[Giáo dục] Nuôi dạy con cần cả những tri thức dân gian

 Nhờ sự phát triển của công nghệ mà những triết lý, phương pháp giáo dục trẻ trên toàn thế giới đang ngày càng trở nên phong phú, dễ tiếp cận hơn. Tuy nhiên, để giáo dục trẻ được hoàn thiện cả kiến thức lẫn nhân cách thì các bậc cha mẹ cũng cần phải vun đắp cho con từ những kinh nghiệm giáo dục bổ ích mà cha ông ta để lại. 

Phương pháp giáo dục hiện đại thôi chưa đủ

Ngày nay, nhiều bậc phụ huynh đã chủ động tìm tòi, học hỏi phương pháp nuôi dạy con trên thế giới, như: phương pháp nuôi dạy con kiểu Mỹ; phương pháp nuôi dạy con kiểu Nhật; phương pháp nuôi dạy con kiểu Do Thái... Các đơn vị, trường học trong nước cũng dần chú trọng đi theo những phương thức giáo dục cụ thể từ các nhà giáo dục như: Maria Montessori, John Dewey, Rudolf Steiner, Makoto Shichida v.v.

Với phương pháp giáo dục hiện đại thì lợi ích trẻ nhận được là thu nạp được nhiều kiến thức tiên tiến, sớm phát triển năng lực ngoại ngữ, tin học và có tiềm năng trở thành công dân toàn cầu. Nhưng mặt hạn chế của nó là chi phí dành cho giáo dục khá lớn; trẻ có thể hờ hững với các giá trị truyền thống; hình thành lối sống thiếu trách nhiệm; nhiều trẻ chưa thành thạo việc đọc, viết bằng tiếng mẹ đẻ (Tiếng Việt) là điều rất đáng lo ngại.

Trong quá trình dạy học cho trẻ, tôi được biết 2 trường hợp đáng tiếc như sau: Gia đình chị X (phường Kim Liên, quận Đống Đa, Hà Nội) có con gái 10 tuổi tên M cho biết sau khi con theo học tiểu học ở trường quốc tế, gia đình chị nhận thấy con biết nói Tiếng Anh rất nhanh. Ban đầu, gia đình rất phấn khởi. Nhưng cha mẹ mừng chưa bao lâu đã thành lo lắng khi thấy M nói chuyện với các thành viên trong gia đình hầu hết bằng Tiếng Anh. Gợi ý con nói Tiếng Việt thì nhiều từ con sử dụng chưa được thành thạo. Kết thúc bậc tiểu học, gia đình chuyển con sang trường công lập và mùa hè năm đó M đã phải đi học lại tiếng Việt. Tại đây, M chật vật trong việc thích nghi với bài giảng của cô giáo bằng Tiếng Việt. Ngược lại, giáo viên, bạn bè cũng khó hiểu được M vì thỉnh thoảng em vẫn có thói quen diễn đạt lẫn lộn bằng hai thứ tiếng Việt - Anh.

Gia đình anh B (phường Định Công, quận Hoàng Mai, Hà Nội) thì gặp phải bất đồng trong phương hướng giáo dục con. Vợ anh từng đi du học Nhật Bản nên đánh giá cao các phương pháp giáo dục nền nếp kiểu Nhật. Trong khi đó, là một doanh nhân, anh B lại xem trọng tính thực dụng của phương pháp giáo dục con kiểu Mỹ. Hai vợ chồng thường xuyên xảy ra mâu thuẫn về cách dạy con và điều này khiến cho con trai của anh chị chỉ cảm thấy thoải mái khi được đi chơi riêng với bố hoặc mẹ. Bởi nếu cả gia đình đi cùng nhau thì thường xảy ra tranh cãi giữa cha mẹ về cách ứng xử của con. Nếu cậu bé làm theo bố thì mẹ giận, còn nếu nghe lời mẹ thì bố không vui. Dần dần, N chọn sang nhà ông bà vào cuối tuần, tránh đi cùng cha mẹ. Đến lúc này, anh chị vẫn tiếp tục tranh luận xem lỗi thuộc về ai?

Hai trường hợp trên là những ví dụ về cách nuôi dạy con theo phương pháp hiện đại. Có thể cũng do thiếu sự sâu sát, bổ trợ cho con những kinh nghiệm giáo dục truyền thống của gia đình nên kết quả giáo dục của các bé ở trên chưa được như mong muốn.



Kinh nghiệm giáo dục truyền thống

Trong khi mải miết chạy theo những thứ mới mà các bậc cha mẹ quên mất những kinh nghiệm giáo dục từ tri thức dân gian. Không phải điều gì xưa cũ cũng lạc hậu. Mà ngược lại, qua sự kiểm chứng của thời gian, bên trong những câu ca dao, tục ngữ, thành ngữ thì tri thức này vẫn còn nguyên giá trị. Xin được giới thiệu một số câu đúc kết kinh nghiệm giáo dục để các bậc phụ huynh cùng tham khảo:

“Cây xanh thì lá cũng xanh, cha mẹ hiền lành để đức cho con”: Bậc cha mẹ sống lương thiện, đạo đức thì thường sinh con ra sẽ khỏe mạnh, sáng dạ. Con cái cũng có những đặc điểm giống cha mẹ và thường xuyên học hỏi cách ứng xử của cha mẹ trong những năm tháng trẻ thơ. Trẻ cũng có thể nhờ phước đức của cha mẹ mà được gặp thầy hay, bạn hiền chỉ bảo.

“Uốn cây từ thuở còn non, dạy con từ thuở con còn ngây thơ”: Giáo dục con người bắt đầu càng sớm càng tốt. Điều này không có nghĩa là phải hà khắc hay nhồi nhét kiến thức vào đầu trẻ. Cha mẹ nên kiên trì, chú ý giúp con sai đâu sửa ngay tại đó. Tránh lối suy nghĩ “nó còn bé thì biết gì” rồi để mặc cho những thói quen xấu của con phát triển - khi thói xấu thành tính xấu thì rất khó sửa chữa.

“Lạt mềm buộc chặt”: Dạy dỗ là sự kết hợp của khoa học và nghệ thuật, lúc khoan lúc nghiêm, lúc cương lúc nhu. Đặc biệt là trong bối cảnh nhận thức của trẻ phức tạp hơn trước đây, nhạy cảm, dễ gặp phải các rối nhiễu cảm xúc thì cha mẹ lại càng cần tinh tế trong việc giáo dục con bằng sự gần gũi và dựa vào sự gần gũi để giáo dục con.

“Học ăn, học nói, học gói, học mở”: Trước khi học những thứ cao xa, đạt được huy chương hay chứng nhận quốc tế thì trẻ cần được hướng dẫn từ những thứ bé nhỏ nhưng rất căn bản trong đời sống thường ngày như: lễ phép, chăm chỉ, trung thực, ăn uống chừng mực, biết giữ gìn vệ sinh. Nếu cha mẹ để mặc trẻ phát triển theo bản năng, chỉ quan tâm đến việc con học giỏi, có thành tích thì về lâu dài nhận thức của trẻ sẽ bộc lộ vấn đề, khiến thành tựu khó bền vững.

“Muốn biết phải hỏi, muốn giỏi phải học”: Bồi dưỡng đức tính ham học hỏi cho trẻ ngay từ khi còn nhỏ rất quan trọng. Bởi lớn lên nếu trẻ ham chơi hơn ham học thì rất khó dạy - vì trẻ nhanh chán nản, ngại khó, dễ mất tập trung. Cha mẹ cần làm gương cho con trong hoạt động học tập và thường xuyên khuyến khích trẻ đặt ra những câu hỏi để nâng cao năng lực tư duy.

“Một kho vàng không bằng một nang chữ”: Cha mẹ nên từng bước giáo dục trẻ về giá trị của tri thức thay vì của cải. Bởi nếu trẻ coi trọng của cải hơn học thức thì sẽ hình thành tính nết phù phiếm, ham lợi trước mắt, làm giàu bằng mọi giá, coi thường người nghèo nhưng lại bợ đỡ người giàu. Cần giảng giải để trẻ hiểu tài sản là thứ tất yếu sẽ đến nếu con chú trọng bồi dưỡng tri thức, đạo đức của bản thân.

  • Bài viết có sử dụng hình ảnh minh họa từ unsplash.com

 

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

[Chia sẻ] Chuyện 05 năm freelance

[Review Sách] Lịch Sử Loài Ong

[Chia sẻ] 12 cuốn sách ấn tượng năm 2024