[Chia sẻ] Chuyện chiếc điện thoại
Năm tôi học lớp 9, lần đầu tiên tôi được bố giao cho một chiếc điện thoại di động. Chiếc điện thoại Samsung nắp gập ấy có vỏ màu bạc, màn hình đen trắng và mỗi lần đổ chuông lại có đèn tín hiệu nhấp nháy khá vui mắt. Được giao cho điện thoại khiến tôi cảm thấy trưởng thành hơn. Tôi có thể gọi điện, nhắn tin với bạn bè hoặc chơi 3 trò chơi cài đặt sẵn trong máy. Thỉnh thoảng, tôi có ngấp nghé mấy chuyên mục tải game với giá 15.000 đồng một game trên mấy trang phụ lục của các tờ báo giấy. Tôi thử một lần và mất 15.000 đồng trong tài khoản, thế là tôi quên ý tưởng ấy đi.
Thời
đó đã thuộc về quá khứ. Ngày nay trẻ em được cha mẹ cho dùng điện thoại sớm với
những chiếc máy hiện đại hơn, có thể truy cập Internet và đắt tiền hơn. Người lớn
cũng bận tâm nhiều đến “chú dế yêu” một phần bởi công năng sử dụng, một phần bởi
tính thời thượng. Nhưng cá nhân tôi vẫn dành tình cảm cho dòng máy có chức năng
cơ bản. Mặc dù do yêu cầu công việc, tôi vẫn cần duy trì dùng song song cả dòng
máy cảm ứng thông minh lẫn dòng máy bàn phím (hay còn gọi là “cục gạch”).
Tôi
thích một chiếc điện thoại có chức năng bắt sóng, nghe gọi tốt, pin bền bỉ, soạn
tin nhắn thông thường. Với những tính năng cơ bản này, chiếc điện thoại thực sự
trở thành một vật dụng hữu ích giúp tôi tiết kiệm thời gian. Còn chiếc điện thoại
thông minh nhiều tính năng hơn mức tôi thực sự cần. Nên tôi nghĩ nó tiêu tốn thời
gian, sự tập trung của người dùng hơn: từ kiểm tra email, thông báo trên mạng
xã hội, nhắn tin trong các nhóm, mua sắm online, xem video, chơi game, đọc báo
v.v.
Do
đó, tôi rất thông cảm cho các bạn thanh thiếu niên không thể nào rời tay khỏi
chiếc điện thoại nhiều tính năng như vậy. Chỉ loáng một cái là chiếc điện thoại
đã ở trên tay. Sau đó là tiếng mắng nhiếc ầm ĩ của cha mẹ, tiếng khóc lóc nỉ
non của con cái rồi thì đâu lại vào đấy. Chiếc điện thoại thông minh lại leo
tót lên tay các bạn trẻ. Các bạn mỉm cười ngây ngô khi nhìn vào màn hình với những
tiếng lách tách vui tai vang lên khi soạn tin nhắn. Và đâu đó những lời cảnh
báo về chứng Ám Sợ Thiếu Điện Thoại (nomophobia) cứ vậy như gió thoảng mây bay.
Một số bậc cha mẹ đôi khi cũng mắc chứng này nên khó nhận ra nan đề ở con trẻ để
giúp các bạn vượt qua hoặc phòng ngừa. Đôi lúc tôi nghĩ, trong thời đại công
nghệ chẳng xiềng xích không dây nào lại tốt hơn chiếc điện thoại thông minh.
Với
điện thoại “cục gạch”, tôi thấy mình có thể bình yên đọc sách hoặc ngồi thiền
mà không lo lắng bị làm phiền bởi những tiếng chuông hay nỗi bồn chồn cảm thấy
cần phải kiểm tra thông báo mới trên mạng xã hội. Chiếc điện thoại bé nhỏ,
khiêm nhường ấy không hề đắt tiền. Có những chiếc tôi dùng 2 đến 3 năm mới phải
đổi (lần gần đây nhất tôi đổi máy là vì quy định tắt sóng 2G/3G tại Việt Nam).
Với những tính năng cơ bản ấy, tôi khá hài lòng. Vì cuộc sống lý tưởng của tôi
là hướng đến những điều chất lượng, không phải số lượng. Hơn nữa, đời thực của
tôi là “offline” (ngoại tuyến) chứ không phải online (trực tuyến).
Chiếc
điện thoại “cục gạch” vững chắc cũng bảo vệ tôi khỏi những cuộc trò chuyện dài
dòng vô bổ hay những lời mời gọi quảng cáo hấp dẫn, những video nhảm nhí không
đầu, không đuôi. Lựa chọn này khiến tôi có vẻ lạc hậu, tẻ nhạt- mà quả thực đã
có lần anh bạn nhìn tôi rút chiếc máy ra thì buông ngay câu: “Ông vứt mẹ cái
máy này đi cho tôi nhờ”. Tôi chỉ cười. Bạn tôi nóng tính nhưng tốt bụng, anh ấy
có thói quen nói ra những điều mình nghĩ nên tôi cũng không trách. Vì người nói
ra những điều họ thực sự nghĩ trong thời buổi này không nhiều, nên tôi càng quý
mến anh ấy hơn.
Nhưng
tôi cũng không có ý định vứt bỏ “cục gạch yêu” của mình. Nó giúp tôi kết nối với
mọi người và khỏi đầu cho những mối quan hệ, những cuộc gặp chất lượng. Bởi người
có lưu số điện thoại của bạn và gọi cho bạn, là người thực lòng quý mến, tôn trọng
bạn.
Tôi
không phủ nhận ích lợi, sự thuận tiện của điện thoại thông minh trong thời đại
số. Nhưng cá nhân tôi vẫn dành tình cảm cho những vật dụng cơ bản, đủ chức năng
để dùng cho đúng mục đích như điện thoại “cục gạch”. Chỉ hơi đáng tiếc là những
năm gần đây, hình như các hãng sản xuất ít chau chuốt cho dòng máy cơ bản này
hơn. Càng ngày trọng lượng máy, độ bền của pin, tính mỏng manh của cáp sạc càng
rõ hơn. Tôi đoán mò kinh doanh dòng máy này lãi không cao, nhu cầu thị trường
cũng hạn chế nên họ chỉ làm ra sản phẩm ở mức vừa đủ dùng. Với tư duy làm ra một
sản phẩm chỉ ở mức vừa đủ dùng mà không phải là tốt, tôi nghĩ một điều gì đó rất
đáng quý, thứ làm nên thương hiệu cho những tập đoàn lớn đang dần mai một. Có lẽ
khi đủ lớn rồi thì con người ta ít bận tâm đến những điều nhỏ.
Nhưng
tôi cũng không am hiểu chuyện bán buôn lắm nên chẳng thể bàn thêm. Chỉ biết rằng
tôi vẫn là một người dùng ưa thích chiếc điện thoại với tính năng cơ bản. Vì nó
giúp người với người gần nhau hơn. Thay vì khiến cho người ta “dù chẳng xa mặt
nhưng vẫn cách lòng” khi mỗi người cúi gập đầy thành kính vào mỗi chiếc điện
thoại của mình, coi nó như thần thánh, trong cùng một mâm cơm, bàn trà- thật là
“trong gang tấc lại gấp mười quan san”.
Nhận xét
Đăng nhận xét