[Chia sẻ] Lời tâm sự của sinh viên năm cuối
Tôi vốn thích việc trao đổi trực tiếp vấn đề một cách thẳng thắn nhưng tôi nghĩ rằng theo cách này thì những gì tôi chia sẻ sẽ được nhìn nhận ở góc độ khách quan hơn- không phải bày tỏ của một sinh viên tốt hay chưa thực sự tốt, mà chỉ đơn thuần là sự chia sẻ của một sinh viên sắp ra trường.
Qua đây tôi cũng xin gửi lời tri ân đến những giảng viên đã tâm huyết truyền thụ tri thức và kinh nghiệm sống của mình tới các thế hệ sinh viên trong nhiều năm qua, bằng sự kiên nhẫn và trách nhiệm của sự nghiệp trồng người cao quý.
Điều đầu tiên tôi muốn nói đến là việc học.
Thành thật mà nói đây là việc vô cũng đơn giản, chỉ cần tập trung vào vấn đề, ghi nhớ, thêm một chút suy luận là đã có được kết quả tạm ổn. Nhưng dường như chúng ta chưa quan tâm lắm đến công việc chính này ở trường Đại học. Vậy lý do chúng ta đến với trường Đại học là để làm gì ? dĩ nhiên sẽ có rất nhiều câu trả lời như là tấm bằng, công việc tốt, cơ hội thăng tiến v.v… nhưng theo tôi nghĩ, chúng ta đến nơi này là để học và đó là việc chính.
Tại sao con người cần học ? Chắc các bạn sinh viên Văn hóa đều biết, bản năng trong chúng ta là thuộc về lẽ sinh tồn trong tự nhiên, đó là sự khai thác, hấp thụ trao đổi và loại bỏ để đáp ứng nhu cầu, một sự thật trần trụi là nó khai phá nhiều hơn tạo dựng. Con người hầu như giống nhau và may mắn rằng chúng ta đã biết học để chế ngự bản năng đó.
Thử tưởng tượng nếu chúng ta sống trong một xã hội được chi phối bởi bản năng thuần túy thì điều gì sẽ xảy ra ? hãy hình dung đến chương trình động vật trên kênh Discovery, trên đồng cỏ một chú nai vàng ngơ ngác và bụp ! một con sư tử đói vồ lấy ăn tươi, xong xuôi nó liếm mép và bầy nai chẳng có vẻ gì là xúc động.
Từ bỏ việc học cũng tức là phủ nhận vai trò động vật cấp cao- con người. Khi có cơ hội, tôi thành thật mong các bạn cố gắng học tập, mặc dù khả năng tư duy và năng khiếu là khác nhau nhưng hay thật siêng năng và chịu khó tiếp thu.
Nên nhớ dù ở môn học khô khan nhất thì bạn cũng sẽ học được lòng kiên nhẫn. Bên cạnh đó, đừng mong chờ mọi kiến thức sẽ tự chất đầy đầu nếu bạn ngồi im trong lớp và không làm gì cả. Hãy tích cực một chút, giống như những chú gà các bạn hay thấy ở trường ta, chăm chỉ nhặt thóc, chú nào chăm sẽ có nhiều.
Ngoài chương trình chính khóa, nên lưu ý thêm việc học ngoại ngữ, các kiến thức cơ bản về công nghệ thông tin và bồi dưỡng những năng khiếu sẵn có. Năng lực càng đa dạng thì càng có nhiều lựa chọn cho công việc trong tương lai hơn. Ai trong chúng ta cũng lo sợ thất nghiệp nhưng thật nực cười nếu chúng ta chỉ lo sợ mà không cố gắng tự tạo ra những cơ hội cho bản thân.
Điều thứ hai tôi muốn chia sẻ là về cách ứng xử và các mối quan hệ.
Có nhiều lí do khiến bạn lựa chọn một trường đại học, nhưng lý do hấp dẫn nhất là do có sẵn “đầu ra” (việc làm nhàn, có người nâng đỡ, lương cao). Tuy nhiên không phải ai trong chúng ta cũng có quý nhân phù trợ, song đừng vì thế mà cảm thấy đố kỵ hay cay đắng.
Hãy suy nghĩ đơn giản, đó là do những người thân của họ đã cố gắng từ rất lâu để tạo dựng sẵn tương lai cho họ, một con đường bằng đá cẩm thạch chắc chắn nhưng đơn điệu. Còn bạn, cha mẹ có thể không phải là những người quyền cao chức trọng, song họ cho bạn cơ hội học đại học cũng tức là cho bạn cơ hội để dựng nên con đường của riêng mình, tất cả ở đó đều là bí mật đang chờ bạn.
Vậy nên đừng so sánh việc người khác thuận lợi, bởi đôi khi chính sự thuận lợi đó khiến cho bạn mất đi cơ hội khám phá về tiềm năng của bản thân mình (có thể tham khảo thêm về thuyết “Trí thông minh đa dạng” để thấy rõ điều này).
Các bạn có tuổi trẻ và nó đáng giá hơn cách các bạn sử dụng như hiện nay rất nhiều.
Cách ứng xử cũng chiếm vai trò quan trọng trong việc bạn có thành công và hài lòng với cuộc sống hay không (thậm chí là 85%- tôi nhận thấy đa phần những người thành đạt và có vị trí xã hội tôi được gặp mặt đều đồng tình với điều này). Theo tôi thì ngắn gọn ở mấy điểm:
- Việc gì giúp được người khác thì nên cố gắng tận tình, thậm chí không nằm trong phạm vi trách nhiệm của mình hoặc không mang đến lợi ích cá nhân.
- Nên tôn trọng những người lớn tuổi và những người đã truyền dạy cho mình kinh nghiệm hoặc kiến thức, có tinh thần chủ động học hỏi (đừng vì vấn đề điểm số, lời trách mắng hay yêu cầu khắt khe mà có cái nhìn tiêu cực, điểm cao hay thấp quan trọng nhưng để có một bài học bổ ích thì giá đó là giá hời- nếu không tin sau này cứ thử đi làm sẽ rõ).
- Không e ngại nhận trách nhiệm, thống nhất trong lời nói và hành động (tỏ ra láu cá thì chỉ đủ để mua vui cho người có kinh nghiệm hơn).
- Thành thật rất quan trọng.
- Sống có tâm (làm việc nào cho ra việc ấy, ở vị trí hay trọng trách nào thì phải xứng đáng với vị trí và trọng trách ấy (có thể tham khảo thuyết “Chính danh”- Nho giáo), không kiêu căng tự phụ, ăn nói từ tốn, làm việc thận trọng, có tình và nghĩa).
- Nên trân trọng khi được bạn bè hay người khác giúp đỡ, đừng oán trách khi không ai giúp đỡ mình. Biết nói “cảm ơn” và “xin lỗi” đúng lúc (2 lời này như những món quà, mà không ai trong chúng ta lại ghét quà tặng cả)
- Không nên quá coi trọng những thú vui cá nhân hoặc ủng hộ những người coi trọng thú vui cá nhân (ăn, ngủ, game, chịch, nhậu, facebook v.v…), nên đi ra ngoài quan sát và lắng nghe nhiều hơn về cuộc sống.
- Nên giữ thái độ vui tươi, hòa đồng, thoải mái trong chừng mực có thể (có thái độ lạnh lùng hay tỏ ra khác người để sau đó đòi người khác thấu hiểu là vô lý).
Điều thứ ba tôi muốn nói đến là việc đi làm thêm và cách cân đối thời gian trong quãng đời sinh viên.
Khẩu hiệu YOLO (you only live once- bạn chỉ sống một lần) đã khích lệ chúng ta vui chơi, mua sắm và du lịch rất nhiều, nhưng mảng thú vị nhất là lao động thì dường như chúng ta ít có động lực để khám phá. Dĩ nhiên tuổi trẻ không nên quá áp lực với công việc, nhưng tìm công việc để trải nghiệm, tăng vốn sống và phụ giúp gia đình cũng là ý kiến hay.
Đừng quá lo lắng về vấn đề cân đối thời gian, bạn đã là sinh viên Đại học rồi nên hoàn toàn có thể cân đối giữa việc học và việc đi làm thêm. Chỉ cần lưu ý đảm bảo sức khỏe, thành tích học tập và các mối quan hệ là coi như đã thành công. Mỗi công việc bạn làm có thể không liên quan đến chuyên ngành học tập nhưng lại tăng thêm kĩ năng và giải quyết các vấn đề không tưởng (mà nếu học tại các trung tâm thì cũng mất kha khá thời gian song chưa chắc đã hiệu quả):
- Nếu bạn làm phục vụ bàn thì bạn sẽ biết kiên nhẫn lắng nghe và quan sát thái độ của người khác, chân tay nhanh nhẹn và chắc chắn hơn.
- Nếu bạn làm gia sư thì bạn sẽ biết cách dỗ trẻ em, tăng tính kiên nhẫn trong truyền đạt.
- Nếu bạn đi phát tờ rơi thì sẽ có thêm kinh nghiệm trong việc khảo sát thị trường hay phát phiếu điều tra xã hội học.
- Nếu bạn làm tư vấn viên qua điện thoại thì sẽ học được cách điều chỉnh giọng nói sao cho dễ nghe và nắm bắt cảm nhận của người khác qua giọng nói.
- Nếu bạn đi phụ tour du lịch thì sẽ học được rất nhiều kinh nghiệm trong nghề du lịch, được đi đây đi đó, quen biết nhiều người.
- Nếu bạn đi làm cộng tác viên cho các công ty sự kiện thì sẽ học được cách bao quát công việc chung, tự giảm áp lực cho bản thân và lên ý tưởng, bạn nào nhiệt tình thì còn học thêm được thiết kế đồ họa, kĩ năng làm MC, kĩ năng treo phông bạt, đánh giá hệ thống âm thanh ánh sáng và hiểu biết cơ bản để tổ chức một sự kiện.
- Nếu bạn làm nhân viên giao hàng thì sẽ nắm được hệ thống đường xá và gia tăng khả năng tính toán
…
Nhìn chung là nên hoạt động nhiều và thử nhiều việc trước khi ra trường, cũng đừng quá kì vọng rằng có một công việc như ý trong khi bản thân chưa hề được trang bị đầy đủ các kiến thức và kĩ năng căn bản.
Mỗi công việc đều có nỗi vất vả riêng song trưởng thành sớm hay muộn phần nhiều phụ thuộc vào cách chúng ta đối diện với khó khăn.
Điều thứ tư tôi muốn chia sẽ là về tình cảm.
Chúng ta sẽ bắt đầu từ phần gần gũi nhất nhưng quan trọng nhất đó chính là tình yêu gia đình. Tốt nhất nên thế. Nên dành thời gian quan tâm đến gia đình nhiều hơn, gọi điện và về thăm nhà thường xuyên hơn. Tôi đã thấy nhiều loại tình cảm, nhưng tình cảm gia đình là tình cảm thiêng liêng nhất và có giá trị nhất trong mọi thời điểm, bất kể khi bạn đang vui vẻ, đau khổ, sung túc hay khó khăn.
Tình cảm gia đình không bao giờ trượt giá và người nào đầu tư cho tình cảm ấy là người khôn ngoan. Đôi khi, tôi thấy bực mình vì sự quan tâm quá mức của cha mẹ, tôi thất vọng vì cha mẹ không hiểu mình, về sở thích hay tính quảng giao của đứa con trai như tôi nhưng đấy là ban ngày. Ban đêm khi mà mọi thứ yên lặng, tôi nghĩ lại và nhận ra, tôi là con, họ chỉ biết yêu thương tôi còn tôi giận họ vì điều đó…Tuổi trẻ “vi diệu” thế đấy các bạn ạ.
Kế đến tôi muốn nói về tình cảm bạn bè. Một người bạn tốt đúng nghĩa, có khả năng truyền cảm hứng, đưa ra những lời khuyên hay và sẵn sàng giúp ta mà không cần cho ta biết đến, hay coi việc của bạn cũng là việc của mình (đôi khi ngược lại) là điều cần phải có nhất trong những năm học đại học (tôi rất vui khi nghe bạn thân gọi mình là “liều thuốc tinh thần”).
Bạn tốt sẽ khuyên ta kiếm việc mới thay vì đi uống rượu khi bị mất việc, khuyên ta đi chơi hoặc đọc sách thay vì đi uống rượu khi thất tình, khuyên ta tập trung việc học hơn thay vì đi uống rượu nếu chẳng may phải thi lại v.v.. nhiều dẫn chứng, nhưng tôi nghĩ những người bạn tốt mang hình ảnh tương lai của chúng ta, nên chọn lựa kĩ và nếu đã có rồi thì nên trân trọng (tôi cũng có những người bạn rất tuyệt, luôn biết thông cảm khi tôi “lầy” các cuộc hẹn). Có câu “nhất quý nhất tiện, giao tình nãi kiến; nhất tử nhất sinh, nãi kiến giao tình” ngẫm lại thấy hay.
Sau chót là tình yêu nam nữ. Đây là điều hết sức tự nhiên, là rung động của tuổi trẻ, nên chân thành và suy nghĩ có trách nhiệm trong mỗi hành động. Cảm xúc tình yêu mang lại sẽ có tác động lớn đến cuộc sống. Nhưng cũng không nên quá bi lụy nếu lâm vào hoàn cảnh “tình đơn phương” hay chẳng may có va vấp đổ vỡ, bởi chẳng ai thực sự có lỗi nếu họ không thích hay muốn chia tay bạn.
Phần này bản thân tôi cũng không rành lắm nên các bạn có thể đọc tiểu thuyết ngôn tình đề hình dung ra tình yêu lý tưởng sau đó đi thực tế để trải nghiệm, tổng kết lại các bạn sẽ có được một vốn kinh nghiệm về tình yêu thời sinh viên. Tuy nhiên tôi cũng mong các bạn sẽ tìm được một tình yêu phù hợp và đem lại nhiều điều tích cực. Hôm qua tôi mới chia sẻ với người bạn câu châm ngôn “lấy tình yêu ra khỏi cuộc sống là lấy niềm vui ra khỏi cuộc đời” để minh họa cho anh ấy rằng là tình yêu giống không khí bây giờ, nhiều khói bụi nhưng không thể không hít thở được.
Điều cuối cùng tôi muốn tâm sự là về niềm vui.
Các trò giải trí càng ngày càng nhiều, các cuộc vui hay các chương trình truyền hình giải trí cũng không thiếu, nhưng dường như niềm vui không nằm ở đó mà niềm vui ở việc chúng ta sống thành thật và vui vẻ giúp đỡ người khác, tự học thêm những kĩ năng mới để hoàn thiện bản thân hơn.
Tôi cũng cho rằng niềm vui không thực sự đến từ việc có nhiều tiền và được nổi tiếng. Bởi người ta đổi sức khỏe lấy tiền sau đó dùng tiền cứu sức khỏe, còn nếu quá coi trọng danh tiếng thì dễ mắc thói hư vinh không thực chất, quên đi cái cốt yếu là danh dự.
Tôi biết ơn những thầy, cô giáo và các thế hệ đàn anh, đàn chị đi trước đã cho tôi lời khuyên. Những người bạn đã tin tưởng tâm sự với tôi để tôi có thể đúc kết lại một chút gì đó trong thời sinh viên của mình để chia sẻ với các bạn. Tôi rất vui nếu như các bạn tìm thấy đôi điều có ích trong bài viết này.
Hi vọng các bạn sẽ thành công trong lĩnh vực mình lựa chọn và biết cách tự tạo ra niềm vui trong cuộc sống.
P.s: Nếu thông tin hữu ich xin mời bạn đọc ấn "Theo dõi" (nút màu xanh, nằm ở góc trên bên phải Blog) để ủng hộ Blog và Nam.
P.s: Nếu thông tin hữu ich xin mời bạn đọc ấn "Theo dõi" (nút màu xanh, nằm ở góc trên bên phải Blog) để ủng hộ Blog và Nam.
"Sinh viên" Hoàng Nam tích lũy cho mình được nhiều điều tốt đẹp quá. Chắc chắn anh đã có một tuổi trẻ "vi diệu" lém ^^
Trả lờiXóaAnh Nam cũng hãy thật vui vẻ và thành công trong mọi chọn lựa của mình nha.
Cảm ơn Liên, mong em cũng thật thành công trong lĩnh vực em chọn nhé. Rảnh thì lại vào đây đọc bài cho vui.
Xóa