[Review Sách] Lolita

 Ý tưởng đầu tiên đến với tôi khi viết bài review cuốn “Lolita” của Vladimir Nabokov là âm vang câu nói “Người ta thường được khen hoặc bị chê nhưng ít khi được hiểu”.



Tôi mua cuốn sách này theo gợi ý từ một người anh học cùng lớp Cao học (nếu thường đọc bài của tôi, bạn sẽ thấy đàn anh này rất hay xuất hiện trong các chủ đề liên quan đến sách). Anh khuyên tôi nên đọc “Lolita” nhưng lạ lùng thay cũng khuyên tôi không nên đọc quá 20 trang một ngày. Việc mua sách không khó, nhưng việc đọc nó thật sự có lẽ cần đến cơ duyên. Tôi mua “Lolita” và rồi sáu năm sau tôi bắt đầu đọc. Đến lúc đọc thì tôi mới phần nào hiểu vì sao “Lolita” và những gì liên quan đến Lolita- từ các nhân vật tưởng tượng trong khuôn khổ tác phẩm cho đến những con người là tác giả, dịch giả ngoài đời thực, lại thường được đề cập tới ở dạng những câu hỏi để ngỏ.

Họ là những câu hỏi mà ai cũng muốn góp phần trả lời chỉ để kết luận. Điều này giống với việc các nhà sưu tập thích dùng tấm kính “định kiến” của mình ép những cánh bướm khô để trưng bày. Nhưng có lẽ một cánh bướm đang còn sống mới diễn tả được vẻ đẹp đích thực của nó. Bằng cách sưu tập bướm, người ta giết chết nó, thêm bên cạnh chiếc xác khô của nó vài dòng mô tả rồi trình bày về nó hùng hồn như thể sinh vật tội nghiệp ấy vẫn đang còn sống.

Lolita không phải “Dâm thư”

Ít nhất với tôi, tiểu thuyết “Lolita” không phải là “dâm thư” hay mang màu sắc gợi dục. Tác phẩm cũng không phải thuộc kiểu thăng hoa của nghệ thuật mà những đầu óc bình phàm chẳng thể chạm tới.

Nếu đã đọc trọn vẹn tác phẩm và tiếp nhận một cách có suy nghĩ, tôi tin sẽ ít ai dám khẳng định “Lolita” có nội dung lệch lạc. Cũng có trường hợp tin “Lolita” thuần túy mang màu sắc tình dục, nhưng có thể do đọc nhưng không hiểu gì nên họ vội vàng quàng bừa một chiếc nhán dãn cho xong việc hoặc họ chỉ đang thông qua tác phẩm để gọi tên những dục năng của bản thân bị dồn nén (có lẽ tác giả Nabokov sẽ không thích lối diễn giải mang xu hướng Phân Tâm Học này của tôi nhỉ?).

Dục năng là thứ xung năng cực kỳ mạnh mẽ và nguyên thủy của con người. Do đó nó không thể đủ dai dẳng và tinh tế như sự thống nhất nơi khao khát, đối lập với mâu thuẫn của hành vi, trong tâm trí nhân vật Humbert Humbert (H. H.). Anh ta có học thức, tiếng tăm – tài sản mỗi thứ một chút, ngoại hình lôi cuốn và đáng thương thay, luôn mộng tưởng gần gũi các “tiểu nữ thần” (các bé gái này thường được chọn theo tiêu chí riêng của anh ta). Anh ta có đầy đủ điều kiện để hạnh phúc, nhưng như bạn đọc đã biết, anh ta đã chọn phương án bất hạnh cho đời mình. Bạn đọc thấy lựa chọn này có gì khác người không? Thực ra anh ta rất con người và rất giống với chúng ta.

H. H. có một đam mê tội lỗi. Tự anh ta biết đó là tội lỗi nhưng anh không thể từ bỏ và cũng không thể nhờ người khác giúp đỡ. Những ảo ảnh, ý nghĩa điên cuồng thiêu đốt anh ta- vừa đủ để anh ta không chết nhưng cũng đủ để anh không thể sống bình thường. Cảm giác của H. H. giống như cầm trong tay trái tim nóng bỏng của mình, cảm nhận từng cơn bóp nghẹn bỏng rát và ngửi thấy mùi da thịt cháy nhưng không thể buông ra.

Thế rồi anh gặp Lolita- cô bé Dolores và người mẹ góa bụa. Theo luân lý thì kẻ xấu phải bị trừng trị, nhưng vì sao người chết lại là mẹ của cô bé, mà không phải H. H. ? Tác giả đang cố gắng nói với chúng ta điều gì trong chi tiết ấy? Ông là chúa tể trong thế giới của riêng mình, nhưng tại sao vị chúa tể này lại định đoạt cho H. H. quyền được sa đọa?

Chỉ có H. H. biết “Điều đó chẳng có gì là lạ! Tôi đã thực sự gặp tác nhân của số phận” (trang 118)

Một kẻ luôn đắm chìm trong ý nghĩ thì khó có thể tận hưởng được khoái lạc của việc làm tình. Nếu thừa nhận một cách đau đớn hơn, hắn ta chỉ có thể làm tình với những ý nghĩ và hình ảnh do bản thân tạo ra. H. H. chính là như vậy. Một quý ông đáng thương và bất lực. Anh ta đối lập hoàn toàn với hình ảnh nam chính lúc nào cũng hừng hực ham muốn, được phóng đại về mọi thứ như trong các tác phẩm gợi tình thường mô tả.

Do đó nếu đang tìm những ngôn từ để giải tỏa bản năng, thì tôi nghĩ bạn nên tránh xa “Lolita”, vì đây không phải một cuốn “dâm thư”. Có lẽ mở ra rồi bạn sẽ quên đi ý nghĩ giải tỏa của mình và rồi ngồi thừ ra để suy nghĩ thay vì thực hiện hành vi riêng tư như ý định ban đầu.

Cuốn sách là ghi chép của một con người sập bẫy vì bản năng, bị đồng loại ghê sợ nhưng vẫn chấp nhận đồng loại và bản năng của chính mình. H. H. hiểu họ hơn họ hiểu bản thân mình, trong khi họ tưởng rằng họ hiểu anh thì thực ra anh đang cười thầm – vì đến bản thân anh còn chẳng hiểu anh là thứ gì.

Cho dù nhân vật được yêu thích này nọ có trải qua những diễn triển như thế nào giữa hai bìa cuốn sách, số phận họ vẫn cố định trong tâm trí chúng ta, và tương tự như vậy, chúng ta chờ đợi các bạn mình cũng theo cái mô hình lo-gic và ước lệ này nọ mà ta đã ấn định cho họ. (trang 305)

…cũng không phải áng văn bất hủ

Ý tôi không phải là tác phẩm không hay. Nếu đọc quá 20 trang một ngày thì bạn sẽ không dừng lại được. Tôi đã bỏ qua lời khuyên quý giá này và đọc trung bình khoảng 90 trang một ngày. H. H (hay đúng hơn là Nabokov) là một nhân vật thú vị. Anh ta thông minh, hoang tưởng, có phần biến thái nhưng lại không kém hài hước. Cuộc đời anh ta đúng là một vở bi hài kịch do anh ta dàn dựng.

Nhưng anh ta cũng không phải là một nhân vật bất hủ và hành động của anh ta thậm chí còn bị coi là hủ hóa nữa. Viết về ham muốn hủ hóa bằng văn phong nửa hư nửa thực, có chút cợt nhả nên tôi nghĩ “Lolita” sẽ không vừa vặn lắm với mỹ từ “áng văn bất hủ”.

Bạn đọc sẽ khó nén cười khi đọc câu: Anh yêu em. Anh là một con quái vật năm chân, nhưng anh đã yêu em. (trang 327)

Và cũng có cả những phút thở dài khi tới câu: Tôi thầm mớm cho em (“Ảnh làm tan nát tim em. Ba thì chỉ làm tan nát đời em thôi.”) (trang 320)

Một vở “Người đẹp và Quái vật” kết thúc không có hậu, vốn không phải là cổ tích nên gần gũi với sự dang dở của đời thực. Nhưng đó là điều đã diễn ra trong “Lolita”. Người đẹp rồi sẽ khác, sẽ không còn đẹp nhưng có lựa chọn riêng cho cuộc đời mình. Còn quái vật sẽ bị giam cầm trong tù ngục lạnh lẽo và chết trong đơn độc.



Một cái tên là đủ cho một tác phẩm

“Không”, tôi nói, “em hiểu sai hoàn toàn rồi. Ta muốn em bỏ cái tay Dick qua đường của em và cái xó xỉnh ghê sợ này mà đến sống cùng ta, và chết cùng ta, và chia sẻ tất cả mọi sự cùng ta” (đại ý là như vậy). (trang 320)

Bạn đọc có thể thấy tôi đặc biết chú ý tới phần H. H. gặp lại Lolita sau này, khi cô đã có chồng và đang mang thai. Cuộc gặp này cho chúng ta thêm hiểu biết để nhận ra việc kết luận H. H. là một kẻ “ấu dâm” thật vội vàng. Hành vi của anh ta có thể giống với những kẻ ấu dâm, nhưng cách ứng xử chu toàn của anh ta và cảm xúc không bao giờ vơi cạn của anh với Lolita ở những giai đoạn khác nhau trong cuộc đời cho chúng ta thấy sự thực phức tạp hơn nhiều.

Lolita đã không trốn khỏi H. H. từ đầu, vì cô bé nhận thấy H. H. thực sự quan tâm tới cô. Khác với mẹ ruột của cô, luôn coi cô là một mới rắc rối đe dọa những phút an yên của đời bà. Đọc Lolita với sự điềm tĩnh sẽ giúp các bậc phụ huynh nhận thấy rất nhiều điều, không chỉ về thủ đoạn của những kẻ có ham muốn ám ảnh với trẻ em, mà còn cho thấy trẻ em đôi lúc đơn độc ra sao trong chính căn nhà của mình.

Nếu muốn bảo vệ trẻ em khỏi những kẻ xấu, thì cần hiểu cả trẻ em lẫn những kẻ xấu ấy. Mà theo tôi nghĩ quan trọng hơn là hiểu trẻ em. Muốn vậy thì các bậc phụ huynh đừng nhanh chóng tin rằng vì đã sinh ra hay nuôi lớn các em mà cha mẹ hoàn toàn hiểu hết về các em. Các em có nhiều bí mật và không ngừng biến đổi. Cha mẹ hãy dành thời gian lắng nghe các em nhiều hơn, đừng quá vội vàng trong việc dạy bảo, truyền thụ kinh nghiệm sống khi chưa hiểu cách sống mà các em hướng tới.

Giờ thì trở lại với Lolita:

Ở trường học, em là Dolly. Trên dòng kẻ chấm, em là Dolores. Nhưng trong vòng tay tôi, bao giờ em cũng là Lolita (bìa sau cuốn Lolita)

Cho phép tôi được thêm chút kế thừa có sáng tạo với tác phẩm đặc biệt này:

Ở trên giá sách, “Lolita” là câu hỏi. Những người chưa đọc coi “Lolita” là câu trả lời. Nhưng trong cảm nhận của những ai từng đọc, Lolita bao giờ cũng là Lolita.

Thay cho lời kết

"Tạm b-i-ệ-ệ-t!" em cất giọng lảnh lót chào, em, mối tình Mỹ tuyệt vời bất tử đã chết của tôi; bởi vì em đã chết và bất tử khi quý vị đọc những dòng này. (trang 322)

Bản sách “Lolita” tôi đọc do Nhã Nam phát hành, được dịch bởi dịch giả Dương Tường. Ngồi nghe đàn anh kể lại về cuộc sóng gió trong thời điểm bản dịch này được ra mắt, tôi thấy đồng ý hoàn toàn với anh ở hai điểm:

  1. Dịch giả chọn dịch tác phẩm này rất can đảm
  2. Ông là con người cần mẫn dịch thuật với cái tâm trong sáng

Nay ông đã không còn nữa, nhưng nhờ ông, nhờ lòng can đảm và sự tận tụy của ông, chúng ta mới có thể cầm trên tay cuốn sách “Lolita”- cuốn sách bàn về con người chứ không bàn về những đúng - sai của con người. Tôi nghĩ người mà ham thích bàn về đúng, sai của người thường là người không “biết mình, biết người”.

Câu chuyện của dịch giả tác phẩm này là một nguồn động lực rất lớn để tôi viết bài review sách. Tôi viết để tri ân ông đã âm thầm cống hiến trọn đời. Mặc dù tôi biết đem khả năng bé mọn của bản thân ra mà phân tích một tác phẩm hiểm hóc như “Lolita” hay bàn về công trình vĩ đại của Nabokov hay dịch giả Dương Tường là điều không hề dễ dàng. Khi cố gắng làm một điều gì đó trên khả năng, chúng ta có thể chưa đúng ngay trong những lần đầu.

Nhưng làm gì với cái sai đó? Phê phán hay khích lệ? đó mới là điều đáng suy ngẫm. Tôi nhận thấy phần lớn con người thường hào phóng khi phê phán nhưng lại rất keo kiệt khi khích lệ. Và trẻ em lớn lên theo cách đó, dường như nếu không đau khổ lệch lạc như H. H. thì cũng sẽ bùng nổ và nổi loạn như Lolita.

 

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

[Review Sách] Tiến trình thành nhân

[Review Phim] Thiên tài bất hảo (Bad Genius)

[Review Sách] Dịch Hạch