[Review Phim] Up in the Air

 

Tôi biết đến bộ phim này khi đang ở trong lớp học Đi Tìm Cây Táo (Vietnam Coaching Hub) tổ chức. Khi nghe chị Dung nhắc đến một câu nói trong phim, điều gì đó đã thôi thúc tôi phải xem Up in the Air càng sớm càng tốt. Dường như vào một vài thời điểm trong đời, sẽ có những con người, quyển sách, bộ phim đột nhiên bước vào đời ta để thì thầm với ta lời chỉ dẫn mà ta tìm mãi không thấy.


Up in the Air kể về Ryan Bingham, người làm công việc thay mặt các ông chủ của hàng loạt công ty trên nước Mỹ sa thải nhân sự của họ. Nếu bạn chưa trải qua điều này, hay chí ít chưa từng tưởng tượng về nó, thì bạn sẽ cảm thấy công việc của Ryan thật kì lạ (hoặc đây là thể loại phim viễn tưởng).

Vì sao lại có những ông chủ chấp nhận chi tiền cho người đàn ông xa lạ này bước vào để “trảm” những nhân sự của họ nhỉ? Bởi họ sẽ phải đối mặt với các nhân sự lâu năm, tận tụy, trung thành thậm chí là từng kề vai sát cánh bên họ từ ngày họ lập nghiệp với đôi bàn tay trắng. Không lãnh đạo nào từng thề non hẹn biển khi leo dốc, lại sẵn sàng đối mặt với nhân sự mình chuẩn bị đạp xuống khi đã lên tới đỉnh cao.

Cũng có những hoàn cảnh éo le, việc kinh doanh thua lỗ, nhân sự đó đã không còn phù hợp với bộ máy, trở nên già cỗi hoặc không hiệu quả song vì thâm niên công tác của nhân viên, hiếm nhà quản lý nào đủ bản lĩnh đối diện khi khai trừ họ khỏi tổ chức. Thách thức khó nhằn này được đẩy cho Ryan. Thế rồi, Ryan lại hào hứng kéo chiếc vali băng băng trên sân bay.

Ở phần đầu phim, sự chuyên nghiệp của Ryan khiến tôi nghĩ anh thực sự sinh ra để làm công việc này- nhất là hình ảnh Ryan kéo chiếc vali: làm tôi liên tưởng đến một vị thần chết đang kéo lê lưỡi hái đi thực thi nhiệm vụ.

Ryan yêu công việc của anh đến mức anh sống trong công việc. Anh còn trở thành diễn giả để lan tỏa triết lý sống “không ràng buộc”, “chiếc ba lô rỗng” của mình. Trong vị trí loại bỏ người khác, hình như anh cảm thấy an tâm khi bản thân sẽ không bị vứt bỏ.

Thế nhưng sau một vài trải nghiệm, Ryan nhận ra dù biết cách làm việc với con người, thì anh cũng vẫn chỉ là một con người. Anh không thực sự tốt hơn họ như anh nghĩ, thậm chí là anh lạc lõng, lẻ loi trên khắp mọi chặng đường. Không ai đưa tiễn, không ai chào đón (trừ những khách sạn sang trọng và hãng hàng không anh thường bay, bởi anh là khách hàng thân thiết).

Ryan đến rồi đi, rồi một ngày nào đó, có thể anh sẽ biến mất mãi mãi. Nhưng người ta sẽ nhớ gì về anh? Quan trọng hơn là, có ai còn nhớ đến anh khi anh không thực sự thuộc về ai hay không?

“Đêm nay, mọi người về nhà bên chú chó cưng và lũ trẻ réo lên chào đón họ. Vợ họ sẽ hỏi thăm ngày làm việc của họ. Đêm nay họ sẽ ngủ. Ngôi sao kia chiếu sáng từ nơi xa xăm, và một trong những ánh sáng đó, sáng nhẹ hơn những ánh sáng khác, là cánh máy bay tôi đang bay ngang.”




Thay cho lời kết

Bài học đầu tiên tôi rút ra được sau khi xem bộ phim này là không ai có trách nhiệm bảo đảm công việc cho bạn (nhất là trong thời đại này).

Phim ra mắt vào năm 2009, nhưng rất nhiều yếu tố vẫn còn đúng đến ngày nay. Đặc biệt là thời điểm khi dịch bệnh covid bùng phát: nhiều doanh nghiệp giải thể kéo theo không ít nhân sự bị đánh thức một cách thô bạo khỏi giấc mơ êm đềm sáng đi - tối về, cuối đời lãnh lương hưu.

Dù bạn là ai, làm ở vị trí nào thì vẫn luôn có khả năng bị loại bỏ hoặc thay thế. Chỉ một cuộc điện thoại lúc nửa đêm, một email ngắn gọn hay một cuộc hẹn từ bộ phận nhân sự là có thể kết thúc sự nghiệp của bạn. Dù bạn đang là thực tập sinh, hay đã có hàng năm trời cống hiến. Nếu có khác, chỉ là khác ở từ ngữ họ nói với bạn, mức độ tôn trọng họ dành cho bạn, phí đền bù, trợ cấp (nếu có) và một bữa tiệc chia tay (nếu có).

Trong lĩnh vực nghề nghiệp, bạn là người duy nhất nắm giữ sự ổn định của bản thân.

Người lãnh đạo thực sự không quan tâm ngay đến hiệu quả, họ quan tâm đến con người

Đơn vị của Ryan khá hào hứng với hoạt động thử nghiệm hình thức cho thôi việc online. Bởi theo người đề xuất dự án, họ sẽ tiết kiệm được 85% chi phí nếu làm vậy. Tiết kiệm được chi phí quả là tin tức hấp dẫn với chủ doanh nghiệp.

Nhưng Ryan đã đúng khi đặt ra câu hỏi cho Natalie: “Liệu cô có hiểu bản chất việc mà chúng ta đang làm không?”. Natalie- một sinh viên mới ra trường giàu nhiệt huyết, có năng lực nhưng chưa đủ hiểu biết về con người. Cô chỉ tập trung vào giải quyết các vấn đề trong công việc mà quên đi rằng vấn đề cần ưu tiên số một ở bất kì lĩnh vực nào trong xã hội cũng đều bắt nguồn từ con người.

Ryan hiểu bản chất việc anh làm, anh không bị mê hoặc bởi các công cụ mới hay các sơ đồ được xây dựng sẵn. Bởi anh biết, chìa khóa không phải nằm ở công cụ, mà nằm ở nghệ thuật ứng xử giữa con người với nhau.

Không lựa chọn nào là hoàn hảo

Tình cờ là trước khi xem bộ phim này, tôi có nhận được tin nhắn từ một người anh tôi quý mến. Đại ý trong tin nhắn là muốn khuyên nhủ tôi xem xét lại việc lựa chọn trở thành Freelancer. Ý nghĩ về một công việc ổn định, có tích lũy, có bảo hiểm, dần dà chuyển sang có đầu tư quả thật hấp dẫn. Thế nhưng, tôi vẫn nhớ câu nói quen thuộc của võ sĩ quyền anh Mike Tyson: “Everyone has a plan 'till they get punched in the mouth” kèm theo chút hoài nghi khi lắng nghe các bản kế hoạch không phải do tự tay mình lập nên.  




Đường đời thì lắt léo hơn cách mà chúng ta có thể tưởng tượng. Mỗi người đều có thể lựa chọn hoặc chuẩn bị, hoặc thích nghi. Dù thế nào thì mỗi chúng ta đều phải nỗ lực và học cách tin tưởng vào bản thân. 

Sẽ chẳng ai khen ngợi khi bạn là chính bạn. Song vì vậy, bạn được giải phóng khỏi lời khen, tiếng chê để sống cuộc đời của bạn mà không phải mang theo nhiều hối tiếc.


Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

[Review Phim] Warrior (Giang hồ phố Hoa) 

[Review Sách] Khả năng cải thiện nghịch cảnh

[Review Phim] Bảy võ sĩ đạo (1954)