[Sách Nhã Nam] Tọa đàm sách “Đế chế ký hiệu”: Nhật Bản từ lăng kính ký hiệu học

“Cuốn sách “Đế chế ký hiệu” phần nào giúp độc giả hiểu về ký hiệu học và vai trò của ký hiệu học trong nghiên cứu văn hóa - xã hội. Ký hiệu học có đặc trưng là khơi lên chiều sâu thay vì mô tả tính chất bề mặt. Nhờ kiến thức này mà quá trình phân tách, giải nghĩa các hiện tượng văn hóa – xã hội trở nên sâu sắc, thấu đáo hơn” – PGS, TS, nhà phê bình Đỗ Lai Thúy chia sẻ tại buổi tọa đàm ra mắt sách “Đế chế ký hiệu” vừa qua tại Hà Nội. 



Độc giả Việt Nam từng biết đến một số tác phẩm nổi bật của Roland Barthes như: “Những huyền thoại” (Mythologies), “Những yếu tố ký hiệu học” (Éléments de sémiologie), “Cái chết của tác giả” (La mort de l'auteur), “Độ không của lối viết” (Le degré zéro de l'écriture) và mới đây nhất là cuốn “Đế chế ký hiệu” (L'Empire des signes). 

“Đế chế ký hiệu” là tác phẩm giúp bạn đọc hiểu thêm Nhật Bản, dù qua lăng kính ký hiệu học thì sách không dễ đọc, nhưng có thể đọc lại nhiều lần để nghiền ngẫm, giải mã ý tứ của tác giả.

Bằng trải nghiệm thực tế, Tiến sĩ Nguyễn Quyên cho biết tính chất nhiều lớp trong văn hóa Nhật Bản được thể hiện ngay ở những điều rất nhỏ bé. Như khi chị bóc giấy gói kẹo thường sẽ thấy có rất nhiều lớp để chứa đựng một chiếc kẹo bên trong. Tính chất “cái biểu đạt” quan trọng hơn “cái được biểu đạt” còn hiện hữu trong các sự vật mà tác giả đề cập đến trong “Đế chế ký hiệu”.

Đọc “Đế chế ký hiệu”, chị nhận thấy cách tiếp cận văn hóa – xã hội Nhật Bản từ những sự việc đời thường của Roland Barthes mang dấu ấn rõ nét của một nhà nghiên cứu am hiểu lý thuyết, biết khai thác thực tiễn với khả năng quan sát nhạy bén.

Phó Viện trưởng Viện Nhân học Văn hóa Phạm Minh Quân chia sẻ: Văn hóa – xã hội Nhật Bản là một đề tài đã thu hút nhiều nhà nghiên cứu. Trong đó phải kể đến Ruth Benedict với công trình “Hoa cúc và thanh kiếm” đã được xuất bản tại Việt Nam. Điểm chung của các cuốn sách tìm hiểu về văn hóa Nhật Bản là thường được đón nhận quan điểm trái chiều, cả đồng thuận và phản kháng. Bởi độc giả mang tư duy độc lập hoàn toàn có quyền đặt ra nghi vấn về những nội dung được trình bày qua góc nhìn chủ quan từ các tác giả phương Tây - liệu cuốn sách có phải thực sự là văn hóa – xã hội Nhật Bản được tái hiện một cách thuần túy?

Phó Viện trưởng Phạm Minh Quân tin rằng bạn đọc có thể đến với “Đế chế ký hiệu” bằng cảm nghĩ của chính mình. Đó là một quá trình đầy thử thách nhưng cũng rất sáng tạo, độc lập khi vượt thoát khỏi câu chữ để đến với ý tưởng mà tác giả Roland Barthes gợi mở.

Buổi tọa đàm kết thúc vừa vặn với thời gian dự kiến sau khi nhận được câu hỏi từ các khán giả. Trong tiết trời đông lạnh lẽo, sức hấp dẫn của chương trình đã thu hút đông đảo người tham dự, mang theo không khí ấm áp ngập tràn căn phòng.

 


Tác giả và tác phẩm

Roland Barthes (1915-1980) là nhà ký hiệu học, nhà hậu cấu trúc luận, nhà phê bình văn học nổi tiếng người Pháp. Ông được coi là một trong những người đặt nền móng cho chủ nghĩa cấu trúc và ký hiệu học Pháp. Các tư tưởng của Roland Barthes đã ảnh hưởng đến sự phát triển của nhiều trường phái lý thuyết, bao gồm cấu trúc luận, ký hiệu học, lý thuyết xã hội và hậu cấu trúc luận.

Năm 1970, sau khi đến Nhật một thời gian theo một chương trình hợp tác văn hóa, Roland Barthes viết “Đế chế ký hiệu”, trong đó ông diễn giải những gì mình quan sát được và sự hiện diện hầu như khắp nơi của các ký hiệu trong đời sống thường ngày của người Nhật nói chung và Tokyo nói riêng.

“Đế chế ký hiệu” được nhiều nhà nghiên cứu về Roland Barthes coi là một trong những kiệt tác và bước ngoặt quyết định trong sự nghiệp của ông. Theo Roland Barthes, Nhật Bản là đất nước của ký hiệu và chữ viết. Tên sách có thể được hiểu theo nghĩa Nhật Bản là đất nước mà các ký hiệu ngự trị, “làm vua”. Bên cạnh đó, “đế chế” cũng mang hàm ý về chế độ quân chủ vẫn hiện hành ở Nhật.

* Bài đăng trên Dân Sinh

 

 

 

 

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

[Review Phim] Thiên tài bất hảo (Bad Genius)

[Review Sách] Dịch Hạch

[Chia sẻ] Cảm nghĩ sau khóa học Áp dụng các lý thuyết căn bản vào thực hành tham vấn và trị liệu tâm lý