[Sách Nhã Nam] “Địa lý hành chính và tập quán người Việt”: Gắn bó trong mâu thuẫn


Buổi tọa đàm ra mắt sách “Địa lý hành chính và tập quán của người Việt” diễn ra vào ngày 5/2 tại Phố sách Hà Nội, phố 19/12, Hoàn Kiếm, Hà Nội. Chương trình do Công ty Văn hóa & Truyền thông Nhã Nam tổ chức và Quỹ đổi mới sáng tạo VinIF tài trợ.



Trong buổi tọa đàm ra mắt cuốn sách “Địa lý hành chính và tập quán của người Việt”, PGS. TS. Bùi Xuân Đính, nguyên Trưởng phòng Nghiên cứu các dân tộc nhóm ngôn ngữ Việt - Mường, Viện Dân tộc học và BTV Đào Lê Tiến Sỹ, người biên tập cuốn sách đã chia sẻ cùng độc giả những thông tin thú vị.

Thông tin về tác giả Nguyễn Văn Huyên, được xem là người Việt Nam đầu tiên tiếp cận lĩnh vực nghiên cứu địa lý hành chính một cách khoa học, hiện đại và để lại dấu ấn đáng kể, BTV Đào Lê Tiến Sỹ cho hay, với sự kế thừa truyền thống ghi chép địa chí, địa dư đã có từ nhiều thế kỷ trước ở Việt Nam, kết hợp với những tri thức cùng phương pháp nghiên cứu mới từ các học giả người Pháp.

Độc giả Việt Nam đã từng được tiếp cận các công trình nghiên cứu có giá trị của ông như: “Văn minh Việt Nam” (2016), “Hội hè lễ tết của người Việt” (2017), “Sinh hoạt của người Việt: cư trú - kiến trúc - hát đối” (2020) và gần đây nhất là “Địa lý hành chính và tập quán của người Việt” (2023). 

PGS. TS. Bùi Xuân Đính cho biết, được đào tạo bài bản tại Pháp, tác giả Nguyễn Văn Huyên là một nhà nghiên cứu mang phong cách điền dã dân tộc học, đặc biệt coi trọng việc thực hiện các chuyến đi thực tế để quan sát, nghiên cứu, thu thập tư liệu.

Bởi vậy các chi tiết do ông cung cấp trong sách thường chân thực, chi tiết, có giá trị. 



Tác giả Nguyễn Văn Huyên quan tâm đến khảo tả phong tục tập quán người Việt và ưu điểm trong cách tiếp cận của ông là đặt phong tục tập quán trong mối liên kết với các thành tố cơ bản khác của cộng đồng như: điều kiện địa lý, bối cảnh đời sống xã hội, đời sống kinh tế, nguồn gốc dân cư. 

Qua “Địa lý hành chính và tập quán của người Việt”, độc giả sẽ có cơ hội tìm hiểu về đặc điểm cộng đồng cư dân truyền thống vùng đồng bằng Bắc Bộ vừa gắn bó chặt chẽ vừa mâu thuẫn, tranh chấp và khả năng tận dụng những giá trị nội tại phức tạp này của chính quyền phong kiến trung ương, người Pháp trong hoạt động xác lập nên sự phân cấp và quản trị các đơn vị địa lý trong quá khứ.

Buổi tọa đàm nằm trong chuỗi sự kiện của “Phố sách Xuân Giáp Thìn 2024” với chủ đề “Tri thức trao tay – Xuân vạn điều may” từ ngày 5/2 (26 tháng Chạp) đến ngày 14/2 (5 tháng Giêng).



Tác giả & tác phẩm

Tác giả Nguyễn Văn Huyên (1905-1975) sinh tại Hà Nội, nguyên quán xã Kim Chung, huyện Hoài Đức, thành phố Hà Nội. 

Năm 1923, Nguyễn Văn Huyên sang Pháp du học. Năm 1934 ông bảo vệ thành công luận án tiến sĩ Văn khoa tại Đại học Sorbonne, Paris. Năm 1935 ông về nước, dạy học tại Trường Bưởi. Năm 1938 ông chuyển sang nghiên cứu tại Trường Viễn Đông Bác cổ. Năm 1941 ông là ủy viên Hội đồng Nghiên cứu khoa học Đông Dương. 

Sau Cách mạng tháng Tám, ông giữ chức tổng giám đốc Vụ Đại học thuộc Bộ Quốc gia Giáo dục, kiêm giám đốc Viện Viễn Đông Bác cổ.

Tháng 11 năm 1946, ông giữ chức bộ trưởng Bộ Quốc gia Giáo dục của chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. 

Trong cuốn sách “Địa lý hành chính và tập quán của người Việt”, bên cạnh đơn vị làng/xã vốn đã được bản thân Nguyễn Văn Huyên điều tra, khảo tả rất kỹ lưỡng trong các công trình trước đây, lần này ông muốn nhìn địa lý hành chính ở một tầng bậc cao hơn qua hai đơn vị tỉnh và tổng.

Đây cũng chính là hai đơn vị hành chính riêng khác với nhiều nét đặc thù của Việt Nam truyền thống, ở đó thể hiện rất rõ sự phân tầng và quản trị của chính quyền phong kiến trung ương, cũng đồng thời bộc lộ một cách sinh động nhất đời sống của người dân quê vùng đồng bằng Bắc bộ.

Trong lần xuất bản này, cuốn sách “Địa lý hành chính và tập quán của người Việt” của Nguyễn Văn Huyên có hai công trình lần đầu được công bố gồm: “Nghiên cứu tập quán người Việt” và “Nghiên cứu về một tổng của người Việt: tổng Dương Liễu”.

* Bài đăng trên Chuyên trang Dân Sinh - Báo Dân Trí

 

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

[Review Sách] Tiến trình thành nhân

[Review Phim] Thiên tài bất hảo (Bad Genius)

[Review Sách] Dịch Hạch