[Review Phim] Dặm Xanh (Green Mile)

 Dặm Xanh là một tác phẩm điện ảnh chứa đựng thông điệp không lời nhưng đầy sức mạnh. Sau cái tên bí ẩn của nó, người xem đã thấy nhiều điều mà rất khó lòng để họ có thể quên đi.

 

Đối với tôi, việc dành thời gian ba giờ đồng hồ để ngồi xem phim luôn là một thử thách. Trước đó với những: Sói Già Phố Wall; Thiện, Ác, Tà hay Ben Hur thì nay thêm Dặm Xanh. Thêm lần nữa tôi may mắn, vì ba giờ đó không trôi đi vô ích.

Theo Wikipedia thì:

“The Green Mile (tạm dịch: Dặm xanh) là một bộ phim năm 1999 của điện ảnh Mỹ, được đạo diễn bởi Frank Darabont dựa trên cuốn tiểu thuyết cùng tên của Stephen King. Bộ phim có sự góp mặt của Tom Hanks (trong vai Paul Edgecomb), Michael Clarke Duncan (trong vai John Coffey) và một số diễn viên tên tuổi khác như David MorseBonnie Hunt và James Cromwell. Phim kể câu chuyện về cuộc đời của Paul, một viên chức coi ngục tử tù trong thời kỳ Đại suy thoái tại Hoa Kỳ, cùng với những hiện tượng siêu nhiên mà anh được chứng kiến.”

Còn theo tôi (đây mới là lí do chính tôi viết review):

Tử thần và địa ngục

          Dặm xanh giúp chúng ta thấy được hiện thực về địa ngục nơi trần thế và các vị tử thần vốn chỉ xuất hiện trong thần thoại.

          Đây là nơi dành cho việc hành quyết các tử tù- nơi con người tước đi sự sống để trừng phạt tội lỗi của con người và mang đến cái chết để thỏa mãn sự phẫn nộ nhân danh công lý. Ý tưởng về sự trừng phạt ấy khủng khiếp đến nỗi chỉ người ta buộc phải tạo ra những vị thần chết trông coi nơi này.

Đó là những con người mặc áo đen, đi lại âm thầm và luôn biết rõ chuyện gì đang xảy ra hoặc sắp xảy ra. Khác với phạm nhân, họ luôn trong trạng thái chuẩn bị cho cái chết, đảm bảo cái chết đó diễn ra chính xác, đúng quy trình: Chiếc ghế điện được lau chùi, xô nước cùng miếng bọt biển đẫm nước, cầu dao đóng điện hoạt động tốt và hiệu lệnh hành quyết dứt khoát do họ định đoạt.

Điều ngạc nhiên là, địa ngục ấy không chỉ có một kiểu thần chết.

Có những vị thần chết nhân từ, thấu hiểu nỗi đau của phạm nhân kèm nỗi sợ cái chết đang ngày ngày gặm nhấm họ như Paul Edgecomb và đồng đội. Song cũng có nhưng thần chết thích thú với chết chóc, đau đớn và sự hành hạ như Percy Wetmore.

Trong nhà tù Dặm Xanh người ta không nói đến nhân quyền và con người. Người ta nói đến những phạm nhân bị cả xã hội ghê tởm và cầu nguyện để chúng nhanh chóng phải đền tội. Sự cầu nguyện để ai đó phải bị trừng phạt thường được tiếp nhận bởi ai đây? Thượng Đế hay Quỷ Dữ?

Chấp nhận thân phận của mình, Paul cố gắng làm tròn phận sự trong nỗi đau đớn của chứng viêm bàng quang. Đó không chỉ là nỗi đau xác thịt, mà còn ẩn dụ sự giày vò của lương tâm cũng như vây hãm anh trước những lạc thú đời thường. Điểm khác biệt là, Paul không đẩy nỗi đau đó sang người khác. Với xã hội, phạm nhân có thể đầy tội lỗi, nhưng với Paul người sắp chết không có tội.

Anh điềm đạm mở lòng mình để quan tâm đến họ ở mức vừa đủ. Paul giúp những linh hồn lầm lỡ nhận thức được họ không cô đơn trước cái chết, song họ cần đối diện trước hậu quả từ những điều đã gây nên. Cùng đồng nghiệp của mình, Paul tận tụy làm việc vô cùng bình tĩnh, chính xác, cảm thông vào ban ngày để rồi thường xuyên mất ngủ về ban đêm. Lương tri cho anh biết rằng có điều gì đó đang sai, nhưng tư duy của anh chưa thể bật ra được sai lầm ấy là gì.

Trong khí ấy, tận hưởng thân phận của mình Percy khao khát chứng kiến và tạo ra nỗi kinh hoàng. Hắn đánh đập, chế giễu phạm nhân. Hắn hành hạ những kẻ yếm thế để che giấu nội tâm yếu ớt, bệnh hoạn của mình. Chiếc dùi cui vút lên rồi đổ ngập vào xác thịt tạo ra âm vang chát chúa nơi tù ngục lạnh lẽo. Percy hân hoan trước cảnh khổ đau, trốn dưới tấm áo nhân danh công lý, hắn càng thỏa sức chà đạp những con người lầm lỗi và những sinh vật bé nhỏ, điển hình như chú chuột “ngài Jingles”. Percy có hậu thuẫn vững chắc để tạo nên sự bất công. Do đó, kẻ bất công nhân danh công lý ấy rốt cuộc cũng nhận lại cho chính mình một kết cục công bằng.

Địa ngục trần thế ấy đột nhiên biến đổi với sự xuất hiện của John Coffey và William "Wild Bill" Wharton- hai tử tù, một đáng sống một đáng chết nhưng điểm chung là đều lĩnh án tử hình tại đây.

Đâu là ranh giới

John Coffey là người đàn ông da đen to lớn sở hữu năng lực chữa bệnh kì diệu.

William "Wild Bill" Wharton là người đàn ông da trắng bé nhỏ sở hữu thú tính dã man.

Ngoài hình của họ không liên quan đến những việc họ đã làm và cách họ đối diện với cái chết. John được miêu tả như một vị thánh tử đạo, còn Will hiện lên với hình ảnh của kẻ lạc đạo.

Hai nhân vật này có quá nhiều lớp nghĩa mang tính biểu tượng để phân tích: Từ màu da, hành động, lựa chọn cho đến cái chết.

Thế nhưng chính họ đã góp phẩn xác lập lại ranh giới trong tâm hồn của những vị thần chết tại Dặm Xanh. Họ giúp Paul nhận ra anh đang ở sai chỗ khi góp mặt với vai trò đao phủ trong vở bi kịch do xã hội tạo nên. Paul muốn cứu người thay vì trừng phạt họ, muốn dẫn dắt họ trước khi họ sa ngã. Anh và những đồng nghiệp của mình không thể và không muốn tiếp tục đảm nhiệm công việc trái với lương tâm này- khi mà hình bóng người đã chết thường xuyên tiếp tục sống trong tâm trí anh.

Lưỡi liềm có thể tước đi sinh mạng song cũng cũng có thể trở thành nông cụ để góp phần nuôi dưỡng con người. John đã chỉ cho Paul thấy cuộc sống này giàu tình thương đến mức nào và tại sao trong mọi hoàn cảnh thì con người đều nên sợ bóng tối, đặc biệt bóng tối chính trong tâm hồn mình.

Còn Will đã giúp thổi bùng sự mâu thuẫn của Percy với nhân loại lên mức đỉnh điểm. Hắn giúp Percy thỏa mãn ham muốn giết chóc, trừng trị cũng như được hành động như bản thân mong muốn: Được giết chóc khi không phải nhân danh cái gì trên đời. Chỉ đơn thuần là tước đi sự sống. John cũng gián tiếp giúp Percy thực hiện hành vi mà hắn mong muốn thông qua việc trả lại sự đê tiện vốn thuộc sở hữu của hắn.

Vậy là, vị thánh nhân từ ấy cũng phải phẫn nộ, cũng phải bó tay trước sự phức tạp của kiếp người và ranh giới thiện ác mong manh trong tâm hồn họ.

Tình bạn của Paul và John kết thúc vào thời điểm họ đối diện nhau: một người ngồi trên ghế điện và một người ra lệnh đóng cầu dao điện.

Paul đã tìm cách cứu bạn mình, nhưng John từ chối, bởi trước khi vào tù anh là người vô tội, nhưng sau khi ở Dặm Xanh anh đã phạm tội với hai cuộc đời là Will và Percy, khiến một tên chết còn một tên tâm thần vĩnh viễn. Vị thánh ấy đã đi ngược lại ý chí của tình thương trên thiên đường nhưng đã thuận theo lẽ làm người dưới hạ giới là khuyến thiện, trừng ác.

John hiểu đã là người rồi thì sớm muốn cũng sẽ chết và chết đâu có gì đáng sợ khi người ta mong mình sống và tiếc thương mình? Cái chết có lẽ chỉ đáng sợ khi người xung quanh mong mình nhanh chết mà thôi.

Quá khứ xa xăm ấy đươc Paul tường thuật lại tại trại dưỡng lão với người bạn Elaine. Cùng lúc ấy, bà nhận ra Paul có một tuổi thọ cao khác thường- món quà John trao lại.

Khi dự đám tang Elaine, Paul cũng nhận ra sự sống dai dẳng ấy là nhà giam tự nhiên của chính ông. Quy luật nhân quả đang lặp lại, dù đã giảm nhẹ rất nhiều, song người cai ngục giờ đây lại phải chịu cảnh tù ngục. Ông sống với gánh nặng tâm hồn để rồi mỗi sáng thức dậy lại nhận ra bản thân còn sống để mang tiếp gánh nặng ấy.

Thay cho lời kết

Cá nhân tôi thấy khó có cái kết nào phù hợp hơn với Dặm Xanh. Phim ảnh thì vẫn là phim ảnh, còn cuộc sống thì vẫn là cuộc sống, nó vẫn tiếp diễn bất chấp người ta hạnh phúc hay đau khổ, thành công hay bất hạnh. Con người chỉ bước đi từng bước rất nhỏ để dần dần làm sáng tỏ số phận của chính mình- trong những bước đi ấy, ẩn chứa cả tình thương, lòng can đảm, nỗi sợ hãi và cả những sai lầm.

Điều quan trọng là họ vẫn bước tiếp về phía có ánh sáng.

Trong quá trình viết review, tôi nhớ đến truyền thuyết về Bốn kị sĩ khải huyền được miêu tả trong kinh Tân Ước. Chết chóc (Death) không khốc liệt và vô tình như hầu hết người đời thường nghĩ, mà mang một dáng vẻ u uẩn, trầm mặc. Cái chết không đe dọa mà chỉ tồn tại để nhắc nhở con người nhớ rằng họ là ai và nên làm gì trong cuộc sống hữu hạn.

 P.s: Nếu bài viết hữu ich xin mời bạn đọc ấn "Theo dõi" (nút màu xanh, ở góc trên bên phải trong trang Blog) để ủng hộ Blog và Nam. 

Trân trọng cảm ơn.


 

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

[Review Phim] Bảy võ sĩ đạo (1954)

[Review Sách] Khả năng cải thiện nghịch cảnh

[Sách Nhã Nam] Tọa đàm Thuật trị nước: Từ “Quản Tử” đến “Quân Vương”