[Review Sách] Nuôi dạy con bằng trái tim của một vị Phật


Giáo dục con cái cần đến những nỗ lực không mệt mỏi, tình thương đi kèm sự sáng suốt của các bậc làm cha, làm mẹ. Phương pháp Nuôi Dạy Con Bằng Trái Tim Của Một Vị Phật (tác giả: Dr. C. L. Claridge, Thảo Triều dịch) là con đường sáng gợi mở Phật tính trong trái tim của các bậc phụ huynh.
Từ bi và trí tuệ
Theo tinh thần Phật giáo, phương pháp dạy con không cung cấp bộ công cụ để bậc cha mẹ biến con cái mình thành những cá nhân thành công theo lý tưởng riêng. Nuôi Dạy Con Bằng Trái Tim Của Một Vị Phật hướng dẫn cha mẹ nâng đỡ, hỗ trợ để con cái mình lớn lên là công dân tự chủ, thiện ích và hạnh phúc.
Cha mẹ sẽ không phóng chiếu ước mơ của mình lên con cái, không áp đặt kỳ vọng và cũng không xem mối quan hệ giữa bản thân mình với những đứa con là một mối quan hệ đầu tư cần được đền đáp thích đáng trong tương lai (dù điều này không hoàn toàn sai và đa số các bậc cha mẹ đều mong muốn con cái hiếu thảo).
  Phương pháp Nuôi Dạy Con Bằng Trái Tim Của Một Vị Phật giả định phụ huynh là những Phật tử. Tức là giả định rằng cha mẹ đang cố gắng để hiểu sâu hơn và thực hành các nguyên tắc cùng khái niệm Phật giáo, đồng thời phấn đấu để kết hợp từ bi và trí tuệ vào các kỹ năng, chiến lược giúp con trẻ kết nối và phát triển Phật tính của chúng”.

Trong khi giáo dục con cái, đức từ bi mà thiếu vắng trí tuệ sẽ dẫn đến thói nuông chiều, nhu nhược hoặc thất thường khi dạy bảo con. Ngược lại, nếu chỉ dựa trên trí tuệ thuần túy thì cha mẹ lại trở thành nghiêm khắc, lạnh lùng và quen kiểm soát những đứa trẻ.
Do đó, bậc cha mẹ kết hợp giữa từ bi và trí tuệ thì giáo dục con cái mới đem lại những kết quả ý nghĩa. Điều này hoàn toàn tuân theo quy luật nhân quả của Phật giáo: Khi gieo nhân lành và vun trồng duyên lành thì chúng ta sẽ gặt hái quả ngọt.
Một vài gợi ích hữu ích
Đầu tiên, chúng ta cần học cách thấu hiểu hành vi của con trẻ. Thông thường, khi một đứa trẻ mắc lỗi thì người lớn có xu hướng nhìn vào việc mắc lỗi và đồng nhất lỗi lầm ấy với bản chất của chúng. Con trẻ bị trách mắng, bị trừng phạt mà không hề được thấu hiểu. Nhu cầu bên trong không được đáp ứng cộng thêm những áp lực từ bên ngoài khiến chúng trở nên lo lắng, sợ hãi để rồi lớn lên với sự khép kín cô độc hoặc bất cần, nổi loạn.
Vì vậy trong quá trình nuôi dạy con cái, cha mẹ cần chú ý đến việc giao tiếp từ ái với con. Thông qua con đường giao tiếp từ ái, cha mẹ có thể dùng cảm xúc chân thành, tình thương và kinh nghiệm để kết nối với con cái một cách đúng đắn. Ai cũng từng là trẻ em, vậy nên ta cần hiểu rằng đối với trẻ em, mọi thứ trong thế giới này đều mới mẻ, lạ lẫm. Các em có thể mắc sai lầm nhưng không nên vì vậy mà ngăn cản các em tự trải nghiệm những bài học thực sự cần thiết trong cuộc sống.
Giao tiếp từ ái giúp con cái tin tưởng cha mẹ nhiều hơn để sẵn sàng mở lòng chia sẻ suy nghĩ, tình cảm và dự định của bản thân. Khi cha mẹ sẵn lòng lắng nghe, thấu hiểu để đưa ra những hướng dẫn tôn trọng đối với con cái của mình thì chắc chắn mọi đứa trẻ lớn lên đều mang theo lòng biết ơn, kính trọng sâu sắc đấng sinh thành.
Khi chúng ta sẵn lòng trao yêu thương một cách vô điều kiện cũng chính là lúc Phật tính trong bản thân chúng ta và con cái của chúng ta được tăng trưởng.
Những đứa trẻ tự lực
Khi Nuôi Dạy Con Bằng Trái Tim Của Một Vị Phật, cha mẹ đang vun trồng nên nhân cách của những đứa trẻ tự lực. Những hành vi, lời nói, suy nghĩ cha mẹ làm gương thường ngày cũng chính là đang giải thích cặn kẽ và dễ hiểu cho con trẻ chân lý phổ biến về tính vô thường, tính không và chánh niệm- theo cách thức dễ tiếp thu nhất song cũng để lại ấn tượng sâu đậm nhất.
Khi thấu hiểu những nguyên lý cơ bản này, thì trẻ sẽ ý thức được cần phát triển lòng kiên nhẫn, sự hiểu biết bên trong bản thân cũng như hướng tình thương của mình ra bên ngoài, với vạn vật xung quanh. Cho đến lúc trưởng thành, bởi các em ý thức được nhân – quả nên sẽ tập chịu trách nhiệm với lựa chọn của bản thân, bởi các em hiểu rõ mọi thứ đều không tồn tại vĩnh cửu nên sẽ không quá đau buồn trước mất mát. Và, bởi chánh niệm, các em sẽ không lãng phí phút giây nào trong đời mình để làm những điều có hại cho những người xung quanh.
Vì các em đã hiểu, tất cả mọi thứ đều liên quan đến nhau và là một.
Cuốn sách Nuôi Dạy Con Bằng Trái Tim Của Một Vị Phật khiến tôi nhớ đến những tác phẩm rất nhân văn như: Giáo Dục Và Ý Nghĩa Cuộc Sống của J.Krishnamurti, Emile Hay Là Về Giáo Dục của Rousseau, Những Tấm Lòng Cao Cả của Emondo De Amicis, Totochan Cô Bé Bên Cửa Sổ của Tetsuko Kuroyanagi, Chiến Binh Cầu Vồng của Andrea Hirata.
Một tác phẩm thực sự hay về giáo dục là một tác phẩm có thể gợi nên những rung động, khao khát thay đổi theo hướng tích cực hơn trong lòng người đọc. Cũng như một nhà giáo dục thực sự thì tác động đến không những trí tuệ mà còn trái tim của những thế hệ trong tương lai.
Nhà giáo dục đầu tiên và quan trọng nhất đối với trẻ em, luôn là cha mẹ.


Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

[Review Sách] Tiến trình thành nhân

[Review Phim] Thiên tài bất hảo (Bad Genius)

[Review Sách] Dịch Hạch