[Chia sẻ] Chuyện Hiện tại
Viết
về hiện tại thì chẳng thể nào chính xác. Vì khi bạn viết, hiện tại đã thay đổi
rồi. Chưa kể là, bạn và tôi chẳng thế nào dám chắc chắn mình đã hiểu hết mọi
khía cạnh của thực tại để diễn tả lại nó. Câu chữ thì vẫn mãi chỉ là câu chữ,
được ước định và mang ý nghĩa theo cách gói ghém của đồ ăn liền.
Nhưng
tôi viết bài này để chia sẻ lại một lát cắt của thực tại ấy qua cảm nhận của
tôi. Dẫu rằng có thể chưa hoàn toàn là thực tại theo cách bạn thấy, nhưng bạn
cũng có thể dạo qua một miền thực tại khác để cuộc sống phong phú hơn.
Tôi nghĩ thời điểm này không thích hợp để nói câu chuyện về những kế hoạch dài hạn. Vì sau khi dịch bệnh đến mà vẫn dùng dằng
chưa muốn đi, con người ta bắt đầu hiểu rõ hơn về tính hữu hạn của sinh mệnh-
kèm theo tính mong manh của nó. Thường có hai cách để đương đầu với tình trạng này: quay về quá khứ hay mơ tới tương lai.
Trong
một buổi gặp gỡ với mấy người bạn thân, tôi được nghe kể câu chuyện như sau:
Hôm
ấy bốc vác xong, anh L, trước làm hướng dẫn du lịch mở ảnh trong điện thoại ra
cho mọi người xem. Vừa lướt, vừa kể “đây này! năm ngoái tầm này anh đang ở biển
đây này, tôm cua ngập ngụa ăn không hết đây này”. Trong mắt anh L hiện lên thứ
sáng của hoài niệm rực rỡ, trong khi trên tay anh vẫn đang cầm chiếc bánh mì ruốc
sáu nghìn đồng. Anh ngồi ăn trên thùng hàng đợi bốc nốt sau phút nghỉ trưa vội
vã.
Nghe
câu chuyện với giọng kể hóm hỉnh của anh bạn, tôi bật cười ngặt nghẽo. Nhưng
sau đó về nhà tôi nghĩ về câu chuyện này khá lâu. Quá khứ huy hoàng là một món
quà hay là một trở ngại trên hành trình tiếp nhận hiện thực của con người ta nhỉ?
Sống
với quá khứ, mà lại toàn quá khứ đẹp thì thật hạnh phúc. Thỉnh thoảng cũng cần thoảng
qua làn khói hồi tưởng để tinh thần hưng phấn. Nhưng chìm đắm trong nó phải chăng
là tự mình dính lấy một chất gây nghiện khó bỏ hay sao?
Một lựa chọn khác, như tôi đã nhắc đến ở trên là hướng tới tương lai. Tương lai này thường được đồng hóa với lời khuyên từ những người có vẻ thành công.
Dường như ai cũng có hiểu biết và ai cũng muốn chia sẻ
hiểu biết, tầm ảnh hưởng của bản thân thông qua những lời hứa vào một tương lai
tốt đẹp. Bước lên không gian mạng, ai cũng dễ dàng nhận là “thầy”, nhưng ít ai thực
sự đi lên từ “thợ”. Giảng giải, hứa hẹn thì cũng không phải là xấu nhưng vin vào
những hứa hẹn, giảng giải ấy để dẫn dắt người khác thì thật không phải lối ứng
xử nên có giữa người với người.
Tôi
từng được lắng nghe tâm sự của một người bạn, so với lứa tuổi và mặt bằng chung
của xã hội thì anh ấy có thể coi là ổn định: một công việc nhà nước, có nhà, có
đất, vợ con đề huề, có ô tô riêng. Nhưng mỗi lần lên mạng xã hội, anh ấy chia sẻ
là bản thân vẫn cảm thấy áp lực, mặc cảm. Mỗi ngày trên đó có hàng chục ngàn người
đang chia sẻ thành tựu của bản thân và hàng triệu lý thuyết, khẩu hiệu về thành
công, cách sống. Anh ấy muốn rời bỏ mạng xã hội nhưng lại không thể rời bỏ nó và
nó làm cuộc đời của anh trở nên khốn khổ với phép so sánh, mặc dù hiện tại anh không khổ.
Nghe
xong chuyện anh kể, tôi nhớ lại câu nói “Mỗi lần tôi tìm ra ý nghĩa cuộc đời,
người ta lại tìm cách thay đổi nó”. Người ta ở đây là ai? Chắc chỉ có internet
mới có thể tìm ra câu trả lời- theo cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng.
Nếu
các tu viện xa xưa mà có công nghệ hiện đại thì chẳng thể có những hiền nhân lỗi
lạc hay các nhà tâm linh bậc thầy. Bởi con đường Đạo của họ lúc nào cũng có thể
bị lung lay, khi mà thông tin nhiều quá thì làm sao họ còn đủ bình tâm để suy xét
về nội tâm? chỉ tiếc rằng vì lời hứa ngọt ngào đầy tiện nghi mà công nghệ mang lại,
người ta đã coi trọng tương lai hơn hiện tại để rồi lỡ mất cả hai.
Hiện
tại của bạn có thể khác tôi, cách nhìn hiện tại của tôi có thể không giống bạn.
Nhưng có lẽ bạn và tôi đều hiểu, chúng ta chỉ có một cuộc sống và cuộc sống ấy
nằm ở hiện tại.
Nhận xét
Đăng nhận xét