[Review Sách] Được học (Educated)

 Được học – là cuốn tự truyện vô cùng xúc động của Tara Westover kể về hành trình tự giáo dục của bản thân cô. Đó là nỗ lực tiêu biểu cho ý chí không ngừng vươn lên của con người để đạt đến sự khai sáng về trí tuệ, mặc dù đôi lúc phải trả giá bằng nhiều mất mát, thương tổn.


Câu chuyện của Tara có lẽ tương đối lạ lẫm với hầu hết các bạn trẻ vẫn ngày ngày (phải) đến trường. Bởi công việc của cô trong độ tuổi đến trường là quanh quẩn ở nhà, trên núi hoặc trong bãi phế liệu.

Theo truyền thống gia đình, hay nói chính xác hơn là tín ngưỡng riêng của người cha, thì cô và tất cả anh em đều không có giấy khai sinh hay được đến trường như những đứa trẻ khác.

Mọi giải pháp trong cuộc sống thường ngày của cô đến từ bản năng, còn nhận thức của cô là sự sao chép lại những đánh giá, tư tưởng phụ thuộc vào các thành viên khác trong gia đình. Trở lực đó trói buộc Tara vào thế giới chật hẹp, bế tắc kèm theo tổn thương cô phải gắng sức kìm nén để chống chọi lại cảm giác thất vọng về tình cảnh của mình.

Có lẽ, số phận đủ mạnh để quật ngã Tara như cách mà người anh trai thô bạo đã quật ngã cô, thế nhưng ở cô gái nhỏ ấy có sự khác biệt. Cô có mong muốn được học- mong muốn ấy đã thay đổi cô mãi mãi.

Vậy nên, nếu bạn hỏi tôi điều gì đủ mạnh để chuyển hóa số phận, thì tôi tin đó chính là ý chí và sự tự giáo dục. Tự giáo dục bắt nguồn từ khao khát được học hỏi để mở mang tri thức. Cho tới khi mở mang được nhận thức, con người ta mới thực sự được là người và có quyền làm người.

Tara đã phải chiến đấu cho quyền làm người của mình. Cô phải học cách tự thích nghi với hoàn cảnh, cưỡng lại sự cảm dỗ quay trở về ngôi nhà chào đón cô nhưng không chào đón tư duy của cô- nơi trông đợi và chỉ chấp nhận những niềm tin cực đoan phi lý trí.

Hòa nhập trong môi trường học tập cũng là hòa nhập cùng những sinh viên lớn lên trong hoàn cảnh bình thường, cô phải chống chọi lại mặc cảm trót lớn lên trong hoàn cảnh bất thường của bản thân. Có những người bạn, người yêu đã không thể chấp nhận khoảng cách ấy, họ rời xa để lại Tara tiếp tục trên con đường đơn độc. Nhưng khao khát được học của cô vẫn lớn hơn tất cả.

Cô đã tự học để vào được Đại học Brigham Young. Sau đó, cô đến với học vị Tiến sĩ Lịch sử tại Đại học Cambridge. Thành tích này phản ánh thành tựu thực sự của cô trong quá trình khai phóng bản thân, vượt qua rào cản từ gia đình, đặc biệt là sự tự ti từ thuở nhỏ.

Tôi nghĩ rằng ai trong chúng ta cũng nên đọc cuốn sách này để lắng lại suy ngẫm về quá trình tự giáo dục của bản thân. Trách nhiệm đó thuộc về chúng ta, thay vì gia đình, nhà trường hay xã hội. Bởi sẽ thật dễ dàng khi lên án hoặc đổ lỗi cho mọi thứ xung quanh nếu ta đang cảm thấy không hạnh phúc, mà ta lại quên mất chân lí giản đơn về nghị lực tạo ra hạnh phúc luôn do mỗi chúng ta tự định đoạt.

Đây cũng là một trong những cuốn sách yêu thích của Bill Gates. Gần đây người ta chú ý đến vụ ly dị của ông hơn việc ông vẫn thường xuyên chia sẻ những cuốn sách hay, khuyến đọc đến cộng đồng.

Khi người ta dành thời gian đọc sách, có lẽ nhu cầu phán xét đời tư của người khác cũng dần dần thuyên giảm. Phải chăng, nếp sống ấy là minh chứng rõ ràng của năng lực tự giáo dục bản thân?

 

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

[Review Sách] Khởi hành – Lời khuyên sinh viên Việt Nam

[Review Sách] Lolita

[Review Sách] Trò chuyện với vĩ nhân