[Chia sẻ] Chuyện tuổi 30

 Tôi nhận ra mình 30 tuổi khi mọi người nhắc. Dĩ nhiên, tôi trân quý sự quan tâm ấy nhưng cũng tò mò vì sao tuổi tác lại có vai trò đặc biệt như vậy trong suy nghĩ của một số người.



Với tôi, tuổi tác là những con số, có thể kèm theo những biến đổi về suy nghĩ, thân thể hoặc không. Vì tuổi không làm nên con người mà con người tự tạo tác nên chính mình thông qua những ý nghĩ, hành vi và lựa chọn của họ. Một người nhiều tuổi có lẽ sẽ mang vốn sống phong phú hơn, nhưng để lựa chọn chuẩn xác hơn thì chưa chắc. Ngược lại, một người ít tuổi có lẽ vốn sống ít ỏi hơn, nhưng lựa chọn của họ không phải lúc nào cũng vô lý. Vì có những đoạn đời tưởng chừng vô nghĩa, khi được kết nối cùng nhau thì lại tạo nên những đường đời thật thú vị.

Sự thực là tôi không để ý đến tuổi của mình. Vậy nên tôi cũng không đồng hóa tuổi với các dấu mốc kiểu như 25 tuổi cần có thứ này, 30 tuổi cần có thứ kia rồi 31 tuổi chưa có mấy thứ đó thì cần xem xét lại trong nỗi bi quan, buồn chán. Đây là phong cách sống tôi chọn và tôi biết dù bản thân có chọn gì thì cũng sẽ có người ủng hộ, người phê bình. Tôi nghĩ như vậy là hợp tình hợp lý trong xã hội loài người.

Nhìn lại chặng đường đã qua, tôi cảm thấy khá hài lòng khi bản thân mình đã chấp nhận một xuất phát điểm bình thường để có động lực vươn lên.

Theo trí nhớ, trước khi tôi biết tôi muốn trở thành người như thế nào, tôi đã từng trải nghiệm các vai trò: cán sự khi học tiểu học và trung học (lớp phó, tổ trưởng, sao đỏ, nhóm trưởng bán trú), cán sự lớp khi học đại học (bí thư, lớp trưởng lớp niên chế, lớp trưởng của các lớp học theo hình thức tín chỉ), nhân viên phục vụ nhà hàng ăn uống, nhân viên phục vụ quán cà phê, cộng tác viên phòng tổ chức biểu diễn nhà hát múa rối nước, cộng tác viên phòng nhân sự, cộng tác viên tổ chức sự kiện, phụ tour du lịch, dẫn tour du lịch, cộng tác viên đón sân bay, hoạt động thanh niên tình nguyện, chủ nhiệm câu lạc bộ từ thiện, Tarot Reader, cộng tác viên review sách, diễn giả trong workshop dành cho các bạn sinh viên, giáo viên dạy kỹ năng đọc sách và kỹ năng tự học, biên tập viên điểm tin sách, gia sư, cộng tác viên tạp chí, cộng tác viên báo chí, phát triển cộng đồng trực tuyến, moderator cộng đồng trực tuyến, blogger, thu âm cho kênh Spotify, MC hoặc Host giao lưu cùng các diễn giả trong tọa đàm online, bán cây cảnh online, bán bánh ngọt online, cộng tác viên trong sự kiện tham vấn tâm lý học đường (nội dung hướng nghiệp), hướng dẫn kỹ năng tự vệ cho trẻ em, cố vấn cho các bạn thanh thiếu niên.

Trải nghiệm đa dạng này có lẽ là kết hợp của những động cơ khác nhau: từ rất đời thường như muốn kiếm tiền trang trải cuộc sống cho đến lý tưởng hơn là hiểu về quá trình kiếm tiền. Đồng thời là thông qua việc kiếm tiền để hiểu hơn về bản thân và người khác. Đôi khi, tôi đặt mình vào các vai trò này chỉ đơn giản là vì tò mò hoặc bởi bạn bè cần tôi hỗ trợ.

Con người này của tôi do đầu mà hình thành nên? Có lẽ bắt nguồn từ gia đình, bạn bè, thầy cô và những cuốn sách.

Với gia đình, thì chủ trương giáo dục của bố tôi là nghiêm khắc. Sau những năm tháng hiếu thắng, thích chứng tỏ là mình đúng (dùng chưa hiểu thế nào là đúng) cuối cùng tôi đã nhận ra tôi mang ơn sự nghiêm khắc của bố mình.

Sự nghiêm khắc đó là thỉnh thoảng bố đánh tôi, nhưng đánh trận nào ra trận ấy. Dù tôi mang về tờ giấy khen học sinh tiên tiến cũng bị mắng, học sinh giỏi cũng bị mắng chỉ có học sinh xuất sắc thì mới không bị mắng. Bố tôi luôn quy định rất rõ mỗi tuần chỉ được xem tivi ba buổi tối- mỗi tối 1 tiếng, khi có thêm đầu đĩa chơi game được thì mỗi tuần tôi được chơi 1 tiếng. Cơ bản, tôi được cung cấp mọi tiện nghi, tiện ích giải trí ở mức tối thiểu. Bố tôi cũng là người nóng tính và thẳng thắn nên những điều bố nói giờ vẫn còn trong ký ức của tôi. Nhưng nếu không có ngọn lửa ấy rèn luyện, tôi sẽ không đủ cứng cáp để tự lập. Vượt qua những thử thách đầu đời ấy với tôi cũng là cách để tôi tìm thấy niềm tin, sự vững vàng để dù đơn độc vẫn có thể hoàn thành việc mình đã bắt đầu.

Mẹ tôi là một người phụ nữ hiền lành. Mỗi lần nghĩ về mẹ, tôi lại liên tưởng đến lời giảng về hạnh của đất từ Đức Phật: đón nhận, nuôi dưỡng tất cả bằng lòng bao dung. Mẹ thương tôi nhưng cũng sợ bố, nên chủ trương giáo dục tôi hoàn toàn do bố định đoạt. Những lúc tôi cảm thấy bất mãn với hình thức giáo dục nghiêm khắc từ bố, mẹ đã an ủi tôi và giữ cho tôi có những suy nghĩ tích cực bằng sự nhân hậu của mẹ. Mẹ không nhanh nhẹn, ít khéo miệng nên hay bị trách mắng, nhưng sau tất cả mẹ vẫn cười, sống không để bụng ai bao giờ.

Bố mẹ tôi có điểm chung là không học cao, nhưng tôi nhận ra dù có khôn lớn đến đâu tôi vẫn cần học ở họ rất nhiều điều. Tôi coi họ là Đạo sư của đời mình: người cha cho tôi trí tuệ, người mẹ cho tôi từ bi.



Bạn bè, thầy cô cũng đóng vai trò rất lớn trong việc định hình nhân cách của tôi. Thầy cô thì giảng điều hay lẽ phải, còn bạn bè thì dạy những điều không hay không phải (không phải theo nghĩa xấu, mà chứng minh bản chất cuộc đời luôn có hai mặt nên cứ tận hưởng và đừng chán ghét gì cả). Tôi có những người thầy, người cô đáng kính trọng và cũng có những người bạn tôi mến trọng: họ là những người thống nhất giữa lời nói, việc làm, vui tính và hướng thiện. Trong suy nghĩ, tôi coi thầy và bạn như nhau, đều xứng đáng để học hỏi.

Tôi tin mỗi người đều có quá trình trưởng thành, trải nghiệm sống riêng nên không nhất thiết cứ phải đọc sách thì mới có nhận thức tốt. Vốn sống không chỉ sinh ra từ sách vở mà còn đến từ những nhiều nguồn khác nhau, chỉ cần con người có can đảm trải nghiệm và sáng suốt trả giá.

Nhưng với cá nhân tôi, nhận thức của tôi không thể phát triển nếu thiếu sách. Sách mang đến cho tôi sự kiên nhẫn và trầm tư để biến kiến thức thành tri thức. Có lẽ sách không giải quyết được hoàn toàn các vấn đề trong đời thực, nhưng sẽ cho người đọc nền tảng nhận thức đúng đắn khi tiếp cận vấn đề. Sách giúp ý nghĩ, nhiệt huyết của tuổi trẻ phần nào tránh được lầm lạc. Bởi tuổi trẻ đôi lúc mắc sai lầm rồi có thể trả giá, song có những sai lầm buộc phải trả giá đắt mới sửa chữa nổi và cuối cùng, có những sai lầm không thể khắc phục dù chúng ta trả bất kỳ giá nào.

Điều tôi yêu nhất ở đọc sách, luyện võ chính là sự đối thoại trực tiếp với thế giới nội tâm của mình. Cá nhân bên trong ấy là người đồng minh lớn nhất và cũng là kẻ thù lớn nhất trong cuộc đời: nếu không có tính chủ quan thì không thể tạo ra bản sắc, không thực sự sống. Nhưng nếu chúng ta hoàn toàn chủ quan thì thật dễ trở nên bảo thủ, độc đoán.

Tôi cho rằng khó có thể hoàn thiện bản thân khi chưa nhìn ra được rồi học cách chấp nhận con người thực của mình.

Tuổi 30, tôi dành thời gian lướt lại những trải nghiệm trong quá khứ để nhìn rõ hơn con người mình ở hiện tại. Thành tựu của tôi ở thời điểm này thuộc về thế giới bên trong nhiều hơn. Đó là một khám phá giản đơn: tôi biết mình muốn trở thành người như thế nào và hành động.

Câu chuyện của năm 30 tuổi là vậy. Câu chuyện của năm 40 tuổi có lẽ khác và tôi sẽ lại viết tiếp, nếu tôi còn sống. Đây không phải là ý nghĩa tiêu cực, bản thân tôi cũng chưa có bệnh tật hiểm nghèo gì nên bạn đọc nếu quan tâm tôi cũng không cần lo lắng. Chỉ đơn giản cuộc sống là vậy: “sinh có hạn tử bất kỳ” nên với tôi, hành động trong hiện tại là lời hứa duy nhất có thực. Những lời hứa và hành động trong tương lai là biểu tượng của những hy vọng, ước mơ- đẹp như sao trời mà cũng xa như sao trời.

Lâu ngày gặp lại, có người nhận xét tôi 30 tuổi chẳng thay đổi gì: đúng là thiếu ý chí.

Lâu ngày gặp lại, có người nhận xét tôi 30 tuổi chẳng thay đổi gì: đúng là có ý chí.

Tôi lắng nghe và mỉm cười khi nhận thấy tôi trong suy nghĩ của mọi người hóa ra có những phiên bản khác nhau mà cũng giống nhau đến vậy. Khi ai đó nhận xét về tôi, tôi cũng phần nào hiểu hơn về họ- như câu cách ngôn tôi tâm đắc: “Không có gì thuộc về con người mà xa lạ với tôi”.

 

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

[Review Sách] Tiến trình thành nhân

[Review Phim] Thiên tài bất hảo (Bad Genius)

[Review Sách] Dịch Hạch