[Review Phim] Coraline

Coraline (2009) là một bộ phim hoạt hình theo lối stop-motion và có âm hưởng hơi u tối, rùng rợn. Phim được dựng lại theo cuốn tiểu thuyết của tác giả Neil Gaiman.

Ảnh: Pinterest

Tôi được một người bạn giới thiệu về nhân vật Coraline nên đã tò mò xem bộ phim này. Có thể phim hơi đáng sợ với các bạn nhỏ. Nhưng sau khi xem phim, tôi đánh giá đây là một bộ phim hay với nhiều thông điệp ý nghĩa.

Nội dung phim xoay quanh cuộc sống của cô bé Coraline khi dọn đến căn nhà mới cùng cha mẹ. Đó là một tòa lâu đài cũ cùng những vị hàng xóm kì quặc. Coraline cảm thấy mọi thứ thật tồi tệ khi cha mẹ bận rộn với công việc và không quan tâm đến mình. Thế rồi tình cờ, cô bé khám phá ra một cánh cửa bí mật bị bịt kín sau tường, nơi nối đến một thế giới khác…đoạn sau thì bạn có thể xem phim để tận hưởng chi tiết hơn. 

Bây giờ, tôi sẽ tập trung vào chia sẻ những thông điệp mình rút ra được sau khi xem phim. Đây là cảm nhận của cá nhân tôi, có thể sẽ có điểm giống và cũng có điểm khác so với cảm nhận của mọi người


Ảnh: Pixabay

Thế giới bên kia của phù thủy Beldam cho chúng ta thấy ai cũng có khoảng tối trong tâm hồn. Những nhân vật như bà April hay bà Miriam sống với sự nuối tiếc quá khứ tươi đẹp thời đỉnh cao của mình (họ có thói quen nhồi bông những chú chó đã chết, như là một cách kì quặc để đóng khung quá khứ) hay ông Bobinsky cố chấp với mong muốn tạo gánh xiếc chuột nhảy (thử nghiệm đủ loại phomat với đám chuột, nhưng thực tình ông ta có cho chúng ăn hay không thì không ai rõ).

Họ không chỉ là con rối trong tay Beldam, mà họ thực sự được tạo nên từ phần tối trong con người mà Beldam khéo léo lợi dụng. Beldam hiểu rất rõ bản tính ích kỷ của con người nên bà ta đã tạo ra một thế giới cung phụng cho sự ích kỷ ấy. Bản thân bà ta với ham muốn được yêu thương cũng là biểu tượng cho sự ích kỷ.

Nếu đi ngược lại lý do vì sao Coraline lạc vào thế giới của Beldam, ta thấy ngay cả bố mẹ của Coraline cũng chỉ tập trung vào việc họ làm, cậu bạn mới chăm chú vào trò chơi của riêng cậu còn Coraline thì chỉ mong muốn được quan tâm. 

Nếu mọi người đều chỉ biết tập trung đến vấn đề và nhu cầu của riêng mình, thì có thể cuộc sống sẽ càng ngày càng chìm vào những hang động tăm tối hơn. Chiếc chìa khóa màu đen và đôi mắt được làm từ cúc áo màu đen khiến tôi có ấn tượng như vậy.

Dường như không phải những thế lực đen tối tìm đến con người, mà con người hoặc chủ ý hoặc vô ý tìm đến với chúng mà không hề tự nhận thức được.

Ở một phương diện khác, tôi có sự liên tưởng giữa thế giới ảo của Beldam trong phim và thế giới ảo trên không gian mạng nơi chúng ta đang sống.

Thế giới ảo của Beldam tạo nên những món ăn hấp dẫn, những người bạn thú vị và chiều chuộng mọi ý muốn của Coraline. Ở đó, Coraline được tận hưởng cảm giác cô là trung tâm của vũ trụ mà không mất gì cả. Điều duy nhất Beldam cần ở cô là đôi mắt. Giống như ba đứa trẻ trước đây, khi chúng bị cám dỗ đánh đổi đôi mắt, chúng vĩnh viễn trở thành đồ chơi và làm nô lệ cho mụ phù thủy hiểm độc này.

Hình dáng giống loài nhện của Beldam làm tôi liên tưởng đến thế giới mạng với những tạo hình ảo hàng ngày chúng ta đang sử dụng. Bất mãn với đời thực, không ít người có thể chìm đắm trong đó kèm theo sự mơn trớn “cái tôi”. Họ có thể tạo nên hoặc phá bỏ các luật lệ, không cần chịu trách nhiệm và có thể mặc sức vơ vét những gì họ thích, chà đạp những điều, những người họ không thích trong thế giới ảo họ tưởng rằng thuộc về riêng họ.

Đến chính bản thân tôi cũng cảm thấy ngỡ ngàng vì sao lại có sự trùng hợp đến kì lạ như vậy. Đối tượng những Beldam “kỹ thuật số” nhắm tới cũng chính là những cô bé, cậu bé trong độ tuổi của Coraline: lạc lõng, cô đơn, hoài nghi và đôi khi là chán ghét đời thực.


Ảnh: Pixabay

Bộ phim đi đến hồi kết bằng hành động giải cứu bố mẹ vô cùng quả cảm của Coraline, nhưng liệu có mấy cô bé, cậu bé trong đời thực có được dũng khí từ chối đôi cúc áo màu đen thay thế cho đôi mắt thực sự? 

Con người, liệu có cần phải sống trong hai thế giới thì mới cảm nhận được hạnh phúc?

Mong rằng bạn sẽ có những giờ phút thú vị khi thưởng thức bộ phim Coraline. Dù sao đây cũng là một bộ phim hoạt hình, do đó không cần thiết phải gượng ép bản thân nghĩ quá nhiều về nó- nếu bạn không thực sự muốn.

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

[Review Sách] Khả năng cải thiện nghịch cảnh

[Review Phim] Bảy võ sĩ đạo (1954)

[Sách Nhã Nam] Tọa đàm Thuật trị nước: Từ “Quản Tử” đến “Quân Vương”