Về người mẹ

 Sau khi viết về người cha, tôi chưa thể viết tiếp được ngay về mẹ của mình. Có lẽ bởi cùng cánh đàn ông với nhau, tôi hiểu cha mình nhanh chóng hơn. Trong thời gian này, mẹ vẫn luôn là người gần gũi, chăm sóc tôi. Đặc biệt, lòng bao dung của mẹ có ảnh hưởng rất nhiều đến tôi, khi tôi lựa chọn theo con đường giáo dục.



Tôi nhớ lúc sinh thời, ông ngoại tôi thỉnh thoảng lại nhắc tôi phải thương mẹ. Tôi nghĩ ẩn sau lời khuyên ngắn gọn, ông có tâm sự nhưng chưa muốn nói hết với đứa cháu lúc ấy chỉ ham chơi, thích sang ông bà để được uống sữa đậu nành như tôi. Rồi ông ngoại hiền từ của tôi cũng mất. Bà lại tiếp tục thay ông nhắc lại điều này với tôi và dì tôi cũng vậy. Trí óc non nớt của tôi vẫn chưa hiểu được ngay vì sao mọi người lại thường nhắc tôi nhớ điều ấy, hình như mọi người nghĩ mẹ tôi đáng thương.

Mẹ là một người phụ nữ có vóc dáng bé nhỏ. Không có gì nổi bật cả về sự nghiệp lẫn dáng vẻ bề ngoài. Mẹ cũng không phải là người sở hữu nhiều tài sản, đọc nhiều sách hay có năng khiếu buôn bán tháo vát. Nhưng mẹ lại là người có thể đèo tôi đi học cho đến khi tôi học lớp 7 (tôi biết đi xe đạp khá muộn) dù theo năm tháng, dần dần tôi cứ ngày càng to béo hơn mẹ. Đến lúc không đèo nổi tôi nữa, mà lại cũng không biết đi xe máy thì mẹ dẫn tôi đi bộ sang thăm ông bà. Thói quen đi bộ đã ăn sâu vào tôi từ đó. Tôi cảm thấy hạnh phúc khi mẹ luôn có thời gian dành cho mình.

Rồi tôi học hành, đi làm. Trên hành trình ấy, lúc nào cũng có sự quan tâm, cảm thông từ mẹ. Mẹ tôi không nghiêm khắc như bố, thậm chí nhiều lúc còn bao che cho những lầm lỗi, điểm kém, thói ham chơi của tôi. Ngẫm lại, đáng lẽ theo kinh nghiệm dân gian, tôi sẽ trở thành một dạng “con hư tại mẹ”. Nhưng may mắn là điều ấy đã không xảy ra.

Tôi nghĩ rằng khi một ai đó tốt bụng và quan tâm đến mình một cách chân thành, sâu sắc thì mình không thể trở thành người xấu nổi. Và tôi lớn lên giữa một bên là triết lý “thương cho roi cho vọt” của bố và một bên là sự “thương cho ngọt cho bùi” của mẹ. Giờ ngồi viết lại đôi dòng, tôi chợt nhận ra mình đã may mắn biết bao khi ngẫu nhiên có được sự giáo dục hài hòa như vậy- dù bố mẹ tôi không qua trường lớp nào về giáo dục hay tâm lý học.

Tiếp đó, tôi lại có duyên gặp thầy hay bạn hiền chỉ bảo, đọc những cuốn sách, xem những bộ phim giá trị và được không ít người tin tưởng tâm sự các bài học trên đường đời cho tôi nghe, để giúp tôi dần dần mở mang đầu óc, gia tăng vốn sống. Tôi tự hiểu năng lực của mình ở mức trung bình, học chậm, không tính toán nhanh nên càng cần trân trọng cơ hội học hỏi. Và các cơ hội ấy đến với tôi thường đúng lúc tôi cần. Bố tôi nói “Do tổ tiên phù hộ con”. Tôi còn nghĩ thêm rằng: “Phúc đức tại mẫu” nữa. Vì nếu không có một người mẹ chịu nhiều thua thiệt trong cuộc sống, nhẫn nại và yêu thương tôi như vậy, thì tôi không thể thành người có đức chứ chưa bàn đến việc có tài.

Cứ mỗi năm trôi qua, tôi lại từ cảm giác thương chuyển sang kính phục mẹ. Gia đình tôi không phải giàu sang, nên tôi hiểu bố mẹ tôi đã rất nỗ lực nuôi tôi ăn học. Dù khó khăn, nhưng tôi nhận thấy bố mẹ luôn cố gắng hết sức để dành những điều, mà với mọi người có thể là đơn giản và nhỏ bé, nhưng với tôi hết sức vĩ đại. Mẹ tôi cũng không phải là người khéo léo trong ăn nói, ứng xử nên giao thiệp xã hội cũng có hạn. Mẹ sống như đất. Mà hạnh của đất theo như những gì tôi nhớ khi đọc cuốn “Đường xưa mây trắng” là mộc mạc, nhẫn nhịn, đón nhận tất cả.

Tôi tin rằng cha mẹ chính là những bậc thầy đến để dạy con cái cách làm sống sao cho nên người giữa dòng đời rối ren. Mà theo Phật giáo thì có thể họ chính là những vị Bồ tát đã diệt ngã chấp để sống vì lý tưởng cao hơn bản thân, soi đường chỉ lối cho chúng sinh u mê, cố chấp. Theo ngôn ngữ đời thường hơn, họ chỉ đơn giản là cha, là mẹ với thiên chức vô cùng cao quý, sẵn sàng cho đến những điều cuối cùng (không chỉ vật chất, mà còn cả kinh nghiệm sống) và yêu thương con vô điều kiện. Bậc cha mẹ không đòi hỏi ở con lòng biết ơn, bởi nếu họ thực tâm trao cho con tình yêu thương một cách sáng suốt thì theo năm tháng con cái sẽ tự nhiên gửi lại. Nhưng nếu chưa trao cho con điều ấy, thì họ cũng không thể đòi hỏi tình thương như là một món nợ con cái phải trả. Giống như khi người nông dân thực lòng đổ mồ hôi chăm sóc, bảo vệ, yêu thương một mầm cây thì họ không cần phải nhắc nhở hay thúc giục cây đơm hoa kết trái.


Một buổi sáng cách đây vài ngày, mẹ nói với tôi mẹ cảm thấy bản thân thật kém và chẳng làm được gì, đến cái điện thoại cũng học mãi mà chưa biết dùng. Tôi đã nói “Mẹ là một người mẹ thành công”. Vì mẹ đã không chọn danh vọng, sự nghiệp hay tiền bạc mà chọn dành thời gian, tâm sức tập trung nuôi dạy tôi. Để hiện tại, dù tôi chưa có thành tựu gì xuất sắc nhưng cũng có định hướng tích cực, cố gắng hướng thiện, sống có ích cho đời, cho xứng đáng với công sức bố mẹ nuôi dạy.

Mẹ tôi chỉ cười. Tôi nghĩ mẹ cảm thấy vui. Hẳn là mẹ hài lòng lắm. Những năm gần đây mẹ tôi không minh mẫn như trước. Nhưng mẹ vẫn lạc quan, vui vẻ và yêu đời. Mẹ giờ hồn nhiên như trẻ thơ. Lại nhờ có bố, có dì tôi bầu bạn nên mẹ cũng cảm thấy khuây khỏa. Đây cũng là điểm tôi càng thêm ngưỡng mộ bố và dì mình, bởi mẹ có ra sao, bố và dì tôi vẫn chấp nhận, yêu thương mẹ theo cách riêng. Bà ngoại tôi và các bác tuy ở xa nhưng vẫn quan tâm đến mẹ. Tôi hiểu mọi người thương mẹ vì trong tâm họ có tính thiện, khi thấy người mẹ lương thiện của tôi thì họ đồng cảm. Có một câu chuyện nho nhỏ khiến tôi cảm thấy vui và an tâm hơn nữa khi mẹ không có tôi bên cạnh. Mẹ kể dù mẹ đi mua phở, mua cháo hay đi chợ mua đồ ăn thì người bán hàng luôn cho mẹ nhiều miếng ngon, mà lại bán rẻ hơn.

Dù không minh mẫn thì bản năng nuôi con của mẹ tôi vẫn rất mãnh liệt, vẫn lo tôi bị đói, vẫn nhắc nhở tôi nên quý trọng sức khỏe. Đến đoạn này thì tôi cũng không biết dùng lời lẽ nào diễn đạt thêm nữa.

Chắc mẹ tôi sẽ không đọc bài viết này, vì mẹ không dùng mạng xã hội. Tôi cũng không muốn Internet lấy đi sự bình an nơi tâm hồn của cha mẹ trong những năm tháng dưỡng già. Nhưng với những điều tôi chia sẻ về mẹ mình, tôi mong muốn bày tỏ lòng biết ơn đối với người mẹ bé nhỏ nhưng khiến tôi khâm phục suốt đời. Với tôi, mẹ không hề đáng thương mà đáng kính. Có lẽ ông ngoại và bác tôi trên cao cũng an tâm về mẹ. Vì không chỉ có tôi, mà mọi người xung quanh đều yêu thương, trân trọng mẹ. Không phải bởi mẹ có quyền cao chức trọng hay lắm tiền nhiều của. Mà bởi mẹ là một người mẹ bình dị, lương thiện như biết bao bà mẹ Việt Nam.

 

 

 

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

[Review Sách] Lịch Sử Loài Ong

[Chia sẻ] Chuyện chiếc điện thoại

[Review Phim] Warrior (Giang hồ phố Hoa)