[Review Sách] Giáo dục và ý nghĩa cuộc sống


Cuốn sách Giáo dục và ý nghĩa cuộc sống giúp người đọc không còn hoang mang trước hàng loạt các phương pháp, công nghệ giáo dục trong thời đại bùng nổ thông tin. Thêm lần nữa, tác giả J. Krishnamurti nhắc chúng ta nhớ rằng: Cuộc sống là thước đo chân thực nhất để kiểm nghiệm chất lượng giáo dục.

Trong lời nói đầu, tác giả có đặt ra hai câu hỏi:
“Ý nghĩa của cuộc sống là gì?
Chúng ta sống và đấu tranh vì điều gì?”
Những câu hỏi thiên về triết học này thực ra lại gắn bó rất chặt với số phận của mỗi con người. Không nên đợi đến lúc gặp phải bất trắc trong cuộc sống chúng ta mới nghĩ đến điều này.
Cá nhân tôi thường suy nghĩ về quy luật thời thanh niên ra quyết định vì cảm xúc, thời trung niên ra quyết định vì lợi ích và thời lão niên ra quyết định vì ý nghĩa. Tại sao chỉ khi đến già, con người mới có ý định làm những điều có ý nghĩa?  Hoặc mới nhận ra điều gì là có ý nghĩa?
Chìa khóa nằm ở sự giáo dục mà mỗi chúng ta được tiếp cận.
Thế nào là giáo dục?
Giáo dục trước hết không phải là đào tạo tâm trí, huấn luyện các kĩ năng, tích trữ kiến thức hay nâng cao ý thức về sự khác biệt.
Giáo dục tập trung vào nhận thức của con người, trước hết là về chính bản thân mình sau đó là về thế giới như là một chỉnh thể thống nhất, toàn vẹn và hài hòa.
Con người giống nhau và cũng khác nhau. Giống nhau bởi bản chất người và khác nhau bởi khí chất, hoàn cảnh. Đó là lý do ai cũng cần được giáo dục song phương cách giáo dục lại khác nhau.
J. Krishnamurti đã khẳng định:
Chức năng của giáo dục là tạo ra những con người toàn diện và có trí tuệ. Trí tuệ là năng lực nhận biết cái bản chất, cái vốn đang tồn tại; và việc đánh thức năng lực này, ở bản thân và ở mọi người, chính là giáo dục.
Tính toàn diện ở đây không nên bị hiểu là sở hữu nhiều kiến thức, bằng cấp và giỏi giang ở nhiều lĩnh vực. Bởi những đánh giá về biểu hiện bên ngoài luôn có giới hạn rõ ràng. Giống với chú cá say đắm mồi câu, sự đánh giá có thể khiến người ta chạy theo chúng mà quên đi giá trị thực của mình.
Có phải những người thành đạt đều hạnh phúc? Có thể họ xứng đáng với điều ấy- chủ yếu bởi nỗ lực thay vì sự sáng suốt. Nhưng sẽ ra sao nếu họ không cảm thấy hạnh phúc? Đó là bởi không có trí tuệ thực sự, nên họ từ chối sống theo con người thực của bản thân rồi chấp nhận đóng vai chính cho khán giả xem trong vở diễn của cuộc đời mình. Đổi lại cho sự hi sinh không gì bù đắp ấy là sự tán thưởng.
Quãng đường giữa học hỏi – hiểu biết – thực hành trên quy trình sách vở tưởng gần mà hóa ra luôn cách xa nhau, thậm chí đôi khi là không bao giờ đạt đến nếu sự giáo dục không có khả năng đánh thức trí tuệ.

Cha mẹ và người thầy
Quan tâm đến việc tự giáo dục cần thiết hơn nhiều so với lo lắng làm thế nào để tạo cuộc sống sung túc và an toàn cho tương lai của đứa trẻ.
Tác giả J. Krishnamurti có quan niệm đúng đắn về nhà giáo dục. Ông cho rằng, giáo dục bắt nguồn từ nhà giáo dục.
 Đâu đó, vẫn có mâu thuẫn giữa sở thích của trẻ và giá trị của sở thích ấy trong mắt người lớn. Khi trẻ đến trường, tham gia các lớp học ngoại khóa, ngồi vào góc học tập, xem các chương trình học tập thì mới được coi là học. Khái niệm “học” được định nghĩa nghiêm túc và chính chuyên đến độ phải nhồi nhét, phải đạt được. Liệu quan niệm này có đúng đắn?
Khi trẻ chơi đồ chơi, đùa nghịch cùng bạn bè, xem sách, truyện thì lại bị coi là đang chểnh mảng học tập. Rõ ràng trong vai trò định hướng, nếu nhà giáo dục ép buộc đứa trẻ đi theo hướng dẫn của mình để đạt được những kết quả không phải tự thân đứa trẻ thấy muốn thì họ đang trở nên khiên cưỡng không cần thiết. Điều này tạo nên “Những đứa trẻ chín ép”.
Giáo dục thực sự là vì lợi ích của người được hướng dẫn, tức người học. Thay vì để người dạy đạt các mục tiêu của bản thân mình.
Nhà giáo dục có tầm ảnh hưởng nhất trong tất cả các nhà giáo dục chính là cha mẹ của chúng ta. Đôi lúc, chúng ta có thể bắt gặp hình ảnh những cô bé, cậu bé trưởng thành mang hình ảnh của cha mẹ mình. Sẽ thật đáng mừng nếu biết ràng điều đó diễn ra hoàn toàn tự nhiên do tình yêu, sự trân trọng và mến phục sâu sắc mà con cái dành cho cha mẹ.
Lại càng tốt đẹp hơn nữa, nếu đứa trẻ thừa hưởng được một vài đức tính tốt đẹp của những người lớn chúng kính trọng song vẫn gìn giữ bản sắc của riêng mình.
Đó là lý do tại sao vũ trụ không bao giờ sinh ra chúng ta trùng lặp và mỗi người đều chỉ có một cuộc đời duy nhất, sống trọn vẹn với chính mình. Giữa nhà giáo dục và người được giáo dục tồn tại mối quan hệ bình đẳng, chân thành. Vì vậy, sự tôn trọng mới xuất hiện.
Lời kết
Dù cuốn sách chỉ vỏn vẹn hơn 150 trang, song tư tưởng của J. Krishnamurti chứa đựng chiều sâu trí tuệ vô hạn. Cá nhân tôi sẽ còn phải đọc lại cuốn sách này rất nhiều lần để mong mỏi phần nào hiểu được những điều ông viết. Dù vậy, có duyên được đọc cuốn sách này để ghi lại đôi ba dòng cũng khiến tôi cảm thấy phấn chấn.
Ngẫm lại những điều đã qua trên chặng đường học tập nhỏ bé của bản thân, tôi càng thấm thía sự kì diệu khi thuận theo tự nhiên và tầm ảnh hưởng của những nhân cách có khả năng giáo dục. Dù chưa từng nhận là nhà giáo dục, vậy mà trong khi tiếp xúc, có những con người đặc biệt đã khơi gợi trong tôi ham muốn khiến cho mình sống có ý nghĩa và hiểu thêm nhiều điều hơn về cuộc sống này. Để trả lời cho câu hỏi:
“Ý nghĩa của cuộc sống là gì?
Chúng ta sống và đấu tranh vì điều gì?”

P/s: Viết xong bài này, tôi chợt nhớ lại một cảnh quay trong phim Tiếng gọi nơi hoang dã mới xem. Ở bên dòng suối, ông John chỉ cho chú chó Buck thấy mình đang tìm vàng rồi lấy ra miếng vàng nhỏ cỡ hòn sỏi để minh họa. Thế là chú Buck tìm được một cục đá, ông chủ ra hiệu là không phải. Tiếp đến, Buck lại quay đi rồi bới được một khối vàng to, thế nhưng sực nhớ ông chủ đang muốn vàng cỡ nhỏ như hòn sỏi, chú thả ngay khối vàng xuống nước để tìm tiếp.
Cuối cùng, Buck tìm được mảnh vàng nhỏ giống với minh họa để mang lại cho chủ. Thế là chú được ông John khen ngợi.
Xem đến đây tôi cảm rất thú vị và cười lớn.

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

[Review Sách] Tiến trình thành nhân

[Review Phim] Thiên tài bất hảo (Bad Genius)

[Review Sách] Dịch Hạch