có nhu cầu gần gũi hay chia sẻ cảm nghĩ thực sự của mình với những người xung quanh.

Bên cạnh đó, đặc điểm tính cộng đồng và tính tự trị trong các làng xã rất cao, càng tạo ra thêm khoảng cách phòng thủ với thế giới bên ngoài. Vì vậy, các nhà nghiên cứu không phải lúc nào cũng có thể thâm nhập, tìm hiểu xem bản chất của cộng đồng này thực sự là gì, nếu chưa bỏ ra thời gian, công sức để nhận được sự tín nhiệm. Vậy nên tôi nghĩ kết luận về bản chất của người An Nam của Paul Giran ở đây đang phiến diện, có phần vội vàng.

Điểm thứ hai, trong quá trình khảo sát, nghiên cứu, không phải lúc nào tác giả Paul Giran cũng hiểu thấu đáo, khách quan những điều ông thấy. Một phần nguyên nhân đến từ sự đồng cảm tương đối lớn của ông với nhận xét của các nhà nghiên cứu đi trước (ví dụ như Alfred Fouillée, Gustave Lebon). Điều này giúp ông tự tin vào các phán đoán của mình hơn, thoải mái khi viện dẫn cơ sở cho những lý giải của bản thân hơn. Nhưng cũng chính điểm này, ở đôi chỗ đã khiến ông xa rời thực tế và các ý nghĩa thực sự ẩn sau các sự kiện hơn.

Tiêu biểu cho lối tiếp cận chủ quan, ông nhận xét:

“Những câu tục ngữ xuất hiện rất nhiều ở An Nam, chúng ở nơi cửa miệng, được treo trên cửa và tường nhà. 

Một thể loại khác cũng rất phổ biến là ca dao; tuy nhiên, giá trị của loại này rất kém, dạng thức các bài hát luôn khá thô”. (Trang 127)

Ở phần chân trang, người biên tập sách đã chú thích thêm rằng có lẽ tác giả Paul Giran đã nhầm lẫn giữa tục ngữ/thành ngữ với các câu đối. Điều này nảy sinh nghi vấn trong tôi là ông có thực sự trò chuyện với người chủ nhà để tìm hiểu những điều ông thấy không? - hay chỉ lững thững đút tay vào túi quần, nhìn ngang ngó dọc một hồi rồi chắp bút viết. Bởi thường thì con mắt của một lữ khách du lịch sẽ khác với con mắt của một nhà nghiên cứu. Mặc dù, tôi thấy ý tưởng treo tục ngữ, thành ngữ thay cho câu đối cũng khá thú vị.

Nhận xét của ông về ca dao cũng theo lối mòn của hệ quy chiếu về “giá trị” (thường được hiểu đơn giản là “sự tiện nghi”- tính chất thực dụng điển hình của nhà tư bản). Ông liên tục so sánh những giá trị văn hóa nội sinh của người An Nam với các giá trị của người Âu. Từ “ăn, mặc, ở” đến các sáng tạo tinh thần đều bị đánh giá là thô sơ, yếu kém. So sánh khập khiễng, mang tính chất phân biệt này đã tạo nên khoảng trống tương đối lớn- bởi có lẽ trong ông, đôi lúc nhà nghiên cứu phải im lặng để nhường lời cho nhà cai trị.

Mặc dù vậy, Paul Giran vẫn có những khám phá đáng chú ý trong đặc điểm tâm lý của dân tộc An Nam.



Những khám phá cần suy ngẫm

Tôi sẽ không bàn luận nhiều vào các mặt tích cực, mặc dù tác giả có đề cập đến. Chẳng hạn như ông nhận thấy dân tộc An Nam có tính bền bỉ và sức chịu đựng phi thường, khả năng thích nghi, bắt chước rất ấn tượng.

Điều khiến tôi quan tâm là những khám phá đã từng đúng và đến nay, dường như tôi vẫn thấy đúng, dù chúng là những trở lực ngăn cản sự phát triển, rất đáng bị loại bỏ.

“Người An Nam không kiên định. Họ bắt đầu vô cùng hăng hái một công việc hợp ý họ, họ khởi đầu tốt trong bất kỳ nghề nào; nhưng sau một vài tháng, nhiều nhất là vài năm, họ mệt mỏi, chán ghét, bỏ bê công việc và thường bỏ ngang nghề của mình, dù sau này vẫn phải làm tiếp khi nghèo đói. Người An Nam không có sự kiên trì, họ không thích quy tắc: họ thích hành sự tùy hứng, không nhất quán, không suy nghĩ thấu đáo.” (trang 86).

Đây đúng là những “viên thuốc đắng”, nhưng dù mất lòng, đó vẫn là sự thực. Đặc biệt trong lĩnh vực nghề nghiệp, chúng ta có thể dễ nhận thấy tư tưởng “làm gì cũng được, miễn là kiếm ra tiền” đang dần dần trở nên phổ biến hơn, kéo theo là tình trạng “nhảy việc”, ào ạt rủ nhau khởi nghiệp rồi lại lũ lượt theo nhau chơi chứng khoán, tiền ảo và thậm chí là liều lĩnh “hớt ngọn”: tự trở thành các “chuyên gia” hay các “nhà đầu tư” mà không hề có kinh nghiệm, kiến thức thực sự. 

Hiếm người nào chú tâm làm tròn, bồi dưỡng chức nghiệp đến mức tinh thông mà luôn canh cánh tư tưởng rẽ ngang, đi tắt để gia tăng thu nhập. Thậm chí đôi lúc chấp nhận bỏ bê chuyên môn và sự chuyên nghiệp. Tôi nghĩ đặc điểm tâm lý này chính là lý do khiến một bộ phận không nhỏ hiếm khi đạt được những thành tựu sự nghiệp bền vững.

Ở người An Nam, trái lại, biếng nhác là một tình trạng bình thường; năng động, mới là điều bất thường. Ý chí cùn nhụt của họ chỉ có thể thể hiện theo một hướng: thụ động (trang 86)

Điểm tiếp theo Paul Giran đã nhận xét đúng và đáng buồn là hiện tại vẫn đúng với một bộ phận nhất định. Sự thụ động gặm nhấm con người và đưa họ đến với những lựa chọn dễ dàng ở thời điểm trước mắt, nhưng là khởi đầu tất yếu cho hành trình gian khó sau này. Tôi nhận thấy tâm lý chung ở các tập thể vẫn phảng phất bóng dáng của sự chờ đợi, lối chờ đợi theo kiểu “chờ đợi Godot” (vở kịch của Samuel Beckett, có nội dung chính kể về hai người đàn ông chờ đợi một nhân vật không quen, rất có thể là không có thật, tên Godot. Kết thúc vở kịch thì Godot không đến): đợi vì người khác cũng đợi, đợi cho mọi việc tự xảy đến, tự qua đi, đợi có ai đó cứu vớt cuộc đời hay nói rõ cho bản thân biết là cần phải làm gì.

Cờ bạc, như chúng tôi đã nói, là cám dỗ không thể cưỡng lại với người An Nam (trang 92)

Đây là điểm cuối cùng tôi muốn dẫn ra để bạn đọc cùng suy ngẫm. Cờ bạc là tệ nạn xã hội dễ nhận ra, nhưng tôi cho rằng thứ tư duy ẩn đằng sau tệ nạn ấy mới là điều đáng sợ: ham làm giàu nhanh, quen “ăn xổi ở thì”, “được ăn cả, ngã về không”. 

Trong xã hội đương đại, tư duy cờ bạc này khiến rất nhiều người lâm vào cảnh thân bại danh liệt, xa rời sự đường hoàng tử tế và lối làm ăn chân chính trong cuộc sống.

Để kết lại bài review này, tôi muốn lưu giữ một nhận định rất sáng suốt mà tôi nghĩ mình cần tiếp thu và học hỏi từ Paul Giran trong các hoạt động nghiên cứu về văn hóa giáo dục:

Sự tiến hóa tình cảm có liên kết chặt chẽ với sự tiến hóa trí tuệ. Duy nhất, chỉ trong các phương pháp phân tích, cần thiết cho mọi nghiên cứu tâm lý, chúng ta mới tách ra những yếu tố vốn dĩ luôn kết hợp với nhau trong tự nhiên (trang 82)

Thay cho lời kết

Một vài cảm nghĩ của tôi về “Tâm lý dân tộc An Nam” có lẽ đôi chỗ sẽ thiên về “cảm” hơn là “nghĩ”. Vậy nên tôi mong bạn sẽ trực tiếp tìm đọc.

Thông qua tác phẩm, tôi tin bạn đọc sẽ được dịp “ôn cố tri tân”. Nếu nhìn nhận tích cực, thì chúng ta thật may mắn khi có ai đó dành thời gian, công sức nghiên cứu để tìm ra những ưu điểm và quan trọng hơn là các khuyết điểm để chúng ta kịp thời nhận thức, sửa chữa. 

Nếu quan tâm về đặc điểm của dân tộc và muốn có thêm các góc nhìn giá trị (nghe người nước Nam nói về xứ An Nam), thì bạn đọc nên tìm hiểu thêm các tác phẩm căn bản của các học giả trong nước như: “Việt Nam văn hóa sử cương” (Đào Duy Anh), “Việt Nam phong tục” (Phan Kế Bính), “Văn minh Việt Nam” (Nguyễn Văn Huyên), “Hội hè lễ tết của người Việt” (Nguyễn Văn Huyên), Cơ sở văn hóa Việt Nam (Trần Quốc Vượng), Cơ sở văn hóa Việt Nam (Trần Ngọc Thêm).

Mỗi dân tộc đều có lịch sử. Trong đó gồm có cả những trang sử vẻ vang và những chương hồi ảm đạm. Quá khứ luôn có nhiều bài học bổ ích, nhưng hiện tại mới cung cấp các cơ hội để chúng ta có những hành động thay đổi, vươn đến sự hoàn thiện hơn.

 

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

[Review Sách] Khởi hành – Lời khuyên sinh viên Việt Nam

[Review Sách] Lolita

[Review Sách] Trò chuyện với vĩ nhân