[Chia sẻ] Cảm nghĩ sau khóa học Áp dụng các lý thuyết căn bản vào thực hành tham vấn và trị liệu tâm lý

 Tôi là biết đến khóa học “Áp dụng các lý thuyết căn bản vào thực hành tham vấn và trị liệu tâm lý” của WisdomViet thông qua nhóm Zalo (tôi xin tham gia nhóm do được một thành viên trong nhóm giới thiệu đây là cộng đồng tâm lý học thường chia sẻ các kiến thức, tài liệu hữu ích).

Là một gia sư kiêm cố vấn cho các bạn thanh thiếu niên, tôi hiểu dù bản thân chưa tốt nghiệp chuyên ngành tâm lý học thì cũng nên chủ động tìm kiếm tích lũy thêm các kiến thức tâm lý bổ trợ cho công việc của mình.

Các bạn thanh thiếu niên ngày nay, theo cảm nhận của tôi là thông minh hơn và được tiếp cận lượng thông tin dồi dào, đa chiều hơn qua Internet. Điều này mang đến nhiều cơ hội nhưng cũng tồn tại thách thức với cuộc đời của các bạn: các vấn đề về sức khỏe tinh thần càng ngày càng gia tăng do bộ não bị quá tải, nhịp sống gấp gáp.

Nhưng đôi khi quá trình hỗ trợ lại không đơn giản như vậy vì không phải gia đình nào cũng hiểu con mình cần đi tham vấn tâm lý và không phải bạn thanh thiếu niên nào cũng vui vẻ, sẵn sàng hợp tác trong quá trình tham vấn. Vậy nên vai trò của tôi là phòng ngừa các vấn đề liên quan đến sức khỏe tinh thần cho học sinh của mình và tư vấn, giải thích cho cha mẹ trong trường hợp bạn học sinh đó cần đến gặp chuyên gia tham vấn tâm lý có đầy đủ bằng cấp chính quy, chứng chỉ hành nghề. Tôi thường tự nhắc nhở việc mình nên làm gì và không nên làm gì, có thể làm gì và chưa thể làm gì khi đồng hành với học sinh trong vai trò cố vấn cho các bạn. Tôi tôn trọng việc chuyên gia có bằng cấp chính quy, đủ giờ thực hành có giám sát ca, thực hiện đúng công việc chuyên môn của họ.

Để bồi dưỡng năng lực trợ giúp (tôi tốt nghiệp Cử nhân chuyên ngành Quản lý Văn hóa, Thạc sĩ chuyên ngành Văn hóa học), tôi tìm đọc sách (tôi sẽ chia sẻ tên sách cụ thể trong phần tài liệu tham khảo) và tham gia các khóa học ngắn hạn phù hợp với tính chất công việc của mình. Tôi từng tham gia khóa học do Hội tâm lý trị liệu Việt Nam và Viện Tâm lý Việt - Pháp tổ chức và một số khóa học mở trên nền tảng học tập trực tuyến Coursera, Alison, Udemy. Tôi nhận thấy tìm hiểu về tâm lý học là hoạt động thú vị nhưng gian nan, đòi hỏi sự say mê, kiên trì bởi kiến thức rất phong phú, đa dạng.

Đúng thời điểm tôi đang tìm kiếm một khóa học hệ thống lại các liệu pháp, trường phái chính- và quan trọng nhất là chia sẻ cách thức thực hành thì tôi tìm thấy khóa học của WisdomViet. Nghĩ rằng nội dung kiến thức, thời gian học, chi phí khá phù hợp nên tôi đã đăng ký tham gia.

Nhưng chia sẻ dưới đây của tôi là những kiến thức tôi thấy tâm đắc nhất khi nghe Tiến Sĩ Ngô Xuân Điệp và Giáo Sư Tiến sĩ Trần Thị Minh Đức chia sẻ trong khóa học. Cảm nghĩ của tôi có thể mang tính chủ quan, đôi chỗ sử dụng chưa chắc đúng hoàn toàn thuật ngữ chuyên ngành, ý tưởng thầy cô truyền đạt. Nhưng do tính chất của bài viết này là nhật ký nên tôi vẫn mạnh dạn chia sẻ.



I. Phân tâm học và một vài cảm nghĩ

Tôi ấn tượng với Phân tâm học bởi hai cái tên S. Freud và C. Jung. Quan điểm của S. Freud về tính dục và hướng tiếp cận của C. Jung khi phân tích tâm lý con người đều khá hấp dẫn và có cơ sở.

Trước hết bàn về tính dục- đây là điều người ta thường tranh cãi hoặc đùa cợt về nó trong đời sống nhưng ít khi tìm hiểu, thẳng thắn trò chuyện. Sự ái ngại đó phản ánh mỗi nỗi lo lắng mơ hồ về việc bị đánh giá. Trong buổi học, tôi đã hiểu được bản chất của tình dục không phải là xấu hay tốt (mà hình như bản chất của mọi thứ trên đời đều vậy, xấu – tốt là do nhãn dán chủ quan của con người). Xung năng tính dục không được giải tỏa sẽ tạo nên những ẩn ức, vận hành tâm trí con người. Nhiệm vụ của Phân tâm học là giải tỏa những xung năng ấy thông qua các liệu pháp như liên tưởng tự do, phân tích giấc mơ, phân tích diễn dịch sự chống đối, phân tích diễn dịch chuyển di cảm xúc, phân tích diễn dịch chuyển di cảm xúc.

Tôi hiểu đây là hoạt động tiếp cận cơ chế phòng vệ và đào bới cả ba tầng hoạt động tâm trí (Ý thức, tiền ý thức, vô thức) và tác động đến cấu trúc nhân cách của thân chủ (Cái Ấy – cái Tôi – cái Siêu tôi). Ưu điểm là giải quyết được vấn đề tận gốc rễ, triệt để và giới hạn là chưa được khoa học kiểm chứng và thời gian trị liệu kéo dài có thể khiến thân chủ mất kiên nhẫn, cảm thấy tốn kém. Hơn nữa văn hóa Á Đông không phải lúc nào cũng cởi mở trong việc bàn đến những góc khuất của tâm hồn và những ham muốn bị đè nén, nên tôi nghĩ Phân tâm học chưa mấy phát triển ở nơi chúng ta đang sống.

Đối với C. Jung, tôi cảm thấy khá ấn tượng với học thuyết về cái bóng của ông: chúng ta thường nhìn thấy ở người khác những điều vốn sẵn có bên trong chính bản thân mình. Tôi liên tưởng ngay đến những lần mình nhận xét, đưa ra quan điểm về người khác và dần dần nhận thấy cơ sở hợp lý của học thuyết này. Có lẽ phần nhiều những thứ chúng ta thấy là những định kiến tồn tại ngay trong tâm trí của ta. Sự phân biệt này khiến cho chúng ta đôi khi nghiêm khắc một cách vô lý với những người xung quanh nhưng lại dễ dàng tự hợp lý hóa hành vi chiều chuộng bản thân của mình.

Những khám phá của C. Jung về nguyên mẫu, biểu tượng, vô thức tập thể trong huyền học cũng là điều khá thú vị mà tôi vẫn đang chiêm nghiệm trong quá trình thực hành Tarot.

II. Hiện sinh nhân văn: hướng tiếp cận giáo dục

Đây là phần bài giảng tôi cảm thấy giảng viên thăng hoa nhất. Hình như đến một giai đoạn nào đó nhất định trong cuộc đời, khi đã trải nghiệm đủ nhiều và tư duy đủ sâu về sự hoàn hảo thì con người nhận ra sự hoàn hảo là điều không thực sự quan trọng như họ từng nghĩ. Nhưng nếu vẫn bám chấp vào khao khát sự hoàn hảo trong đời thực thì mỗi chúng ta tự tạo ra vấn đề cho riêng mình.

Trường phái hiện sinh trao cho con người quyền làm chủ cuộc đời mình thông qua các lựa chọn, đi từ hiện hữu đến tìm ra bản chất. Nhà trị liệu hiện sinh giúp thân chủ tự giúp lấy chính mình. Bởi vậy trị liệu hiện sinh/nhân văn không có hệ thống phương pháp cụ thể.  Đối tượng của trị liệu hiện sinh/nhân văn là các rối nhiễu mà thân chủ gặp phải khi bị các kịch bản cuộc đời dồn nén khiến họ không được bộc lộ con người thực. Dù quá trình nâng cao sự tự ý thức này có thể sẽ cần phải trả giá khi đời sống bị xáo trộn và không thể đảo ngược. Tư tưởng của trường phái hiện sinh/nhân văn liên quan chặt chẽ với tư tưởng của Đức Phật, Lão Tử.

Kế thừa tư tưởng đó, Carl Rogers đã phát triển Liệu pháp thân chủ trọng tâm. Tôi biết đến ông qua tác phẩm “Tiến trình thành nhân”. Và trong bài giảng của thầy, tôi đã có cơ hội hiểu thêm về một cá nhân được coi là có “nhân cách kiệt xuất”. Tôi nghĩ Liệu pháp này giống như ví dụ của thầy về một chiếc cây tỏa bóng mát, không nói, không làm nhưng mang đến cảm giác an bình và dễ chịu cho người trú ngụ. Nếu áp dụng vào lĩnh vực giáo dục thì đây là một học thuyết rất có lợi cho sự phát triển bản thân và nuôi dưỡng lòng bao dung trong khi ứng xử với người khác.

Vấn đề của xã hội hiện đại là có quá nhiều lựa chọn, quá nhiều thứ người ta muốn làm và vì thế người ta cố gắng làm càng nhiều điều càng tốt để tránh khỏi nỗi sợ bị tụt lại phía sau, bị bỏ lỡ. Cá nhân bị cuốn vào vòng xoáy này sẽ sống cuộc đời người khác mong muốn, bi hài như lời thoại trong bộ phim “Fight Club” tôi từng xem: “Chúng ta dùng những đồng tiền chúng ta không có để mua thứ chúng ta không cần nhằm chứng tỏ với những người chúng ta không thích”.

Nhà trị liệu theo trường phái này nhắc cho thân chủ nhớ anh/cô ấy là nhân vật trung tâm của cuộc đời mình. Họ cần nâng cao sức đề kháng tâm lý để đối mặt và sống đúng với bản chất, nhận ra bình an “hạnh phúc khi là chính mình và để họ là chính họ”.

Tôi nghĩ các bậc phụ huynh và giáo viên nên tìm hiểu về trường phái này trong quá trình nuôi dạy con trẻ. Bởi mục đích sâu xa của trị liệu theo Liệu pháp thân chủ trọng tâm là cung cấp một môi trường có lợi để giúp cá nhân trở thành một con người có đầy đủ chức năng. Nên tôi nghĩ đây cũng là sứ mệnh của các bậc phụ huynh, giáo viên. Bởi nếu dựa vào những điều chúng ta đã biết về những thứ đã qua để áp đặt con trẻ về tương lai sắp tới thì đó là một hành vi tuy thiện ý nhưng không hề sáng suốt.

Mặc dù nhìn nhận thoáng qua thì Liệu pháp thân chủ trọng tâm có vẻ dễ dàng nhưng thực tế lại không phải như vậy. Để hội tụ đủ các phẩm chất như: Trung thực, thấu hiểu và thấu cảm, Tôn trọng và chấp nhận vô điều kiện thì con người phải rèn luyện và trải qua nhiều biến cố, thẳng trầm trong cuộc sống. Nếu vốn sống còn ít ỏi, tầm nhìn hạn hẹp hoặc còn nhiều tổn thương với cơ chế phòng vệ dày đặc thì Nhà trị liệu sẽ rất khó vận dụng Liệu pháp này. Giống như bàn đến Đức Phật với tinh thần vô ngã hay Lão Tử với chủ trương vô vi, chúng ta đều thấy được các Ngài không nỗ lực thay đổi, không làm để đạt mục đích tóm lại là làm càng ít càng tốt nhưng không phải ai cũng có thể trở nên giống như các Ngài. Vì bản tính nhân loại là “tâm viên, ý mã” nên đôi lúc “không làm” thường khó hơn “làm”.

Tôi nghĩ trường phái này sẽ hợp với những nhà trị liệu có đời sống nội tâm sâu sắc nhưng cũng có trải nghiệm đời thực rộng rãi. Ưu điểm là những cá nhân được nâng đỡ bởi liệu pháp này sẽ trưởng thành và giữ vững được bản sắc. Với những nhà trị liệu thích hệ thống phương pháp cụ thể, có thể tác động cho ra kết quả và kiểm chứng thì các liệu pháp Nhận thức – Hành vi sẽ phù hợp hơn.

III. Nhận thức - Hành vi: bộ công cụ hữu ích

Quan điểm Nhận thức hành vi can thiệp vào quá trình trị liệu nhiều hơn và nhà trị liệu cũng có vai trò chủ động hơn. Với các hướng tiếp cận như: Điều kiện hóa cổ điển, Lý thuyết học tập xã hội, Trị liệu hành vi nhận thức, Điều kiện hóa tạo tác tôi cảm nhận quan điểm này sẽ khá phù hợp với những thân chủ và nhà trị liệu thích sự cụ thể, có thể đo lường được và không có nhiều thời gian.

Trong số các liệu pháp Hành vi biện chứng, Nhận thức dựa trên Chánh niệm, Giảm căng thẳng dựa trên Chánh niệm, Chấp nhận và Cam kết thì tôi cảm thấy thân thuộc với liệu pháp Chấp nhận và Cam kết. Có lẽ trong quá trình lựa chọn các trường phái, liệu pháp thì triết lý sống của một con người có vai trò khá quan trọng. Với liệu pháp Chấp nhận và Cam kết (ACT), tôi tìm thấy các giá trị phù hợp như chấp nhận cảm xúc, hành động theo giá trị bản thân cam kết, xem xét hành vi theo bối cảnh và duy trì trạng thái tâm lý linh hoạt. Tôi nghĩ một tâm lý linh hoạt thì sẽ khó bị đổ vỡ, gãy nát hơn là một tâm lý cứng nhắc.

Trong quá trình học tập, tôi được biết thêm một mô hình đơn giản nhưng khá thú vị đó là khung ABC. Với công cụ này, tôi nghĩ chúng ta có thể thuật lại rõ ràng hơn vấn đề thân chủ đang gặp phải. Nhưng điều quan trọng là trong đời sống hằng ngày, kể cả không mắc phải chứng rối nhiễu tâm lý nào thì khung ABC vẫn có ích khi giúp bản thân mỗi người tự nhìn ra được những giới hạn trong nhận thức chủ quan của bản thân. Từ việc xác định những giới hạn đó, rất có thể chúng ta sẽ dần dần tìm thấy được ba niềm tin cốt lõi: Không được yêu thương – không có năng lực – không có giá trị ẩn tàng sâu bên trong mình.

IV. Thay cho lời kết

Kết thúc khóa học, tôi nhận ra rằng trị liệu tâm lý có bản chất là tìm ra ý nghĩa, nguyên nhân của những rối nhiễu cảm xúc, cảm nhận. Mục đích của quá trình này là nhận ra con người thực và giúp con người thực ấy độc lập phát triển trên hành trình cá biệt hóa bản thân, hiện thực hóa bản thân và trưởng thành.

Tôi cũng nhận thấy quyền năng của ngôn từ qua lăng kính của quan điểm Nhận thức - hành vi, chiều sâu của ngôn từ qua quan điểm Phân tâm và giới hạn của ngôn từ trong quan điểm Nhân văn- sự chân thật đôi khi chỉ đơn giản là tĩnh lặng.

Hành trình đang ở phía trước, dù có phải là một nhà trị liệu tâm lý hay không thì tôi vẫn cần thời gian sống, học hỏi kiến thức và để trải nghiệm những điều mình học được để chuyển hóa thành tri thức trong trường học rộng lớn mang tên: cuộc sống. Cuộc sống mang cho tôi bài học nào thì tôi sẽ vui vẻ đón nhận bài học ấy.

Nhưng có lẽ đến một thời điểm nào đó, tôi cũng cần buông bỏ nốt tri thức, vì buông kiến thức mà nắm lại tri thức thì có lẽ vẫn chưa hoàn toàn là buông bỏ- vẫn còn mang tư tưởng giữ lại thứ gì đó của riêng mình, vẫn ham muốn sở hữu, vẫn khao khát chứng tỏ giá trị của bản thân. Giảng viên đã đúng khi chia sẻ với lớp rằng: tự do lớn nhất của đời người là tự do khỏi tâm trí.

Nếu bậc thầy chỉ ra con đường, thì tôi nghĩ người học trò cần tự mình bước đi trên con đường ấy. Thành tựu lớn nhất có thể sẽ không phải là trở thành ai đó, mà là tìm thấy chính mình.

V. Tài liệu tham khảo (sắp xếp theo trí nhớ)

  1. Carl Rogers, “Tiến trình thành nhân”, Nxb Phụ nữ.
  2. Steven C.Hayes, Spencer Smith, “Thoát khỏi tâm trí và bước vào cuộc sống”, Nxb Thanh niên.
  3. Edward Hoffman – William C.Compton, “Tâm lý học tích cực”, Nxb Lao động.
  4. TS. Ngô Xuân Điệp, bài giảng trong khóa học “Áp dụng các lý thuyết căn bản vào thực hành tham vấn và trị liệu tâm lý”, tài liệu do WisdomViet cung cấp.
  5. GS. TS Trần Thị Minh Đức, “Giáo trình tham vấn tâm lý”, Nxb Đại học Quốc gia Hà Nội.
  6. Gillian Butler Freda McManus, “Dẫn luận về tâm lý học”, Nxb Hồng Đức.
  7. Anthony Storr, “Dẫn luận về Freud”, Nxb Hồng Đức.
  8. Anthony Stevens, “Dẫn luận về Jung”, Nxb Hồng Đức.
  9. TS. Phạm Toàn, “Tâm bệnh học”, Nxb Trẻ.
  10. Stephen S. Ilardi, “Phương pháp điều trị trầm cảm”, Nxb Hà Nội.
  11. Viktor E. Frankl, “Đi tìm lẽ sống”, Nxb Tổng hợp Thành phố Hồ Chí Minh.
  12. Eckhart Tolle, “Sức mạnh của hiện tại”, Nxb Tổng hợp Thành phố Hồ Chí Minh.
  13. Andrew Holecek, “Bàn về sinh tử”, Nxb Thế giới.
  14. Sigmund Freud, “Cái tôi và cái nó”, Nxb Tri thức.
  15. Jonice Webb, “Lấp đầy trống rỗng: Chữa lành tổn thương cảm xúc thời thơ ấu”, Nxb Dân trí.
  16. Phạm Minh Hạc, “Tuyển tập tâm lý học”, Nxb Giáo dục.
  17. TS Lê Nguyên Phương. “Dạy con trong hoang mang” (tập 1tập 2), Nxb Tổng hợp Thành phố Hồ Chí Minh.
  18. Alexandra Robbins, “Chế ngự khủng hoảng tuổi thành niên”, Nxb Tri Thức.
  19. Kishimi Ichiro & Koga Fumitake, “Dám bị ghét”, Nxb Dân Trí.
  20. Lise Bourbeau, “Nhận diện 5 tổn thương” và “Chữa lành 5 tổn thương”, Nxb Dân trí.
  21. Thích Nhất Hạnh, “Muốn An được An”, Nxb Lao động.
  22. Trịnh Xuân Thuận và các tác giả, “Đối mặt với vũ trụ”, Nxb Tri thức.
  23. Gordon Livingstone, “Già quá sớm, khôn quá muộn”, Nxb Văn hóa – Thông tin.
  24. Rolf Dobelli, “Nghệ thuật tư duy rành mạch”, Nxb Thế giới.
  25. Dale Carnegie, “Quẳng gánh lo đi & vui sống”, Nxb Tổng hợp Thành phố Hồ Chí Minh.

 

 

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

[Review Sách] Tiến trình thành nhân

[Review Phim] Thiên tài bất hảo (Bad Genius)

[Review Sách] Dịch Hạch