[Review Sách] Nhà giả kim

Tôi không cần nhiều lời giới thiệu lại cuốn sách Nhà Giả Kim của tác giả Paulo Coelho. Thậm chí, trước khi viết bài này, tôi còn nghĩ “liệu có nên chồng chất thêm câu từ cho tác phẩm kinh điển này không nhỉ?”.

          Có quá nhiều thông điệp trong cuốn sách bằng nguồn cảm hứng dào dạt sách liên tục truyền đến bạn đọc. Nhắc đến Nhà Giả Kim, là người ta nhớ đến hành trình tìm kiếm bản thân của tuổi trẻ- mặc dù, khi không còn trẻ nữa thì con người mới gọi tên chính xác điều mình tìm trong hành trình đầy khắc khoải ấy.

Vây là, tôi quyết định mượn tác phẩm này để nhìn về tuổi trẻ. Để bạn đọc vững tin rằng Nhà Giả Kim không chỉ là cổ tích, mà còn là cổ tích do con người viết nên. Và ai cũng có thể thực hiện Giả Kim Thuật trong chính cuộc đời này- nếu thật lòng mong muốn.

Phần trích dẫn sách “in nghiêng” được tôi tham khảo từ bộ lịch Nhà Giả Kim được ra mắt năm 2021 của Nhã Nam. Bởi theo tôi nhận thấy thì đây là loạt trích dẫn tiêu biểu trong tác phẩm.

1. “Tôi không sống trong quá khứ hay tương lai. Tôi chỉ có hiện tại và quan tâm đến hiện tại. Nếu ta lúc nào cũng ở trong hiện tại được thì ta là người hạnh phúc”

Tôn giáo của tình thương và từ bi luôn hướng đến điều này: trân trọng thực tại. Bởi thực tại có sức mạnh lớn lao mà chỉ người luôn sống trong thực tại mới có thể nắm giữ.

Sống trong thực tại khác với thực dụng và thực tế, mong bạn lưu ý cho. Vì quan niệm ấy chỉ càng làm cho khao khát mài thực tại ra để ăn, xay thực tại ra để uống trở nên mãnh liệt hơn. Sống trong thực tại thì không kèm theo mục đích, vì mục đích là thứ lôi bạn đến tương lai. Sống trong thực tại thì cũng không cần kí ức, vì kí ức quăng bạn trở lại quá khứ.

Tuổi trẻ thường nghĩ sống trong thực tại nghĩa là sống hết mình. Sự thực là các bạn không sai, nhưng đó không phải là cách thấu đáo để kết nối với thực tại, nhất là khi bạn đắm mình trong thực tại của người khác, của những người bạn chưa hiểu về họ và họ cũng chưa hiểu gì về bạn. Ở một nơi bên lề thực tại, ví dụ như không gian internet chẳng hạn.

 

2. “Không ai trốn tránh được trái tim mình, thành ra nên lắng nghe nó nói là hay hơn cả”

3. “Tại sao ta lại phải lắng nghe trái tim mình?”

     “Bởi vì trái tim cậu ở đâu thì kho báu cậu tìm cũng nằm ở đó”.

Nhân vật chính của Nhà Giả Kim, chàng Santiago đã lắng nghe trái tim trọn vẹn. Nhờ vậy, anh ta tìm thấy kho báu của đời mình.

Khi nhắc đến kho báu, người ta nghĩ đến vàng bạc, tài sản, quyền lực mà quên rằng đó là kiểu kho báu “chung chung”. Khi còn nghèo, người ta thèm tiền. Khi đói, thì người ta muốn có thức ăn. Ở mỗi giai đoạn khác nhau trong đời, người ta lại tự nghĩ ra và tìm kiếm kho báu. Nếu nghĩ không ra (và hiếm người hiểu rõ điều mình muốn, phần đông sẽ ngay lập tức giành lấy điều họ đang muốn), người ta tìm kho báu theo quan niệm của số đông.

Cái kho đầy ắp châu báu vàng bạc nó sinh ra nhạt nhẽo như vậy.

Thế nên, đối với tìm kiếm kho báu, lắng nghe trái tim là sự lựa chọn khôn ngoan. Bởi trái tim biết rõ điều gì khiến nó rộn ràng.

Cũng có người trốn tránh trái tim của mình rồi họ đau khổ. Dù họ có thành công, thì họ cũng vẫn đau khổ. Để rồi sau khi tấm màn cuộc đời của ngôi sao sáng khép lại, họ thường để lại cho hậu thế lời trăn trối vô cùng khó hiểu là: “hãy sống khác đi”.

Quan sát giới tự nhiên, ta có thể thấy, kho báu của bọ hung khác với ong mật, của đại bàng khác với kền kền, của cừu khác với sói. Chẳng có tốt xấu ở đây, chỉ đơn giản ở chỗ các loài vật này biết rõ: Sống thực với bản thân chính là kho báu của đời chúng.

Đời sống tự nhiên phong phú mà lại đơn giản, bởi tự nhiên không có thói quen tạo ra các khái niệm dư thừa.

4. “Chỉ khi nào có khả năng thực hiện được giấc mơ thì cuộc sống mới đáng sống”.

Đây là chủ đề hấp dẫn nhất của tuổi trẻ. Bởi tuổi già sống cũng chỉ để nhớ về khi còn trẻ. Nguồn động lực cho những chuyến phiêu lưu, quyết đoán, sai lầm, sợ hãi, hạnh phúc, đau khổ của tuổi trẻ được khơi nguồn từ những giấc mơ.

Nhìn vào một người không có giấc mơ, tôi nhận ra họ sẽ rất mau chóng già. Tại sao lại vậy? bởi khi không mơ mà tập trung vào khám phá các quy luật của cuộc đời, dần dà người ta trở thành lọc lõi. Danh vọng đôi lúc chỉ là một cuộc đổi trác tuổi trẻ để lấy tuổi già- Tuổi mà kinh nghiệm có thừa, vốn sống có thừa chỉ thiếu mỗi giấc mơ. Mà trên thực tế, khi con người cao tuổi rồi, ngủ còn khó thì lấy đâu ra giấc mơ nữa?

Cuộc đời đáng sống là sống để thực hiện giấc mơ của riêng mình. Chàng chăn cừu Santiago khởi nghiệp cũng bằng giấc mơ, và có thể các bạn trẻ ngày nay cũng nên có một giấc mơ rõ ràng trước khi dấn thân khởi nghiệp.

Vì mục đích của khởi nghiệp không đơn thuần là kiếm nhiều tiền, mà là ước mơ mang sự thịnh vượng đến cho bản thân và xã hội.

 

5. “Kẻ nào hạnh phúc cũng đều có Thượng Đế trong lòng và có thể tìm thấy hạnh phúc trong từng hạt cát sa mạc.”

Bí mật của hạnh phúc được nắm giữ bởi Thượng Đế. Song trên thế gian này, Thượng Đế mang hình hài của con người. Tất cả chúng ta đều có quyền hạnh phúc, nhưng có rất ít người thừa nhận. Vì họ cho rằng hạnh phúc là cái gì đó bên ngoài, là thứ người khác có, mà mình không có được.

Tôi rất thích gặp gỡ mọi người, cũng vì vậy tôi có thể nhìn thấy ai đang hạnh phúc, ai không. Điều này không chỉ đơn thuần nhận ra bằng mắt mà còn bằng kinh nghiệm và các yếu tố khác. Ở những người tôi gặp, có người vui, người buồn, người thành công, người chưa thành công, thế nhưng, chỉ có hai người duy nhất tôi thấy rõ là họ hạnh phúc. Nghịch lý là, họ có rất ít tiêu chuẩn nơi hạnh phúc lý tưởng theo quan niệm của thế gian.

Với một tiêu chuẩn chưa chính xác, thì làm sao người ta định nghĩa được hạnh phúc và tìm ra hạnh phúc?

Tìm ra hạnh phúc chính là tìm ra Thượng Đế trong lòng. Nếu tìm ra Thượng Đế, thì đâu có lý do gì đề ngài từ chối ban phước cho chúng ta nhỉ?

Santiago gặp được những người cần gặp trong đời bởi cậu đã tìm thấy Thượng Đế.

 

6. “Nếu em là một phần của vận mệnh anh thì sẽ có một ngày anh trở về thôi…Tình yêu đòi hỏi người ta phải ở gần người mình yêu”.

7. “Tình yêu không bao giờ ngăn cản ai theo đuổi vận mệnh của mình cả. Nếu để cho chuyện ấy xảy ra thì đó không phải là tình yêu đúng nghĩa.”   

Tình yêu trong tác phẩm Nhà Giả Kim cũng mang phong cách giả kim: một hành trình dài, không nóng vội, đủ thăng trầm, giàu trắc ẩn, kiên định vào vận mệnh.

Thứ tình yêu quý giá ấy không dễ tìm trong hiện thực. Dù vẫn có, nhưng đó là cảm xúc kèm theo các điều kiện, nguyên nhân và kết quả được người ta gọi là “tình yêu”. Con người càng cố xác nhận tình yêu bằng những khoảnh khắc thân thiết nơi công cộng, những hình ảnh tình tứ công khai trên mạng xã hội, những món quà đắt giá trao nhau, thì cũng chỉ là những nỗ lực để lưu giữ lại cảm xúc nhất thời, trước khi nó qua đi. Cuối cùng, cảm xúc qua đi thật.

Chân thành là sinh mệnh của tình yêu đích thực. Biểu hiện là sự gắn bó, gần gũi không những về thể xác, mà còn ở tâm hồn. Thứ hiếm có, thường kèm theo khó tìm.

Giống với nàng Fatima của Santiago. Giữa sa mạc mênh mông, tồn tại một ốc đảo mang hai trái tim đến với nhau. Họ gặp gỡ, bên nhau rồi xa nhau. Tình cảm chân thành luôn theo họ, bởi…

Thôi, đến đây tôi không viết tiếp nữa, vì có thể bạn đọc sẽ nghĩ rằng không nên kể chuyện cổ tích quá nhiều giữa đời thực. Không ít bạn sẽ nghĩ đời thực cũng vẫn có những ốc đảo tên là Tinder, Zalo, Bingo để tìm “tình yêu” đấy nhỉ?

Nếu có điều gì mạnh mẽ hơn tuổi trẻ, thì đó là tình yêu. Tình yêu chắp đôi cánh hoặc xiết đôi gông nặng lên tuổi trẻ.

Người ta có thể làm tất cả vì người mình yêu mà cũng có thể từ bỏ tất cả vì người mình yêu. Hãy hiểu cảm xúc ấy bằng tất cả lý trí. Để rồi thà đau khổ một cách sáng suốt còn hơn đánh vần u mê thành hạnh phúc.

Tuổi trẻ cần tình yêu và trải nghiệm tình yêu, nhưng đó không phải sứ mệnh duy nhất khi cuộc đời trao cho chúng ta tuổi trẻ.


8. “Trái tim cháu sợ sẽ phải đau khổ…”

“Hãy bảo nó rằng, sợ phải đau khổ còn đau đớn hơn là chính chính sự đau khổ”

 Phần đối lập ảm đạm của thanh xuân rực rỡ chính là đau khổ. Không còn lựa chọn nào khác để học được bài học của cuộc sống thông qua những người xung quanh. Số người làm ta cảm thấy đau khổ sẽ luôn hơn gấp nhiều lần số người sẵn lòng san sẻ hạnh phúc.

Đằng nào cũng phải đau khổ, vậy thì trốn tránh cũng đâu có ích gì? Thay vào đó, bạn cần đủ mạnh mẽ đương đầu với đau khổ.

Nếu chàng chăn cừu Santiago sợ đau khổ, thì anh có thể làm một chàng chăn cừu đến hết đời. Thế nhưng, cuối đời Santiago sẽ lại đau khổ vì tuổi trẻ đã dành toàn bộ thời gian vào việc chăn cừu. Cũng vẫn đau khổ, bạn nhỉ?

Tuổi trẻ người ta ít thích nghĩ về sự đau khổ một cách nghiêm túc, phần lớn thời gian họ nhồi vào não mình những thú tiêu khiển từ nhiều nguồn thông tin khác nhau: toàn hình ảnh đẹp đẽ, long lanh, hấp dẫn, hài hước, thú vị. Để rồi bước vào đời trong tâm thế của một vị khách đi thang máy nhưng không chú ý rằng chưa có buồng đứng bên trong, họ bước chân ra là hụt vào khoảng không tối đen vô tận của hiện thực nghiệt ngã.

Hãy biết đời đón ta bằng đau khổ, nên ta mới cất tiếng khóc chào đời, để chấp nhận đau khổ và vượt qua nó. Nỗi sợ hãi đau khổ, lảng tránh đau khổ chỉ càng dẫn đến sự bế tắc. Hãy để trái tim lạc nhịp rồi học cách tự cân bằng trở lại, vì nếu bao bọc nó trước mọi đau khổ, nó sẽ không còn rung động nữa để rồi chết trước ngày nó ngừng đập.


9. “Khi cậu quyết tâm muốn điều gì thì cả vũ trụ sẽ tác động để giúp cậu đạt được mục đích”

Theo tôi, đây là thông điệp truyền cảm hứng nổi tiếng nhất của Nhà Giả Kim. Tôi tin điều tác giả viết là có thực. Mặc dù vậy, đừng quên là bản thân bạn phải thực sự muốn – nếu may mắn có được, thì đây cũng không phải là năng lực dùng để khoe khoang hay thi thố.

Ở phần trước, tôi có nói đến tình trạng con người thường muốn điều họ chưa kịp hiểu. Điều này cũng thật không kém. Bởi ham muốn con người thường có rất nhiều và mang tính nhất thời, do đó nó chỉ đơn giản là “muốn” chứ chưa phải là “mong muốn”. Sự thèm khát ấy không có liên hệ đến vũ trụ, nó là lòng tham của con người phàm tục mà không có sự thanh khiết đủ để thu hút những động lực thiêng liêng giúp đỡ.

Bước căn bản nhất để khởi động lại năng lực này là cam kết với lời nói của bản thân. Nghĩa là trung thực và có trách nhiệm với lời nói của chính mình.

Điều này không khó, nhưng lại khó nếu mong muốn của chúng ta không đủ mạnh. Vũ trụ luôn cho rằng con người xứng đáng, tuy nhiên con người lại thường làm cho bản thân trở nên bớt xứng đáng hơn trước những điều kì diệu.

 

10. “Sách giúp ta đỡ buồn bằng cách kể ta nghe những chuyện hay ho mỗi khi ta muốn.”

Nếu tuổi trẻ cần một người bạn trung thực vô điều kiện, hiểu biết mà lại khiêm tốn, vui tính song lại tĩnh lặng, công bằng nhưng không phán xét, thì đó là sách. Mỗi cuốn sách đều chứa đựng tri thức của vô vàn sinh mênh trong quá khứ đã dành trọn kiếp sống để tìm kiếm tri thức.

Sách không phải luôn là chân lý, nhưng nó là con đường đáng tin cậy để đến với chân lý. Trong xã hội hiện đại, những nội dung chúng ta đọc được trên internet thường kèm theo động cơ, mục đích cụ thể. Người ta nghĩ ra công việc như là content writer, copy writer để tạo nên hàng loạt câu lệnh dẫn dắt lồng trong các thông điệp. Chằng đáng trách họ, bạn ạ, vì đó là cuộc sống mà.

Nếu bạn cần tìm những hàng chữ lành mạnh thì nên tìm sách để đọc. Tuổi trẻ mắt còn tinh, trí nhớ còn tốt, thời gian còn nhiều thì nên tranh thủ đọc. Cũng không nhất thiết phải trở thành mọt sách hay so đo với số sách đọc hằng năm của các vĩ nhân như Bill Gates hoặc Warrent Buffet, mà chỉ đơn giản là đọc để nâng cao hiểu biết của bản thân, để bớt bốc đồng và ấu trĩ. Dành chút thời gian đọc sách mỗi ngày, mỗi tháng, mỗi năm để cuộc đời lắng đọng hơn.

Suy cho cùng, sách là một cách học, nếu bạn trẻ tự tin, mạnh dạn để học trực tiếp trong cuộc sống thì cũng rất đáng hoan nghênh. Nhưng, học trong cuộc sống thì đừng quá nôn nóng để rồi sa đà vào thói quen thích đi đường tắt, bạn nhé. Khi nào cảm thấy bản thân đang vội vàng quá, thì hãy ngồi xuống, bình tâm đọc lại sách.


Thay cho lời kết

Điểm đến cuối cùng của bài review sách Nhà Giả Kim và tuổi trẻ nằm ở đây. Trong tác phẩm, thì Santiago đã tìm thấy kho báu của đời mình. 

Tôi viết về tuổi trẻ không hẳn vì tôi đã già, mà bởi tôi thường hay lắng nghe người già chia sẻ và vì tôi cũng không còn trẻ nữa (chúng ta có tuổi sinh học và tuổi tâm hồn, tôi nói đến tuổi tâm hồn).

Tâm ý của tôi trong bài viết này có khá nhiều, song chỉ mong bạn đọc hiểu tôi có chút thiện ý muốn góp thành cơn gió để khích lệ bạn mạnh dạn giương buồm ra khơi và an toàn trở về bên gia đình.

Dù có băng qua biết bao đại dương, thấy biết bao miền đất, thưởng thức bao của ngon vật lạ, tìm ra cơ man châu báu, thì cũng đến ngày chúng ta phải quay về. Có đúng không bạn?

Hiểu theo tinh thần nhà Phật là “Hồi đầu giác ngạn” cũng được; mà hiểu theo cách trái tim mình sẽ luôn quay về với tổ ấm cũng được; hiểu theo cách tự tìm lại chính mình cũng không sai. Tôi thường nói một lời những có nhiều ý, đó là thói quen, mong bạn đọc thông cảm và tự chọn cho bản thân cách hiểu hữu ích nhất.

Miễn sao bạn cảm thấy hạnh phúc.

 

 

 

 

 

 

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

[Review Sách] Tiến trình thành nhân

[Review Phim] Thiên tài bất hảo (Bad Genius)

[Review Sách] Dịch Hạch