Tọa đàm ra mắt sách “Biểu tượng, phù hiệu và đồ thờ của người An Nam”


Ngày 22.02.2025 tại Phòng 307, Trung tâm Thông tin Thư viện, Trường Đại học Văn hóa Hà Nội, 418 đường La Thành, Đống Đa, Hà Nội đã diễn ra buổi Tọa đàm ra mắt sách “Biểu tượng, phù hiệu và đồ thờ của người An Nam”. Sự kiện do Công ty Văn hóa & Truyền thông Nhã Nam phối hợp cùng Viện Pháp tại Hà Nội và Trung tâm Thông tin Thư viện - Trường Đại học Văn hóa Hà Nội tổ chức.



Nội dung

Sự kiện được dẫn dắt bởi hai diễn giả: Nhà nghiên cứu Trần Trọng Dương với chuyên môn về Hán học, Nôm học và nghiên cứu văn hóa cổ truyền Việt Nam cùng Tiến sĩ Mai Anh Tuấn, là một nhà phê bình điện ảnh - văn học và hiện đang giảng dạy tại Trường Đại học Văn hóa Hà Nội.

Phần mở đầu, hai diễn giả đã khẳng định đóng góp của Gustave Dumoutier trong nghiên cứu biểu tượng, dân tộc học và văn hóa dân gian ở nước ta. “Biểu tượng, phù hiệu và đồ thờ của người An Nam” là một trong số những tài liệu đáng lưu tâm của ông.

Công trình khảo cứu này không dừng lại ở việc ghi chép mà còn đi sâu vào tìm hiểu ý nghĩa của những biểu tượng nổi bật trong văn hóa Á Đông như: Âm dương, bát quái, hà đồ, lạc thư, chữ Phúc, chữ Thọ, long tranh hổ đấu v.v. Mà theo hai diễn giả, mỗi biểu tượng, phù hiệu lại ẩn chứa những lớp trầm tích văn hóa khác nhau. Điển hình như biểu tượng “Long tranh hổ đấu” nếu nhìn qua lăng kính Nho giáo sẽ khác so với lăng kính Đạo giáo.

Từ đây, cuộc trò chuyện tập trung vào biểu tượng với giá trị cốt lõi là kết tinh của văn hóa. Hệ thống các biểu tượng được bồi đắp, củng cố qua thời gian và được cấp nghĩa bởi cộng đồng. Không những cung cấp thông tin chi tiết, tác phẩm còn một điểm sáng là được trình bày bằng ký tự kèm theo hình ảnh minh họa và chú thích rõ ràng để giúp người đọc dễ hình dung hơn về các biểu tượng. Quá trình dịch thuật tác phẩm giá trị này cũng tiêu tốn rất nhiều công phu và thời gian.

Buổi tọa đàm đã thu hút được sự tham dự của không ít bạn trẻ là sinh viên đến từ các trường đại học. Ngoài những câu hỏi mang tính nghiên cứu như “Làm thế nào để phân biệt giữa phù hiệu và biểu tượng?”, “Hà đồ và lạc thư là gì?”, sự kiện còn ghi nhận được mối quan tâm của khán giả đến việc bảo tồn các giá trị văn hóa của người Việt trong bối cảnh ngày nay.



Tác giả và tác phẩm

Gustave Dumoutier là một trong những học giả am tường nhất về xứ Đông Dương, một người cộng sự đáng kính của Viện Viễn Đông Bác cổ Pháp với những khảo cứu nổi trội về khảo cổ học, địa lý học lịch sử, dân tộc học và truyền thống dân gian.

Ngoài “Biểu tượng, phù hiệu và đồ thờ của người An Nam”, Gustave Dumoutier còn có nhiều tác phẩm khảo cứu giá trị và nổi tiếng, trong đó nhất định phải kể đến “Tang lễ của người An Nam”. Đời người có hai tập tục được xem là quan trọng nhất là hôn lễ và tang lễ. Trong khi hôn lễ, cùng với các nghi lễ của “sự sống” được rất nhiều tác giả trong và ngoài nước chọn khai thác thì đề tài về tang lễ - đại diện cho “sự chết” lại có phần khiêm tốn hơn. Trong số ít các cuốn sách đề cập đến tập tục này, “Tang lễ của người An Nam” được coi là một trong những công trình công phu và toàn diện nhất.

“Biểu tượng, phù hiệu và đồ thờ của người An Nam” là công trình khảo cứu ghi chép và diễn giải nhiều biểu tượng từ quen thuộc đến xa xưa như: Phúc và thọ, âm dương, rồng, hà đồ, lạc thư, long mã, hạc đậu lưng rùa, phượng, ngữ phúc, bát quái, long hổ đấu… và nhiều hình tượng khác.

Đi kèm diễn giải về ý nghĩa, học giả người Pháp Gustave Dumoutier còn ghi chép những ứng dụng của các biểu tượng này trong đời sống tín ngưỡng và thờ cúng của người Việt, những niềm tin và những điều kiêng kị. Nguồn gốc của những biểu tượng này cũng được nghiên cứu kỹ càng, đối chiếu với sử sách và được chú thích cặn kẽ để độc giả tiện tra cứu trong quá trình đọc.

 

 

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

[Review Sách] Lịch Sử Loài Ong

[Review Phim] Warrior (Giang hồ phố Hoa) 

[Review Phim] Coraline