[Giáo dục] Cùng con sử dụng thiết bị công nghệ: “Dạy con từ thuở còn thơ”
Các thiết bị công nghệ thông tin và tiện ích chúng mang lại đang ngày càng đi sâu vào đời sống. Để đảm bảo trẻ có thể khai thác những giá trị tích cực và giảm thiểu những ảnh hưởng tiêu cực, cha mẹ nên đồng hành, hướng dẫn khi con sử dụng các thiết bị này.
Thực trạng đáng lưu tâm
Dù đến trường hay ở nhà, đi ăn cùng gia đình hay đi chơi cùng bè bạn, ngày nay chiếc điện thoại thông minh đã trở thành vật bất ly thân của con trẻ. Mặt tích cực là các em có cơ hội tiếp xúc với công nghệ sớm hơn, có nhiều nguồn thông tin để phục vụ cho hoạt động học tập, kết bạn, giải trí hơn.
Tuy nhiên các trường hợp trẻ em và thanh thiếu niên gặp vấn đề sức khỏe tâm thần cũng gia tăng đáng kể: Rối loạn tăng động giảm chú ý (ADHD), trầm cảm, rối loạn lo âu, lạm dụng chất, nghiện game, hành vi tự hại, hành vi tự sát v.v.
(Theo vtv.vn) Bà Miriam Gardner - Bác sĩ Nhi khoa, Bệnh viện Đại học Iowa, Mỹ: "Xem màn hình nhiều không chỉ khiến thị lực trẻ suy giảm mà mối lo lớn hơn nằm ở việc trẻ giảm thời gian vận động và ảnh hưởng phát triển nhận thức".
Bên cạnh đó, trẻ em xem thiết bị số nhiều sẽ có trí nhớ kém hơn so với khả năng ghi nhớ sâu của các bạn đồng trang lứa, dành nhiều thời gian học tập hơn. Não bộ của nhóm trẻ này tiếp nhận thông tin theo hệ thống và lưu trữ chúng ở vỏ não trước trán. Nơi thông tin được lưu trữ sâu hơn.
Ông Alvaro Bilbao - Tiến sĩ tâm lý học thần kinh: "Trẻ thường xuyên xem điện thoại, máy tính bảng hoặc TV có xu hướng trở nên dễ cáu kỉnh. Cùng với đó, khả năng chú ý, ghi nhớ và tập trung trở nên kém hơn. Xem điện thoại khiến trẻ em không cảm thấy buồn chán. Mà sự buồn chán lại là yếu tố cần thiết để thúc đẩy sự sáng tạo của con trẻ".
Một đề tài nghiên cứu về tâm lý giáo dục ở 14 quốc gia của UNESCO đã chỉ ra rằng, dù chỉ ở gần thiết bị di động cũng có thể khiến học sinh mất tập trung và có tác động tiêu cực đến việc học.
Khuyến nghị dành cho cha mẹ
Trong Khóa tập huấn “Sức khỏe tâm thần học đường” do Đoàn TNCS Hồ Chí Minh Trường Đại học Y Hà Nội phối hợp cùng Bộ môn Tâm thần và Trung tâm Hoa Kỳ tổ chức, ThS. BSNT. Nguyễn Thị Hoa, Bộ môn Tâm thần– Đại học Y Hà Nội, Viện Sức khỏe Tâm thần– Bệnh viện Bạch Mai đã chia sẻ những lưu ý sau khi cho trẻ tiếp xúc với các thiết bị công nghệ:
- Đối với trẻ dưới 03 tuổi: Không cho trẻ tiếp xúc với điện thoại thông minh, tivi, máy chơi game và Internet.
- Đối với trẻ từ 03 đến 06 tuổi: Trẻ có thể tiếp xúc với điện thoại thông minh, tivi tối đa 20 phút một ngày, có người lớn bên cạnh.
- Đối với trẻ từ 06 đến 09 tuổi: Trẻ có thể tiếp xúc với điện thoại thông minh, tivi, máy chơi game tối đa 40 phút một ngày, có người lớn bên cạnh.
- Đối với trẻ từ 09 đến 12 tuổi: Trẻ có thể tiếp xúc với điện thoại thông minh, tivi, máy chơi game, Internet tối đa 60 phút một ngày, người lớn có thể giám sát từ xa.
- Đối với trẻ từ 12 tuổi trở lên: Trẻ có thể tiếp xúc với điện thoại thông minh, tivi, máy chơi game, Internet tối đa 90 phút một ngày, người lớn có thể giám sát từ xa.
Bên cạnh đó, chứng nghiện game, lạm dụng Internet là điều đáng quan ngại nhưng có thể chỉ là bề nổi của tảng băng chìm. Tác giả từng đồng hành với một học sinh trầm cảm, thường xuyên bị cha mẹ phàn nàn là nghiện game. Trong tình huống này, nghiện game không phải là vấn đề cần giải quyết ngay mà trầm cảm (có kèm theo hành vi tự hại và nỗ lực tự sát) mới là yếu tố gia đình và nhà trị liệu nên ưu tiên giải quyết trước.
Đôi khi chơi game, trò chuyện với bạn bè trên mạng xã hội là nguồn vui duy nhất níu giữ các bạn trẻ có khó khăn về tinh thần tiếp tục sống sót. Cha mẹ cần tinh tế xử lý dần từng vấn đề, ưu tiên trước sau, thay vì vồ vập cấm đoán rồi lại khóc lóc ân hận khi mất con.
Tóm lại, nếu muốn trợ giúp sức khỏe tinh thần cho con, các bậc phụ huynh không nên chỉ tập trung vào giải pháp mà cần đầu tư thời gian tìm hiểu, suy ngẫm về nguyên nhân. Trị bệnh mà chỉ tìm kiếm giải pháp, không hiểu thấu đáo nguyên nhân thường làm vấn đề thêm nghiêm trọng, cha mẹ và con cái xa cách nhau.
“Phòng bệnh hơn chữa bệnh”, cha mẹ không nên đợi con nghiện game, lạm dụng Internet rồi mới cấm, mà cần dành thời gian trò chuyện thường xuyên với con, chơi cùng con. Nếu con thích game và truy cập Internet thì nên tìm hiểu xem tựa game con thích là gì (vì game có nhiều thể loại), con hay sử dụng Internet vào mục đích gì và giới hạn thời gian chơi/sử dụng các thiết bị công nghệ cụ thể, nhất quán, phù hợp với lứa tuổi.
Trong trường hợp cần can thiệp để giúp con thì nên giảm thời gian dần dần thay vì đưa ra mệnh lệnh, giải thích mềm mỏng nhưng rõ ràng cho con hiểu (kèm theo lấy bản thân làm gương) vì sao con cần chơi game có chừng mực, tránh lạm dụng Internet rồi bỏ bê hoạt động phát triển bản thân, xây dựng các mối quan hệ lành mạnh, tận hưởng niềm vui sống trong đời thực.
Với kinh nghiệm làm việc trong vai trò gia sư kiêm cố vấn cho thanh thiếu niên, tác giả nhận thấy trò chuyện, hướng dẫn trẻ cần tôn trọng, kiên nhẫn, chân thành như người bạn lớn tuổi đáng tin cậy- thay vì người ra lệnh cho các em.
Nếu nhận thấy trẻ đã rơi vào tình trạng nghiện game/lạm dụng thiết bị công nghệ, cha mẹ cần đưa con đến thăm khám sớm nhất tại các phòng tham vấn tâm lý, bệnh viện để được các nhà tham vấn, bác sĩ có chuyên môn, đạo đức giúp đỡ.
- Bài viết có sử dụng hình minh họa từ unsplash.com
Nhận xét
Đăng nhận xét