[Review Sách] Mười cuộc nói chuyện các bậc phụ huynh phải nói với con trẻ về giới tính và tính cách

 

Cuốn sách Mười cuộc nói chuyện các bậc phụ huynh phải nói với con trẻ về giới tính và tính cách của hai tác giả Pepper Schwartz và Dominic Cappello. Sau khi đọc sách, tôi nhận thấy sách không chiều chuộng người đọc mà phân tích rõ các khái niệm và đưa ra các kĩ thuật trò chuyện mang tính ứng dụng cao.

 


1. Cách đối xử với mọi người (Nói chuyện về giới tính và tính cách)

Đây là cuộc nói chuyện đầu tiên bởi nó tạo ra ảnh hưởng đáng kể đến nhân cách của các bạn nhỏ. Thông thường, người lớn sẽ không muốn dành nhiều thời gian để trò chuyện thực sự với trẻ em. Thay vào đó, họ dùng các lời lẽ để yêu cầu và ra lệnh.

Đó không phải giáo dục mà là quản lý với cơ chế của đúng, sai đi liền với thưởng, phạt.

Trẻ cần được bày tỏ quan điểm (bạn nên để trẻ bày tỏ quan điểm trước, điều này khẳng định sự tôn trọng và thiện chí của bạn khi thực lòng muốn trò chuyện với con). Sau khi lắng nghe quan điểm của trẻ, bạn có thể đưa ra vài khái niệm đơn giản về giới tính, tính cách để cùng trẻ phân tích, thảo luận thêm.

Trong qua trình ấy, cha mẹ cần giúp con hiểu sự khác biệt về giới tính đôi khi kèm theo khác biệt về tính cách. Song thay vì là rào cản, đặc tính này giúp con người thu hút lẫn nhau cũng như có động lực để tìm ra phương thức chung sống hòa thuận cùng nhau.

2. Cuộc sống luôn thay đổi (Nói chuyện về tuổi dậy thì)

          Tuổi dậy thì thường được hiểu qua các từ khóa như “thất thường”, “nổi loạn”, “bùng nổ”. Tính chất này thực sự diễn ra khi trẻ em bước sang giai đoạn đột phá trên phương diện tâm sinh lý. Tuy nhiên, vốn quen với đứa con ngoan ngoãn, dễ thương thì nhiều cha mẹ có thể cảm thấy chán nán khi con thay đổi.

Không phải riêng trẻ em cần thay đổi, mà chính bản thân người lớn cũng cần thay đổi để chấp nhận quy luật tất yếu này của cuộc sống.

Cha mẹ cần quan tâm đến con trong giai đoạn này thay vì dập tắt hay ức chế, đảo ngược quá trình phát triển của con.

Bên cạnh đó, cha mẹ cần liên tục quan tâm và cung cấp kiến thức cho con: Cha với con trai, mẹ với con gái, để giúp các con biết bản thân nên lưu ý điều gì trong quá trình thay đổi của cơ thể, tâm tính.

3. Không gian cá nhân (Nói chuyện về những ranh giới)

Ở một vài gia đình, việc các thành viên gần gũi và bày tỏ tình cảm với nhau là điều bình thường. Mặc dù vậy, sẽ là bất bình thường nếu sự gần gũi này tiếp tục kéo dài khi trẻ bước vào giai đoạn hoàn thiện các đặc điểm về giới.

Chính việc gần gũi quá mức của người thân có thể vô tình khiến trẻ trở nên dễ dãi, mất cảnh giác khi người lạ đến gần và có những hành vi động chạm đến thân thể của trẻ.

Ranh giới chính là hàng rào được thiết lập để bảo vệ chúng ta khỏi những tiếp xúc chúng ta không mong muốn. Trẻ em cần được biết rằng việc sử dụng hiệu quả các ranh giới sẽ đảm bảo sự an toàn cho chính bản thân các em trước nhưng nguy cơ tiềm ẩn của việc bị tấn công hoặc bị xâm hại.



4. Những người bạn suốt đời (Nói chuyện về những mối quan hệ lành mạnh)

Song song với quá trình thấu hiểu bản thân, trẻ còn có nhu cầu tìm hiểu về những mối quan hệ. Để những mối quan hệ ấy trở nên lành mạnh với con, bạn cần giúp con hiểu thế nào là tình bạn.

Ngày nay, có rất nhiều bạn nhỏ kết bạn chỉ để tránh khỏi cảm giác cô đơn. Vậy nên dù bị bắt nạt, lạm dụng tiền bạc, bị tấn công bằng những lời lẽ thiếu tôn trọng, một số trẻ vẫn cố gắng níu giữ mối quan hệ độc hại mà các em lầm tưởng là tình bạn.

Mỗi chúng ta đều trải qua rất nhiều tình huống trong cuộc sống để hiểu tình bạn chân thành là gì, tại sao chúng ta lại ngần ngại trong việc chia sẻ trải nghiệm để giúp con cái xây dựng được tình bạn tốt đẹp hơn?

5. Những rung động đầu đời (Nói về sự hấp dẫn và tình yêu)

Hấp dẫn về giới chắc chắc sẽ diễn ra. Nhưng thời điểm nó xảy ra sẽ tùy thuộc vào đặc điểm tính cách và môi trường sống của trẻ.

Phản xạ tự vệ mang tính kinh điển nhất của mẫu cha mẹ truyền thống là ngăn cấm ngay lập tức khi con có biểu hiện tình cảm (kèm theo lời lẽ đe dọa). Đó là cách làm mang tính một chiều, bởi chúng ta nhận thức rõ: điều gì càng bị ngăn cấm thì càng có sức hút mãnh liệt, khiêu khích trí tò mò của các bạn trẻ.

Thế nên, sinh ra một con người là bản năng của phần con, còn giáo dục được phần con đó nên người mới là trí tuệ thực sự của nhân loại.

Sự hấp dẫn về giới là đặc trưng tự nhiên và tình yêu kèm theo nó cũng tự nhiên không kém. Nếu ngăn cấm, bạn sẽ gián tiếp khiến trẻ có những suy nghĩ lệch lạc về giới- di chứng ấy có thể theo trẻ đến suốt đời.

Do đó, cha mẹ cần dành đủ thời gian cho con để cảm nhận biến đổi của con. Không quá khó để làm việc này, nhưng nếu bỏ lỡ cơ hội lắng nghe con tâm sự về rung cảm đầu đời thì rất có thể, sẽ không bao giờ bạn còn cơ hội lắng nghe con tâm sự nữa.

6. Giữ lời hứa (Nói chuyện về lòng tin và sự trung thực)

          Cuộc nói chuyện này bàn về giá trị cốt lõi của con người: lòng tin và sự trung thực. Trẻ em cần được giáo dục, hướng dẫn về lòng tin và sự trung thực. Trái ngược với hiểu biết của đa số phụ huynh (thực ra cũng chưa hẳn hiểu biết tự thân, mà là hiểu biết do nhiều nguồn bên ngoài cung cấp) cho rằng trẻ thích nghe những điều đơn giản xung quanh cuộc sống, ngược lại, trẻ luôn khao khát được hiểu về cuộc sống.

Không bao giờ là quá nhỏ để trẻ có thể trò chuyện cùng cha mẹ. Bởi nếu cha mẹ đợi đến lúc con lớn mới trò chuyện, thì các bạn trẻ đã có hiểu biết của riêng mình- tri thức cha mẹ cung cấp không còn nhiều giá trị nữa.

Một cuộc nói chuyện thành công với con đơn giản là cuộc nói chuyện ấy thực sự đã diễn ra. Đừng kì vọng bạn chỉ phải trò chuyện với con một lần hay ngay lập tức thu về kết quả nào đó sau mỗi lần kết nối.

Trò chuyện với con thực sự là tạo ra mối liên kết, thay vì nắm quyền kiểm soát.



7. Chuyện gì đang xảy ra (Thảo luận về tivi, điện ảnh và âm nhạc)

Tivi, điện ảnh và âm nhạc đang tác động đến cả hành tinh. Trong đó, các loại hình này tác động lớn nhất đến trẻ em. Bạn có thể ngạc nhiên khi biết tôi đã từng trò chuyện cùng bạn học sinh cuối cấp hai xem tivi đến hơn mười tiếng một ngày từ khi mới học cấp một.

Bạn và tôi đều thấy rõ: điện ảnh, quảng cáo, âm nhạc ngập tràn tính giải trí. Nhưng giải trí là gì khác ngoài sự mơn trớn các bản năng của con người? Sự thật là, điện ảnh, quảng cáo và âm nhạc ngày nay chan chứa các yếu tố tính dục, bạo lực và sự thiếu trung thực, tính cạnh tranh và đề cao vật chất.

Tôi không cần kể tên, bạn có thể dễ dàng tự kiểm nghiệm thông qua những bộ phim mà nam nữ chính có quan hệ theo cảm hứng, thiếu chung thủy, sử dụng sức mạnh và sự giàu có để đạt được tham vọng, các mv ca nhạc với hàng loạt bộ trang phục, hành vi gợi cảm khi biểu diễn, các mẩu quảng cáo theo kiểu “cho khỏe” v.v…

Hãy thử tưởng tượng trẻ nhỏ sẽ thế nào khi liên tục nạp vào đầu những hình ảnh như vậy?

Cha mẹ cần chủ động tìm hiểu chương trình yêu thích của con, không nên lơ là, bởi chính thông điệp từ chương trình truyền hình sẽ góp phần đáng kể trong quá trình xác định nhân cách lý tưởng của con trẻ sau này.

8. Mạng Internet và tình dục (Nói về chuyện trên mạng)

          Sau truyền hình, thế giới mạng là một ứng cử viên “nặng kí” khác mà cha mẹ không thể bỏ qua trong các cuộc chuyện trò cùng con cái.

          Thậm chí, ngày nay internet còn có xu hướng áp đảo truyền hình và len lỏi vào từng ngóc ngách của cuộc sống, cũng như tâm trí của trẻ em. Trẻ em có thể tiếp thu rất nhiều thứ trên mạng- nhưng mạng sinh ra không hoàn toàn là để nâng cao tri thức, hay chí ít là không phải ai cũng sử dụng mạng internet cũng có mục đích lan tỏa tri thức tích cực.

          Trẻ có thể bị kích thích từ rất sớm thông qua những video, hình ảnh, diễn đàn trên mạng. Chuyện quan hệ tình dục theo đó trở nên không có gì nghiêm trọng, thậm chí còn là đáng để trải nghiệm nếu muốn chứng tỏ bản thân “sành sỏi”.

Hậu quả là không ít bạn đã có quan hệ tính dục sớm để rồi hoặc bị buộc phải nạo phá thai hoặc có thai ngoài ý muốn hoặc mang theo bệnh tật.

          Nếu bạn vào mạng mỗi ngày, bạn có để ý những tít bài nhạy cảm với từ khóa “lộ”, “show”; loạt hình ảnh khoe thân hay video ngắn mang tính gợi cảm trên các nền tảng số đang trở nên dễ thấy hơn bao giờ hết. Nếu một người đàn ông trung niên hay một người phụ nữ đã lập gia đình có thể nhìn thấy thì một chàng trai hay cô gái trong độ tuổi vị thành niên cũng có thể tiếp cận.

          Trong thời đại này, cha mẹ nên lưu ý hành động trao cho con chiếc điện thoại thông minh hay lắp đặt tivi thông minh có kết nối mạng là đang tạo ra bước ngoặt lớn trong cuộc đời của con- đừng để “tiền mất, tật mang”.

9. Bạn cảm thấy như thế nào? (Nói về rượu và các chất gây nghiện khác)

          Ảnh hưởng nhiều đến đời sống tình dục và tính cách chính là bia, rượu và các chất gây nghiện khác). Sự hưng phấn nhất thời do các loại đồ uống có cồn hay các chất kích thích mang lại có thể khiến con người ta quên đi mọi hình thức giáo dục trên đời.

          Người trưởng thành đã hiếm ai tự chủ được, thì các bạn trẻ trong độ tuổi vị thành niên lại các không thể. Những cuộc vui có sự góp mặt của bia, rượu, chất kích thích đôi khi sẽ không được con cái chia sẻ lại cùng cha mẹ. Vì các bạn trẻ tin rằng điều đó là bình thường- nghe sẽ thật trẻ con nếu tiệc tùng chỉ toàn nước ngọt.

          Mặc dù vậy, hầu hết những sai lầm, hậu quả chí mạng như: bị lạm dụng, cưỡng hiếp, quan hệ tập thể đều có ít nhiều dính dáng đề các loại đồ uống có cồn và các chất kích thích. Do đó, chúng là nguy cơ tiềm tàng mà người từng trải nào cũng không dám coi thường.

          Con trẻ có lý do khi tự tin vào bản thân, nhưng các bậc cha mẹ cần hiểu sự tự tin ấy là do các bạn trẻ chưa có đủ vốn sống cần thiết.

Việc giúp các con hiểu biết về các loại đồ uống có cồn, chất kích thích để bảo vệ bản thân là cần thiết. Ngoài ra, chính cha mẹ cũng nên làm gương và hạn chế sử dụng bia rượu trước mặt con em của mình. Khi một đứa trẻ thấy cha mẹ chúng uống bia, rượu mỗi khi buồn chán, hay gặp gỡ bạn bè, chúng sẽ cho rằng đó là phương thức hữu hiệu để giải tỏa buồn chán, thậm chí là càng quý bạn bè thì càng phải uống nhiều để chứng tỏ tình cảm.


10. Chúng ta tin vào điều gì ? (Nói về những giá trị của gia đình bạn)

Cuộc nói chuyện cuối cùng này tập trung vào việc làm sáng tỏ giá trị của gia đình trong đó bao gồm các quy tắc ứng xử và truyền thống riêng của mỗi gia đình.

Những giá trị này được trao truyền đến thế hệ sau để giúp họ không bị mất phương hướng. Dù tận tụy, yêu thương con đến đâu thì cha mẹ cũng không thể bên con mãi mãi. Đó mới là lúc thành quả giáo dục bộc lộ rõ ràng.

Một đứa trẻ có được giáo dục tốt hay không, đôi khi, chỉ đến lúc chúng được độc lập và tự do hành động thì mới có câu trả lời thực sự.

Trong vai trò làm cha mẹ, chúng ta cần kiên trì chuẩn bị cho tương lai bằng những cuộc nói chuyện ngay từ thời điểm hiện tại. Cần có nguyên tắc, sự nhất quán đi kèm các nguyên tắc nhưng cũng cần linh hoạt theo sự phát triển của từng trẻ.

Nếu đang làm cha mẹ, mong bạn đừng lảng tránh nghĩa vụ, và cũng là niềm hạnh phúc: trò chuyện cùng con trẻ.

 

 

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

[Review Phim] Bảy võ sĩ đạo (1954)

[Review Sách] Khả năng cải thiện nghịch cảnh

[Sách Nhã Nam] Tọa đàm Thuật trị nước: Từ “Quản Tử” đến “Quân Vương”